20/02/2013 06:41 GMT+7

Sẽ thêm bác sĩ giỏi về vùng xa

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Lần đầu tiên sau nhiều năm thiếu cán bộ y tế ở vùng sâu vùng xa, trên 40 bác sĩ sắp ra trường tình nguyện về công tác có thời hạn ở các huyện nghèo.

avkm1MSD.jpgPhóng to
Các bác sĩ tình nguyện TP.HCM khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre - Ảnh: Minh Đức

Đây là nội dung của một dự án dài hơi thuộc Bộ Y tế sẽ chính thức triển khai trong tháng 2-2013 thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo. Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19-2, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Phạm Văn Tác cho hay:

- Trước đây, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng từng có ý tưởng tổ chức một chương trình kiểu đưa bác sĩ trẻ về công tác có thời hạn ở vùng sâu, vùng nghèo, tuy nhiên có nhiều khó khăn, nhất là đầu ra cho các bác sĩ kết thúc nghĩa vụ nên ý tưởng chưa thành. Những năm vừa qua, Bộ Y tế đã thực hiện đề án 1816 đưa bác sĩ ở tuyến trên luân phiên về công tác ở tuyến dưới và bộ đang thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh nằm trong dự án tổng thể giảm tải bệnh viện mà Thủ tướng đã phê duyệt. Mục tiêu của bệnh viện vệ tinh cũng là đưa bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới theo tinh thần là làm thầy và làm hộ, tức là đào tạo tay nghề nhưng khi bác sĩ tuyến dưới chưa vững thì làm hộ và cốt sao chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa được tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể các dự án này vẫn chưa thay đổi căn cơ cho tình trạng thiếu bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở 62 huyện nghèo đang thiếu cán bộ y tế. Vì vậy Bộ Y tế đã triển khai dự án này.

Thiếu nghiêm trọng bác sĩ ở miền núi

Trong 62 huyện nghèo, có 34 huyện thành lập được bệnh viện huyện. Trong số này, bệnh viện huyện thấp nhất có 6 bác sĩ, cao nhất có 28 bác sĩ. Số bác sĩ có trình độ trên đại học rất ít ỏi, cả 34 bệnh viện huyện chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa 2. Các huyện còn lại chưa thành lập bệnh viện (sử dụng mô hình Trung tâm y tế), thì có tới 8 Trung tâm y tế chỉ có... 3 bác sĩ/trung tâm. Toàn bộ số Trung tâm y tế huyện này không có bác sĩ chuyên khoa 2.

(Nguồn: Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế)

* Thưa ông, các dự án đã qua chưa giải quyết được căn cơ tình trạng thiếu bác sĩ, vậy dự án mới sẽ làm gì để giải quyết tình hình, khắc phục được những tồn tại của dự án trước đó là rất ít bác sĩ chịu về vùng sâu?

- Dự án này sẽ được triển khai theo hướng khớp nối cả về nhu cầu của 62 huyện nghèo, nguyện vọng của bác sĩ và khả năng đào tạo của các bệnh viện tiếp nhận bác sĩ trẻ. Theo đó, bước 1 là khớp nối về nhu cầu và nguyện vọng. Sau khi khớp nối nhu cầu, các bác sĩ sẽ được tham gia đào tạo theo hình thức bác sĩ nội trú và sau 18 tháng ra trường, có chứng chỉ hành nghề, sẽ về công tác ở huyện nghèo họ tình nguyện trong thời gian hai năm với nữ và ba năm với nam. Toàn bộ chi phí đào tạo trong quá trình này dự án sẽ chi trả.

Khác với các dự án trước đây, dự án này là huyện khó khăn sẽ có bác sĩ thật sự khá giỏi, tay nghề cao, vì tất cả các bác sĩ tốt nghiệp loại khá, giỏi mới được tham gia dự án, còn trước đây rất ít bác sĩ trẻ chịu về huyện nghèo, chủ yếu là bác sĩ đào tạo hệ chuyên tu chịu về thôi. Từ đó người dân vùng nghèo cũng được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao hơn, chưa được như Hà Nội, TP.HCM thì tiến tới phải gần bằng.

* Một vấn đề khiến những chương trình đưa bác sĩ về vùng sâu ít hiệu quả là tính dài hơi, vậy dự án này thì sao?

- Ngay ở các nước Âu - Mỹ thì vùng sâu vùng xa cũng khó tuyển dụng bác sĩ về làm việc hơn so với các vùng trung tâm. Với dự án này, quá trình tuyển dụng - đào tạo - về công tác có thời hạn tại các huyện nghèo sẽ tiến hành liên tục từ năm 2013-2016, sau đó phải có một chính sách ở cấp cao hơn, được luật hóa, coi việc về vùng sâu vùng xa công tác có thời hạn là nghĩa vụ trong cuộc đời làm việc của bác sĩ. Trước mắt, Bộ Y tế đang trình dự thảo quyết định về luân phiên có thời hạn với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, nhưng sau năm 2016 thì quy định này sẽ mạnh hơn nữa, là một văn bản pháp luật quy định nghĩa vụ với bác sĩ và dược sĩ đại học.

* Gần đây có ý kiến cho rằng do điều kiện chăm sóc y tế kém nên tuổi thọ của người dân một số vùng nghèo thấp hơn so với Hà Nội, TP.HCM. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đánh giá về nhân lực y tế thì rất nhiều trong số huyện nghèo chỉ có 7-8 bác sĩ, số bác sĩ này làm việc vừa tại bệnh viện huyện, vừa tại trung tâm y tế dự phòng và vì quá ít ỏi nên không thể làm được gì nhiều so với yêu cầu phải có 7-8 bác sĩ/vạn dân. Vì vậy về mặt chuyên môn, dự án này sẽ tập trung về nhân lực, nên chắc chắn người dân vùng khó khăn sẽ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn trước nhiều.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp