Thiệt hại sẽ không nhỏ nếu thiếu điện, phải cắt điện luân phiên. Trong ảnh: tại phòng điều khiển một nhà máy điện phía Nam - Ảnh: TRUNG HÀ
Theo một số chuyên gia, câu chuyện không chỉ đơn giản là "một số đồng chí sẽ mất chức" mà còn cả ở phân khúc trách nhiệm, quyết liệt lựa chọn và thúc đẩy để chống thiếu điện.
Biết trước nguy cơ...
Câu chuyện thiếu điện làm nóng nghị trường Quốc hội những ngày qua nhưng theo chính tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ít nhất từ nay tới năm 2020 chưa thể thiếu điện nếu nhu cầu sử dụng điện không tăng cao hơn dự báo và không xảy ra tình huống cực đoan như lưu lượng nước về hồ thủy điện sụt giảm mạnh, thiếu than cho sản xuất điện...
Bộ Công thương cho hay tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 khoảng 21.650 MW, trong đó EVN đầu tư 7.185 MW, còn lại do doanh nghiệp khác đầu tư.
Nhưng trong số 62 dự án điện công suất cao đang được đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, chỉ có 15 dự án đúng tiến độ, 47 dự án còn lại chậm, vỡ tiến độ. Tức là khả năng thiếu đã biết, đã tính phương án đảm bảo đủ, đã có nhiều cảnh báo được đưa ra, nhưng cứ chậm vì những lý do không hẳn đều là mới, cũng chưa thấy ai nhận là mình thiếu trách nhiệm, đùn đẩy nên nhiều dự án điện bao nhiêu năm cứ mãi giậm chân tại chỗ.
Công nhân xử lý sự cố trên lưới điện - Ảnh: TTO
Lựa chọn nào?
Nhu cầu điện cả nước năm 2019 khoảng 212 tỉ kWh, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2019, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cả nước đạt khoảng 160,8 tỉ kWh, trong đó các nguồn điện tái tạo mới đóng góp được 2,25 tỉ kWh.
Báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện vừa được Bộ Công thương gửi tới Thủ tướng thì thực tế có hai kịch bản rất khác nhau.
26,5 tỉ kWh
Đó là lượng điện cần bổ sung bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025 để không thiếu điện. (Nguồn: EVN)
Thứ nhất, Việt Nam sẽ thiếu hàng tỉ kWh điện trong giai đoạn 2021-2025 như đã được nói nhiều ngày nay. Nhưng đó là ở trường hợp chỉ tập trung phát triển nhiệt điện, thủy điện. Với phương án này, mức thiếu hụt điện năm 2021 theo EVN khoảng 6,3 tỉ kWh, năm 2022 khoảng 8,9 tỉ kWh, năm 2023 khoảng 6,8 tỉ kWh, năm 2024 khoảng 1,2 tỉ kWh, đến tận năm 2025 sẽ cân đối được điện.
Nhưng theo phương án 2 của EVN, cần đẩy mạnh phát triển các dự án điện tái tạo để nâng công suất điện gió toàn quốc đến năm 2023 đạt khoảng 6.000 MW và nâng công suất điện mặt trời đến năm 2023 đạt 16.000 MW. Kịch bản thứ hai sẽ không thiếu điện. Như vậy việc thiếu điện hay đủ điện sẽ phụ thuộc vào lựa chọn, quyết tâm của Chính phủ, cụ thể hơn là Bộ Công thương.
Nhưng điện gió và điện mặt trời nhiều lên, áp lực tăng giá điện sẽ nhiều hơn. Câu chuyện phát triển hài hòa, đảm bảo khả năng đủ điện là bài toán khó, không chỉ cần quyết tâm, phân tích trên nghị trường, mà cần phân rõ trách nhiệm, kể cả ở cấp cao để thúc đẩy giải quyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận