30/10/2012 07:18 GMT+7

Sẽ rõ "địa chỉ" trách nhiệm

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - "Tất cả những cái đã đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, không phù hợp thì phải thoái vốn. Nhưng thoái vốn thì phải có trật tự, có kế hoạch, lộ trình, bài bản để tránh tổn thất".

yD1zs0b8.jpgPhóng to
Ông Phạm Viết Muôn - Ảnh: QUANG THẾ

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ việc trung ương vừa cho chủ trương “kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước”, ông Phạm Viết Muôn (phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp) cho biết:

Thoái vốn thì phải có trật tự, có kế hoạch, lộ trình, bài bản để tránh tổn thất. Nói nôm na như khi đi chiến đấu, rút lui không phải là quay đầu chạy mà rút lui phải có trật tự...

- Việc thí điểm hình thành tập đoàn kinh tế (TĐKT) nhà nước được nêu trong nghị quyết trung ương 3, khóa IX. Chính phủ đã dành ra năm năm từ 2001-2005 để chuẩn bị, đến năm 2006-2007 bắt đầu thành lập bảy TĐKT trên cơ sở bảy tổng công ty (TCT) 91. Đến năm 2009 sơ kết mô hình báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có kết luận đánh giá mặt được, chưa được, những tồn tại yếu kém. Bộ Chính trị cho phép hình thành thêm 3-4 TĐKT và yêu cầu tổng kết. Sau đó Thủ tướng cho phép thành lập thêm bốn TĐKT, nâng tổng số lên 11 TĐKT bao gồm dầu khí, điện lực, than khoáng sản, VNPT, Viettel, cao su, hóa chất, Vinashin, dệt may và hai tập đoàn xây dựng.

Ngày 9-12-2011, Chính phủ tổng kết thí điểm TĐKT, qua đó cho thấy những tập đoàn hình thành từ một TCT 91 lên thì hoạt động tốt, còn việc thí điểm hình thành hai tập đoàn xây dựng dựa trên cơ sở lắp ghép cơ học các TCT 90 không đạt mục tiêu đề ra khi thành lập là chi phối lĩnh vực công nghiệp xây dựng và bất động sản. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp xây dựng VN và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị VN.

* Vậy với chủ trương nêu trên thì tới đây có thành lập mới TĐKT nữa không, những TĐKT hiện có thì sao?

- Tinh thần của trung ương là kết thúc giai đoạn thí điểm, cái nào đáp ứng được yêu cầu, có khả năng phát triển thì tiếp tục duy trì; cái nào không đáp ứng được yêu cầu thì tổ chức lại thành TCT. Còn đối với các TĐKT hiện có (ngoại trừ Vinashin) thì tiếp tục hoạt động bình thường. Riêng Tập đoàn Dệt may sẽ cổ phần hóa, thật ra hiện tập đoàn này đã cổ phần hóa gần hết các đơn vị thành viên, chỉ còn công ty mẹ và một hai doanh nghiệp là chưa cổ phần hóa.

* Chính phủ sẽ ban hành nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Tới đây việc quản lý đối với các TĐKT có gì khác so với trước, thưa ông?

- Theo thiết kế của dự thảo nghị định mới, không có phân biệt TCT 91 hay TCT 90 như trước đây, chỉ có hoặc là TĐKT hoặc là TCT. Đối với TĐKT thì Thủ tướng quyết định thành lập, phê duyệt chiến lược, còn về công tác cán bộ thì Thủ tướng Chính phủ chỉ có bổ nhiệm chủ tịch HĐTV của TĐKT, còn thành viên HĐTV và tổng giám đốc do bộ trưởng quản lý ngành (lĩnh vực mà TĐKT hoạt động) bổ nhiệm. Như vậy các TĐKT, TCT hoạt động theo quy định pháp luật, Thủ tướng Chính phủ không nắm trực tiếp tập đoàn và không có doanh nghiệp trực thuộc Thủ tướng.

Việc phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước cũng cụ thể hơn, có địa chỉ đối với từng việc. Khi phân cấp cho nhiều ông thì ai phải làm việc gì rõ việc đó, chịu trách nhiệm việc đó, không có lẫn lộn rồi người này đổ cho người khác.

* Nghĩa là tới đây khi xảy ra sai sót, khuyết điểm ở TĐKT nào thì trách nhiệm được quy rõ hơn?

- Đúng vậy. Trách nhiệm trước hết là ở HĐTV vì đây là chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp, tiếp đó là bộ quản lý ngành cấp trên trực tiếp của chủ sở hữu tại doanh nghiệp.

* Việc chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải ngoài ngành và hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các TĐKT cũng như doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước vào năm 2015 sẽ được thực hiện ra sao?

- Đối với các TĐKT, khi phê duyệt đề án tái cơ cấu bao giờ cũng có mục quan trọng là ngành nghề kinh doanh chính, có cái thu hẹp, có cái đã thu hẹp rồi thì thôi. Ví dụ như với dầu khí thì Thủ tướng Chính phủ đã kết luận chỉ tập trung vào năm lĩnh vực thôi, hay là cao su cũng thu hẹp lại vào trồng chế biến cao su, giống cây trồng..., đối với hóa chất thì làm hóa chất cơ bản, phân hóa học, khai thác khoáng sản phục vụ phân hóa học...

* Lĩnh vực và lộ trình thoái vốn như thế nào?

- Tất cả những cái đã đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, không phù hợp thì phải thoái vốn. Nhưng thoái vốn thì phải có trật tự, có kế hoạch, lộ trình, bài bản để tránh tổn thất. Nói nôm na như khi đi chiến đấu, rút lui không phải là quay đầu chạy mà rút lui phải có trật tự... Cho nên ở đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải có phương án đối với từng trường hợp cụ thể sao cho hiệu quả, tránh thất thoát.

Ông Trần Quang Nghị (tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN): “Chúng tôi sẽ lấy may để kéo dệt”

Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) sẽ chỉ tập trung phát triển các ngành nghề là thế mạnh và cốt lõi như: sản xuất kinh doanh bông xơ, sợi, vải dệt thoi, vải dệt kim, may, thời trang... Tổng giám đốc Vinatex Trần Quang Nghị bắt đầu câu chuyện khi nói về lộ trình cổ phần hóa (CPH) của tập đoàn này. Ông Nghị nói:

- Đầu tư ngoài ngành của Vinatex thật sự không nhiều. Vinatex chỉ có bảy dự án đầu tư ngoài ngành, với tổng số vốn 259 tỉ đồng, nhưng đã thoái vốn được 97 tỉ đồng. Đến năm 2014 lộ trình thoái vốn sẽ hoàn thành. Sở dĩ Vinatex không bị lún sâu vào việc đầu tư ngoài ngành, không thể “tung tăng” được như những lĩnh vực khác, ngoài chủ trương ngay từ đầu là không sở trường thì không làm, một lý do cũng khá quan trọng là nguồn lực của Vinatex rất hạn hẹp nên phải chắt chiu cho những hạng mục đầu tư cốt lõi.

* Vai trò của Vinatex đã và đang chi phối như thế nào tại những doanh nghiệp (DN) đã CPH, thưa ông?

- Chúng tôi đã CPH xong 33 DN, hiện còn lại 11 DN thuộc khối đơn vị hành chính sự nghiệp và các công ty con do Vinatex nắm giữ 100% vốn điều lệ, dự kiến vào tháng 6-2013 lộ trình CPH sẽ hoàn tất. Quá trình CPH được tập trung vào các tổng công ty con, công ty con trước như Phong Phú, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Hòa Thọ... Còn lại một số DN trọng yếu mà Vinatex giữ 100% vốn điều lệ nhưng đang gặp khó khăn, cần được vực dậy sau đó mới CPH...

Ở những DN đã CPH xong, vốn để lại ở các DN này, quan điểm của tôi là phải linh hoạt. Những đơn vị nào mà Vinatex nắm được công nghệ, nắm được thị trường, cán bộ... dù dưới tỉ lệ 51%, Vinatex vẫn có thể định hướng được, chứ không nhất thiết chỉ ở những DN Vinatex có phần vốn góp chi phối. Hiện có một nghịch lý là vốn Nhà nước giao cho DN trước CPH thì cho một chỉ số lợi nhuận rất thấp. Nếu xét về việc xem đại diện vốn Nhà nước với đại diện vốn cổ đông như nhau thì rõ ràng cũng cần phải có trách nhiệm như nhau. Từ thực tiễn điều hành một tập đoàn, tôi nhận thấy nguyên nhân của mọi thành bại vẫn là con người.

* Khi hoàn tất tiến trình CPH và chuyển sang hình thức đa sở hữu, giá trị cốt lõi của Vinatex còn lại là gì?

- Nếu xét về tiêu chí vốn, Vinatex rất nhỏ so với các tập đoàn khác, chưa tới 4.000 tỉ đồng. Nhưng nguồn vốn này không đơn thuần là tiền mà còn là nhân lực, con người, trách nhiệm xã hội giải quyết hàng trăm ngàn lao động mỗi năm, tạo tiền đề phát triển cho nhiều địa phương thông qua sự trú đóng của các thành viên của tập đoàn. Ở khía cạnh này, Vinatex vẫn xứng đáng là một tập đoàn kinh tế mũi nhọn của đất nước, cho dù việc có nhiều ý kiến xem xét, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua là hết sức cần thiết. Sau CPH, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, cổ đông, của người lao động là giá trị cốt lõi mà Vinatex muốn hướng tới.

* Mục tiêu của việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và tái cấu trúc DN chính là tạo nền tảng cho các ngành phát triển theo hướng chuyên môn hóa. Vậy Vinatex sẽ tập trung đầu tư chính vào lĩnh vực nào?

- Vinatex chỉ tập trung phát triển các ngành nghề là thế mạnh và cốt lõi của tập đoàn như sản xuất kinh doanh bông xơ, sợi, vải dệt thoi, vải dệt kim, may, thời trang, kinh doanh thương mại sản phẩm dệt may và nguyên liệu dệt may...Vào năm sau, Vinatex sẽ đầu tư 600 chuyền may với mục tiêu “lấy may để kéo dệt” cho phù hợp với tình hình hiện nay. Khi phát triển tối đa và toàn diện lực lượng sản xuất ngành may, DN chuyển đổi mô hình sản xuất sang phương thức FOB sẽ sử dụng tối ưu nguồn vải sản xuất trong nước.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp