Năm 2014, huyện Từ Liêm được chia tách để thành lập hai quận mới của Hà Nội là Bắc Từ Liêm. Trong ảnh: trụ sở HĐND, UBND quận Nam Từ Liêm - Ảnh: NAM TRẦN
Quá trình sáp nhập này sẽ giảm mạnh đầu mối hành chính, biên chế, giảm sự cồng kềnh của bộ máy hành chính cấp huyện, xã.
Sẽ khó vì đụng chạm lợi ích
Theo ông Phan Văn Hùng - vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ - trong 30 năm từ 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện từ 431 đã tăng lên 713 (tăng 282 huyện), số xã tăng từ 9.657 lên 11.162 (tăng 1.505 xã). Bình quân mỗi năm tăng 50 xã.
Điều này làm cho bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế, tăng quỹ lương và ngân sách xây dựng trụ sở, tăng chi thường xuyên.
Bộ Nội vụ đánh giá thực trạng trên đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, gây xáo trộn đến đời sống nhân dân...
Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021 là một chủ trương lớn. Bộ vẫn chưa thống kê được số biên chế phình ra trong quá trình tăng 282 huyện, quận và 1.505 xã, phường là bao nhiêu. Mục tiêp sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên hết không phải là tinh giản biên chế. Mà là thông qua việc sáp nhập các đơn vị hành chính góp phần vào thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, góp phần tinh giản biên chế
Ông TRẦN ANH TUẤN (thứ trưởng Bộ Nội vụ)
Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, nếu xét theo tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đủ tiêu chuẩn theo nghị quyết của Quốc hội rất lớn: 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian tới là một việc rất khó và phức tạp, nhất là khi đụng chạm đến lợi ích của địa phương, công ăn việc làm và lợi ích của con người cụ thể.
Có 259 huyện, 6.191 xã chưa đạt 50% chuẩn về diện tích tự nhiiên, quy mô dân số cần được sắp xếp theo hướng nhập lại, theo Bộ Nội vụ để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cũng có nơi muốn tiếp tục chia tách làm hai, như phường Vinh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với lý do dân số đông - Ảnh: LÂM HOÀI
Mục tiêu: tăng năng lực cung cấp dịch vụ công
TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội - cho biết sau năm 1986, có chủ trương thực hiện tách các huyện ra vì lý do trình độ quản lý của cán bộ hạn chế, hạ tầng kém phát triển.
Giờ Bộ Nội vụ chủ trương nhập lại nhằm giảm đầu mối, giảm biên chế bởi "đang phình ra quá lớn".
Hơn nữa, việc nhập lại trong bối cảnh hiện nay sẽ làm nguồn lực phát triển các huyện tăng lên, đặc biệt ở những vùng có điều kiện phát triển thuận lợi, khi diện tích đất đai rộng hơn.
Nhưng cần lưu ý ở các tỉnh miền núi, không gian địa lý rất rộng, việc quản lý không đơn giản nếu không nâng cấp hạ tầng cơ sở. Muốn sáp nhập đơn vị hành chính, "cần đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, đào tạo nâng cao khả năng quản lý chính quyền", ông Dũng nhận định.
Người dân đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ công chức tại UBND Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện Chính sách và phát triển truyền thông, việc nhập hay tách cần tính tới khả năng cung cấp dịch vụ công. Khả năng cung cấp dịch vụ công nhiều khi không hẳn gắn liền với cấp hành chính.
Trước không có máy tính nối mạng để quản lý, giờ Internet đã kết nối tất cả. Tóm lại là phải tính đến năng lực quản lý của cán bộ cấp huyện, xã hiện nay.
Đương nhiên, nhập lại sẽ giảm bớt đầu mối hành chính, phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay, nhưng đây vẫn là giải pháp trong ngắn hạn. Xa hơn, cần tính đến cách tổ chức chính quyền từng ngành, địa phương.
Chẳng hạn, ngành tòa án không thể phân cấp như hiện nay được khi mỗi cấp tỉnh, huyện đều có một tòa án.
Hoặc những đô thị như Hà Nội, TP.HCM có cần cán bộ tư pháp cấp phường để thực hiện khai sinh, khai tử, đăng ký các thể loại giấy tờ khác, hay chỉ cần một trung tâm dịch vụ công cho cả một quận, một huyện, hoặc liên quận, huyện? Có cần duy trì mỗi đơn vị phường, xã một trạm y tế?
Theo ông Đồng, dù tách hay nhập đơn vị hành chính thì điều quan trọng nhất là bộ máy phù hợp về chức năng chứ không phải quy mô hay các yếu tố khác. Tách nhập các đầu mối cơ học mà không tính đến chuyện thay đổi chức năng bộ máy sẽ rất khó phát huy hiệu quả; cần phải định hình lại chức năng quản lý nhà nước của cấp hành chính chứ không chỉ tách nhập cơ học.
Đồ họa - V.CƯỜNG
* Chuyên viên cao cấp DIỆP VĂN SƠN:
Cần bộ máy tinh, mạnh, hiệu quả
Con số thống kê đơn vị hành chính cấp huyện và xã chưa đủ chuẩn được Bộ Nội vụ công bố là rất lớn: 259/713 đơn vị cấp huyện (hơn 36%) và 6.191 xã (chiếm hơn 55%).
Đó là hậu quả trong nhiều năm mà cơ chế xin cho bị lợi dụng. Bởi có tách, lập mới thì mới có thêm ghế, bố trí thêm thân hữu, thêm quyền lợi...
Đương nhiên, để đáp ứng hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong tình hình mới thì về bộ máy nói riêng phải tinh gọn nhưng đủ mạnh. Tinh gọn bộ máy phải từ cả cấp bộ ngành và cả các đơn vị hành chính lãnh thổ.
Bên cạnh đó việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương là xu thế tất yếu. Phân cấp, phân quyền phải rõ ràng nhưng không "bán cái" cho địa phương mà phải giám sát, quản lý. Cùng với đó, việc áp dụng công nghệ sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước.
Đồng thời công tác nâng chất cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới cũng phải được đẩy mạnh.
Như vậy, việc nhập các huyện, xã chưa đủ chuẩn trên cả nước trong thời gian tới là việc làm cần thiết. Tuy nhiên phải có tính toán, phải có cơ sở, thực hiện thống nhất. Tuyệt nhiên không thể chỉ là việc làm nhằm giải quyết hậu quả trước đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận