15/04/2021 08:12 GMT+7

Sẽ siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Tín dụng cho vay bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng chung của tín dụng nền kinh tế. Đến hết quý 1, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có hơn 1,8 triệu tỉ đồng cho vay bất động sản.

Sẽ siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán - Ảnh 1.

Theo NHNN, ngành công nghiệp xây dựng có tăng trưởng tín dụng tăng 3,42% trong quý 1 - Ảnh: Q.Đ.

Nội dung trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai thông tư 03 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 do NHNN tổ chức hôm 14-4.

Tiềm ẩn rủi ro

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng - thống đốc NHNN - yêu cầu từng tổ chức tín dụng phải điều hành sao cho tăng trưởng tín dụng an toàn, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Về tăng trưởng tín dụng quý 1, thống đốc cho biết tăng 2,93%, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy tín dụng đang chảy vào đâu?

Ông Nguyễn Tuấn Anh, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết theo định hướng của NHNN, tín dụng cả năm nay khoảng 12% và sẽ điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Tín dụng được tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

Qua thống kê, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán đạt 45.300 tỉ đồng, giảm nhẹ 1% so với cuối năm 2020, nhưng từ tháng 3 đã tăng trở lại. Tín dụng các dự án BOT và BT giao thông đạt 108.000 tỉ đồng, giảm 0,15%. Tín dụng phục vụ đời sống đạt 1,87 triệu tỉ đồng. Đặc biệt, tín dụng bất động sản đạt 1,85 triệu tỉ đồng, tăng 3%.

"Tín dụng đối với một số lĩnh vực đều tăng trưởng khá, nhưng cho vay đối với bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng cao hơn so với mức tăng bình quân. Sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán là tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng" - ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Siết cho vay bất động sản, chứng khoán

Về điều hành tín dụng thời gian tới, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế. Tín dụng tăng trưởng theo hướng mở rộng, tập trung cho vay với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông và tăng cường quản lý rủi ro cho vay đời sống, tín dụng tiêu dùng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Đô - phó chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị HDBank - cho rằng dư nợ cho vay bất động sản hiện khá lớn, chiếm hơn 19% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. 

"Khi có sự biến động của thị trường thì sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng. Dư nợ cho vay chứng khoán cũng vậy, thị trường lên xuống không thể dự báo được biến động kiểu gì, nhất là khi ngân hàng tự doanh chứng khoán thì rất ảnh hưởng đến nguồn vốn của ngân hàng" - ông Đô nhận định.

Giải pháp đặt ra, theo ông Đô, ngoài việc cảnh báo, siết chặt từ phía NHNN thì từng ngân hàng phải đặt ra mức trần cho vay đối với hai lĩnh vực này tùy theo sức khỏe, nguồn vốn của ngân hàng.

Ông Phạm Thanh Hà, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho hay kỳ vọng lạm phát đang tăng do chính sách ở nhiều nước. Ở trong nước, thời gian qua NHNN liên tục mua một lượng lớn ngoại tệ nên cũng có một lượng tiền được đẩy ra nền kinh tế.

Nguyên tắc năm nay, NHNN phân bổ chỉ tiêu tín dụng trên cơ sở ưu tiên các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay và tham gia hỗ trợ khách hàng. Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động, năng lực quản trị, khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh...

9,46 triệu tỉ đồng

Đó là dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trong đó cho vay bất động sản là trên 1,8 triệu tỉ đồng.

Ông Đào Minh Tú (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước): Bất động sản tăng không phải do tín dụng

Ngành ngân hàng luôn quan tâm và giám sát chặt chẽ dòng tiền vào bất động sản. Trong 3 năm gần đây, tín dụng cho vay lĩnh vực này giảm dần. Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, tín dụng bất động sản chỉ tăng trưởng 11,89%, trong khi 2018 và 2019 tăng 26 - 28%.

Ba tháng đầu năm nay, tín dụng bất động sản tăng 3%. So với cuối tháng năm 2020, tín dụng bất động sản có tăng cao hơn vì năm 2020 do tác động của dịch COVID-19. Nhưng so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 thì mức tăng của tín dụng bất động sản không cao hơn và thậm chí còn thấp hơn, như hết tháng 3 năm 2019 tăng 5,13%.

Điều đó cho thấy rằng tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt vào phân khúc đầu tư bất động sản của dự án cao cấp. Thực tế, nguyên nhân thị trường bất động sản tăng trong thời gian gần đây không phải xuất phát từ tín dụng.

Thời gian tới, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường quản lý việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng và các quy định, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro…

660.000 khách hàng được giảm lãi suất

NHNN cho biết tính đến cuối tháng 3, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ hơn 353.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỉ đồng.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỉ đồng cho trên 452.000 khách hàng.

‘Sốt’ đất, dòng tiền chứng khoán chuyển qua bất động sản ‘Sốt’ đất, dòng tiền chứng khoán chuyển qua bất động sản

Đầu năm 2021, bất động sản nhiều khu vực trong cả nước có dấu hiệu sôi động trở lại sau một năm trầm lắng do đại dịch Covid-19. Dòng vốn từ các nhà đầu tư chứng khoán có dấu hiệu chuyển sang bất động sản để sinh lợi bền vững.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp