Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trao đổi tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc quyết định phương án kì thi nằm trong bối cảnh chung phải điều chỉnh chương trình giáo dục, thời gian năm học do dịch COVID-19. Nhưng việc này cũng nằm trong định hướng của lộ trình đổi mới thi cử.
Theo đó, kì thi sẽ dần trả lại đúng với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh kì thi sẽ phải được tổ chức nghiêm túc, khách quan, không nặng nề, nhiêu khê.
Ông Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia để sớm hoàn thiện phương án thi, trình Thủ tướng Chính phủ. Việc này phải căn cứ vào cả tình hình thực tế, các cơ sở pháp lý và định hướng đổi mới thi đang triển khai. Trong đó cơ sở pháp lý lớn nhất là Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020.
Tại cuộc họp cũng thống nhất từ năm nay, các trường đại học- cao đẳng sẽ tự chủ về tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục tiêu chính là công nhận hoàn thành chương trình GD phổ thông. Trước đó kỳ thi này được Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức vào tháng 8-2020.
Bộ GD-ĐT cũng cân nhắc việc giảm số môn thi so với năm 2019 để giảm áp lực cho học sinh. Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh khâu tổ chức thi để phù hợp với tình huống các nhà trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ các phương án khác nhau. Trong đó ngoài phương án tổ chức thi, Bộ GD-ĐT còn phương án không tổ chức kỳ thi. Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ chuyển giao cho địa phương. Các trường ĐH-CĐ sẽ chủ động phương thức tuyển sinh, không dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.
Bộ GD-ĐT cũng đã điều chỉnh khung thời gian năm học, kết thúc vào 15-7 và tinh giản nội dung chương trình, hướng dẫn các nhà trường thực hiện việc dạy học qua Internet và truyền hình trong thời gian các nhà trường chưa đón học sinh trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận