11/04/2019 09:02 GMT+7

'Sẽ thay lãnh đạo nào né tránh trước khó khăn của doanh nghiệp BĐS'

TRẦN MẠNH - PHƯỚC TUẦN
TRẦN MẠNH - PHƯỚC TUẦN

TTO - Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo các sở ngành sớm công khai danh sách các dự án được tiếp tục triển khai, đồng thời báo cáo bằng văn bản trong tuần tới hướng giải quyết những vướng mắc hiện tại.

Sẽ thay lãnh đạo nào né tránh trước khó khăn của doanh nghiệp BĐS - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Quang, chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Nam Long, phát biểu tại Hội nghị gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo các sở, ban ngành TP - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Lãnh đạo quận, huyện thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm trong giải quyết khó khăn của doanh nghiệp sẽ bị thay. Đó là những nội dung mà các lãnh đạo TP.HCM đưa ra trong hội nghị gặp gỡ đại diện hơn 100 doanh nghiệp ngày 10-4.

Hiện chuyên viên ở các sở, ban, ngành rất hoang mang, sợ sai, ngại trình... Họ không trình hồ sơ thì lấy đâu trưởng phòng, phó giám đốc sở ký. Rồi để DN chờ đợi năm này qua năm khác

Bà Nguyễn Thị Như Loan

Doanh nghiệp rời TP.HCM

Ông Nguyễn Xuân Quang, chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Nam Long, cho biết sở dĩ tình trạng các doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong hai năm qua là do các chính sách chồng chéo, thiếu thực tiễn dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán "treo" 2-3 năm chưa kết luận.

Rất nhiều dự án tại TP.HCM ngưng trệ, nguồn cung thấp hơn cầu nên giá bị đẩy lên cao. Các nhà đầu tư phải rời TP.HCM đi các tỉnh làm dự án.

Theo ông Quang, tiền sử dụng đất đang là vướng mắc và có rủi ro cao. Tại các thị trường phát triển và minh bạch, giá đất được thống kê đầy đủ. Việc lấy giá thị trường làm căn cứ tính toán tiền sử dụng đất là ẩn số, rủi ro do biến động giá rất cao.

Bên cạnh đó, TP.HCM đang quy định giá thành xây dựng công trình và hạ tầng rất thấp so với thực tế cũng tạo rủi ro. Với mức 700.000 đồng/m2 hạ tầng là rất thấp so với giá thực tế lên đến 1,5-2 triệu/m2. Do đó, ông Quang đề nghị TP tính toán lại công thức phù hợp.

Ông Nguyễn Đình Trung, tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh, cho biết nhiều dự án đã triển khai mà doanh nghiệp chưa đóng được tiền sử dụng đất nên các vấn đề pháp lý với người mua nhà chưa thực hiện được dẫn đến khiếu kiện, ảnh hưởng đến uy tín và kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn ông Bùi Xuân Huy, tổng giám đốc Công ty Novaland, cho rằng tiến độ triển khai thủ tục pháp lý rất chậm nên nhà đầu tư nước ngoài e ngại. Việc kéo dài thời gian rà soát làm mất cơ hội phát triển của doanh nghiệp, thêm chi phí dẫn tới kém hiệu quả, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Bên cạnh 7 dự án ở quận Phú Nhuận, Novaland có 10 dự án đã nghiệm thu mà chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên chưa cấp quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất cho cư dân, dẫn tới khiếu kiện kéo dài. "Chúng tôi cam kết trả tiền sử dụng đất ngay khi TP xác định giá", ông Huy khẳng định.

Khó đến mức "muốn tự tử"

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Như Loan, tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, tỏ ra bức xúc với cách giải quyết của các cơ quan TP.HCM. Theo bà Loan, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150ha. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà doanh nghiệp tự đền bù, không phải có nguồn gốc đất công.

Để lấy tiền trang trải cho các hoạt động khi dự án bị ách tắc, Quốc Cường Gia Lai muốn triển khai dự án quy mô nhỏ 3.000m2 ở huyện Nhà Bè có nguồn gốc hoàn toàn từ đất ở nhưng các sở, ngành cứ chậm trễ. Dự án đã chấp nhận chủ trương đầu tư vào tháng

10-2017, hồ sơ pháp lý đầy đủ "không sai một dấu phẩy", đã duyệt xong đồ án 1/500. Khi trình UBND TP.HCM, chuyên viên UBND TP trả về vì văn bản Sở Xây dựng ghi "cơ bản hoàn thành" chứ không khẳng định "hoàn thành". Chỉ thế mà doanh nghiệp như phải làm lại từ đầu, quay lại từ đầu làm hồ sơ duyệt đồ án 1/2.000, trong lúc đã được duyệt đồ án 1/500.

Bà Loan cho rằng hiện chuyên viên ở các sở, ban ngành rất hoang mang, sợ sai, ngại trình, đề xuất lên lãnh đạo, để doanh nghiệp chờ đợi năm này qua năm khác.

"Đó là thực tiễn rất đau lòng, khổ tâm. Có lúc, nếu tôi không vì cổ đông, nợ ngân hàng, cuộc sống hơn 3.000 nhân viên công ty thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, tâm thư để Nhà nước làm sao tìm cách nào tháo gỡ thủ tục", bà Loan nói.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), cho rằng chưa bao giờ doanh nghiệp bất động sản thấy khó khăn như thời gian qua. Nguyên nhân chính đến từ việc hàng loạt dự án bị rà soát, xem xét, kiểm tra, điều tra... tạo hoang mang cho nhà đầu tư và người mua nhà.

"Rà soát là việc nội bộ của chính quyền, sao để ảnh hưởng đến doanh nghiệp và quyền lợi của người dân", ông Châu thắc mắc.

Đổi người đứng đầu thiếu quyết đoán

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay TP ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, thừa nhận những thiếu sót, tồn tại. Với các vướng mắc cụ thể, tuần sau các sở phải có văn bản trả lời.

Với các dự án bị ngưng để rà soát thủ tục pháp lý, ông Tuyến cho biết TP đã làm việc với Thanh tra Chính phủ, với Bộ Công an để giải quyết theo quan điểm sai ở đâu, xử ở đó. Qua làm việc đi đến thống nhất, với các dự án mà kết luận của thanh tra là có sai phạm thì phải dừng lại, dự án mà cơ quan công an đang thụ lý thì cũng phải dừng lại. Ngoài hai nội dung trên thì tiếp tục cho doanh nghiệp triển khai và đã có 124 dự án được tiếp tục triển khai.

"Chúng tôi đã giao cho Sở TN-MT mời doanh nghiệp lên công khai đầy đủ... Đề nghị Sở TN-MT sớm triển khai", ông Tuyến nói.

Với 7 dự án của Novaland ở Phú Nhuận, ông Tuyến khẳng định lại đến thời điểm này UBND TP.HCM cũng như Sở TN-MT chưa có bất cứ một văn bản nào ngưng giao dịch hay cấp giấy cho người dân. "Không cho phép bất cứ sở, ngành nào tự ý rà soát lại các quyết định của UBND TP" - ông Tuyến nói.

Ông Tuyến công nhận một số người đứng đầu quận, huyện thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm và đùn đẩy. TP đang kiểm tra, sắp tới sẽ đổi người đứng đầu cơ quan, địa phương nếu không đủ trách nhiệm, quyết đoán.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết cứ mỗi 5 năm TP có thêm 1 triệu người, tương đương 250.000 căn hộ. Đây là một cơ hội lớn cho ngành bất động sản.

Thời gian qua nghe nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đi các tỉnh để làm dự án vì ở TP.HCM khó quá, theo ông Nhân, những vấn đề thuộc về quy định chung của pháp luật thì đi đâu cũng sẽ áp dụng như vậy. Còn lại là vấn đề riêng của TP làm khó doanh nghiệp, TP phải sửa.

* Ông Nguyễn Toàn Thắng (giám đốc Sở TN-MT TP.HCM):

bất động sản

Trước cổng một dự án đang bị vướng mắc pháp lý tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thiếu hướng dẫn thực hiện

Sở TN-MT đang tập trung báo cáo giải trình, báo cáo đề xuất các kiến nghị của doanh nghiệp để tháo gỡ dần những vướng mắc theo nguyên tắc, ưu tiên các dự án đã được bán cho dân. Cuối tháng 12-2018, TP chính thức có kiến nghị gửi Thủ tướng và Bộ TN-MT về 6 nhóm vấn đề, 35 kiến nghị. Nếu không được tháo gỡ, các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ tiếp tục vướng mắc.

Ví dụ, liên quan đến đất Nhà nước trực tiếp quản lý, hiện nay không có nghị định hướng dẫn cụ thể khiến rất khó khăn trong xử lý. Để tháo gỡ, đơn vị phải trình từng dự án cụ thể. Hiện tất cả các tỉnh đều vướng. Mong Bộ TN-MT sớm tháo gỡ.

Về duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ TN-MT xây dựng thông tư hướng dẫn, nhưng thông tư chưa xây dựng xong khiến doanh nghiệp sử dụng đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý bị vướng hết. Dự kiến trong tháng 6 tới sẽ có thông tư.

* Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân:

Không đủ trình độ, đừng làm nữa

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Tôi nghe doanh nghiệp phản ánh có tình trạng giám đốc sở nói muốn giúp doanh nghiệp mà không biết giúp thế nào. Thế mà làm giám đốc à? Trong phạm vi lĩnh vực mình phụ trách thì giám đốc phải biết lối ra chính cho các vấn đề chứ.

Lại có giám đốc sở nói với doanh nghiệp không giúp được vì "chuyên viên không trình nên không có gì để ký". Không được phép nói như thế. Phải có thời hạn xử lý các kiến nghị, công văn của doanh nghiệp gửi lên sở, ban, ngành. Nhân viên không biết phải hỏi trưởng phòng chứ không thể nói tôi không biết cứ để đó, không có trình độ thì đừng làm nữa.

Kiểm soát tín dụng bất động sản ở những tỉnh thành "sốt đất"

Yêu cầu này vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong văn bản về chỉ đạo công tác tín dụng năm 2019. Theo đó, NHNN yêu cầu NHNN các tỉnh, thành phố theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các ngân hàng đối với lĩnh vực này trên địa bàn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, khu vực có sốt đất.

Mặt khác, phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng... NHNN nhấn mạnh cần tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng đối với khách hàng, nhóm khách hàng có dư nợ lớn...

A.HỒNG

Gặp Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Quốc Cường Gia Lai than phiền về 12 dự án ách tắc

TTO - Nhiều doanh nghiệp mong muốn, gửi gắm Bí thư Nguyễn Thiện Nhân sớm tháo gỡ, chỉ đạo giải quyết thủ tục hành chính, pháp lý của các dự án bất động sản trên địa bàn TP nhằm nâng cao chất lượng, ổn định chổ ở cho người dân.

TRẦN MẠNH - PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp