Chia sẻ tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024 với chủ đề "Thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt an toàn, bảo mật" tổ chức vào chiều 28-5, ông Lê Anh Dũng, phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng (NH) Nhà nước, cho biết việc bản thân hằng ngày vẫn nhận được những email lừa đảo, dụ dỗ nhập thông tin cá nhân.
Người dùng phải luôn đề cao cảnh giác
Ông Lê Anh Dũng thừa nhận từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng lừa đảo hoành hành, kẻ lừa đảo đánh vào sự yếu nhất trong chuỗi giá trị thanh toán là người dùng.
"Trong môi trường số luôn có nguy cơ kẻ gian rình rập, người dùng phải luôn cẩn trọng, chậm lại một nhịp, đặc biệt lưu ý trước những cái lạ: link lạ, cuộc gọi lạ, lời nói hành động thúc giục... Dĩ bất biến ứng vạn biến, từ đó phòng chống lừa đảo tốt hơn", ông Dũng nói.
Trước câu hỏi liên quan việc tồn tại các tài khoản không chính chủ, giả mạo NH, cơ quan tổ chức lớn để lừa đảo người dân, ông Dũng cho biết thời gian qua NH Nhà nước đã truyền thông, cảnh báo rủi ro để khách hàng nâng cao nhận thức.
"Chúng tôi tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Đây là tuyến bảo vệ đầu tiên. Bên cạnh đó là tăng cường bảo mật hệ thống, đem lại các dịch vụ an toàn, bảo mật cho người dùng. Các bộ, ban ngành đã vào cuộc với nhiều giải pháp mạnh giúp bảo vệ khách hàng, củng cố lòng tin vào phương thức thanh toán điện tử", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Hoàng Long, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), chỉ ra "chiêu" lừa đảo phổ biến hiện nay là kẻ gian thường đánh vào tâm lý, lòng tham hay nỗi sợ hãi để người dân thực hiện các giao dịch thanh toán thật và chuyển cho kẻ gian.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, bước đầu tiên phối hợp truyền thông, tuyên truyền để nêu cao sự cảnh giác. "Người dùng đôi lúc phải quyết định chậm một tí trước khi thực hiện thao tác chuyển tiền, tránh rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo", ông Hoàng Long lưu ý.
Trong khi các NH đều đưa ra những hệ thống nhận biết được hành vi lừa đảo cho khách hàng, Napas cũng đang soạn thảo bộ quy trình phối hợp dựa trên nền tảng pháp lý hiện nay, để khi nhận diện được lừa đảo thì thông báo cho NH nhận tiền.
"Những yếu tố kỹ thuật mà trước mắt có thể triển khai làm chậm lại quá trình chuyển tiền, hạn chế được các trường hợp lừa đảo như NH có thể khóa tài khoản khi được thông báo dấu hiệu lừa đảo, hay yêu cầu khách hàng ra quầy mới giao dịch rút tiền thành công", ông Long nói.
Tập trung "quét" sạch những tài khoản không chính chủ
Cùng với những giải pháp trên, từ ngày 1-7, theo quyết định 2345 của NH Nhà nước, khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trị giá trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt để tránh việc tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản khách hàng.
Ngoài ra, theo ông Dũng, ngành NH cũng triển khai đề án 06, phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an để làm sạch dữ liệu khách hàng, có thể làm sạch hết những tài khoản NH không chính chủ trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi vì sao đưa ra ngưỡng 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt, ông Dũng cho biết NH Nhà nước đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra mức này. Theo thống kê có đến 70% giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng. Do vậy, NH Nhà nước đưa ra mức này với mục tiêu cân đối xác thực giao dịch mạnh nhưng cũng phải đảm bảo trải nghiệm của người dùng.
"Ngưỡng 20 triệu đồng/ngày là để tránh trường hợp tội phạm lợi dụng kẽ hở để thực hiện nhiều giao dịch dưới ngưỡng 10 triệu đồng/lần mà không cần phải xác thực sinh trắc học, chẳng hạn chuyển 9,9 triệu đồng/lần.
Giới hạn này để phòng chống lừa đảo, tránh kẻ gian lợi dụng, mục đích hướng tới là nhằm bảo vệ chứ không gây khó cho người dùng" - ông Dũng nói và cho biết các NH chỉ phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc của chính chủ tài khoản chứ không được tùy tiện vì rủi ro lớn và phải bảo vệ các bên.
Trong khi đó, các NH cho biết đang chạy nước rút để kịp về đích trước giờ G là 1-7. Ông Từ Tiến Phát, tổng giám đốc NH Á Châu (ACB), cho rằng để thực hiện các nội dung của nghị định 2345, các NH phải đầu tư rất lớn nhưng không thể thu lại được đồng phí nào từ khách hàng vì hầu hết các NH ở Việt Nam gần như đều miễn phí phần lớn các dịch vụ. Tuy nhiên, việc đầu tư này đáng "đồng tiền bát gạo" bởi nó mang lại sự an toàn cho khách hàng.
Và khi thấy được sự an toàn đó, khách hàng sẽ tìm đến sử dụng các dịch vụ của NH. Riêng với ACB, dự kiến trong tháng 6 tới sẽ thông báo cho khách hàng đăng ký xác thực thông tin.
"Nhiều người lo lắng khi thực hiện nghị định này phải xác thực gương mặt, lo mất thông tin, phiền phức, nhưng chúng tôi đảm bảo nó sẽ thực hiện rất mượt. Người dùng chỉ mất lần đầu xác thực với CCCD và khuôn mặt là sau đó có thể thực hiện các giao dịch rất dễ dàng", ông Phát khẳng định.
Phải bảo vệ tài sản của khách hàng
Trao đổi tại buổi họp báo, nhà báo Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban tổ chức sự kiện Ngày không tiền mặt - cho biết cùng với sự phát triển nhanh của hoạt động thanh toán và công nghệ thanh toán, cũng dẫn đến phát sinh những vấn đề bảo mật, an ninh an toàn.
Chẳng hạn thời gian qua, rất nhiều bài báo, video clip, câu chuyện podcast chia sẻ những câu chuyện về chiếm quyền tài khoản, hack tài khoản cá nhân, chiếm đoạt tiền của người dân... Những câu chuyện này đã phần nào đó khiến người dân hoang mang, lo lắng. "Đó là lý do chúng tôi tổ chức chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm nay với chủ đề "Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật"".
Trong khi đó, theo bà Lê Thúy Sen - vụ trưởng Vụ Truyền thông NH Nhà nước, định hướng hoạt động truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới của NH Nhà nước là nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi thói quen, hành vi và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - NH tại Việt Nam của cộng đồng.
Điều này nhằm góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - NH; hướng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội...
"Thời gian tới chúng tôi tiếp tục đổi mới, sáng tạo cách thức truyền thông, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, trên fanpage Giáo dục tài chính, đặc biệt xây dựng website về giáo dục tài chính với những kiến thức từ đơn giản đến chuyên sâu về tài chính NH, trong đó có các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại", bà Sen cho biết.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ:
* Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và mobile bình quân giai đoạn 2021 - 2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%.
* Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR code đạt hơn 170%.
* Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán.
* Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động...
Chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024
* Ngày khuyến mãi toàn quốc từ 10 đến 16-6.
* Tháng khuyến mãi tập trung - mùa mua sắm "Shopping Season" từ 15-6 đến 15-7.
* Livestream bán hàng giảm giá từ 16-5 đến 16-6.
* Hội thảo "Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật" ngày 14-6.
* Lễ hội không tiền mặt từ 18h ngày 14-6 đến 21h ngày 16-6.
* Workshop Tư vấn kỹ năng tài chính an toàn ngày 15-6.
* Minigame hiến kế giao dịch an toàn từ 1-6 đến 1-7.
* Tập huấn thanh toán không tiền mặt an toàn tháng 6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận