Nguồn cung thịt heo cho TP.HCM hiện chủ yếu đến từ Đồng Nai - Ảnh: N.TRÍ
Đó là khẳng định của bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, tại hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 - 2025 và đề án quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc, diễn ra ngày 22-4 tại Đồng Nai.
Theo bà Lan, thực phẩm không đảm bảo chất lượng đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Để có thực phẩm sạch, bài trừ thực phẩm bẩn, TP.HCM đang chủ động phối hợp với tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành siết chặt quản lý chất lượng từ nông trại đến bàn ăn.
"Việc quản lý, kết nối an toàn thực phẩm là một trong những giải pháp góp phần hình thành chuỗi sản xuất theo hướng cung cầu mang lại hiệu quả cao hơn cho người sản xuất, nhà phân phối và an toàn cho người tiêu dùng", bà Lan nhận định.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - cho biết địa phương có thế mạnh phát triển nông nghiệp ở cả lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Tỉnh đang cung ứng khối lượng rất lớn các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng, cá tôm, rau củ quả cho người tiêu dùng tại TP.HCM.
Theo ông Thắng, để đảm bảo chất lượng thực phẩm, tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với TP.HCM và các tỉnh thành tăng mức độ áp dụng truy xuất nguồn gốc, xác nhận sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, các sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, GAP và tương đương tiêu thụ ở TP.HCM chưa có sự khác biệt về giá cả.
"Thực phẩm từ Đồng Nai đang chủ yếu bán qua thương lái đưa vào TP.HCM tiêu thụ ở các chợ đầu mối, quá trình thu gom sản phẩm gặp nhiều khó khăn khi truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa kết nối dữ liệu liên thông nên việc tiêu thụ gặp khó khăn", ông Thắng giải thích.
Vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ Đồng Nai vào TP.HCM được trao đổi nhiều tại hội nghị - Ảnh: N.TRÍ
Trước tình hình trên, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết việc phối hợp chống thực phẩm bẩn, xây dựng nguồn thực phẩm sạch hiện nay còn nhiều thử thách. Trên thực tế chăn nuôi còn nhỏ lẻ, mua bán diễn ra ở nhiều điểm chợ tự phát gây khó khăn cho quản lý. Bên cạnh những sản phẩm đã đảm bảo chất lượng theo quy định thì vẫn còn những sản phẩm chưa qua kiểm soát len lỏi xâm nhập thị trường TP.HCM.
"Thời gian tới, TP.HCM sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành khác siết chặt công tác truy xuất nguồn gốc với tham vọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý an toàn thực phẩm. Những khó khăn các địa phương gặp phải trong vấn đề truy xuất sẽ sớm được TP.HCM hỗ trợ giải quyết", bà Lan khẳng định.
Hàng trăm triệu con heo, gà được truy xuất nguồn gốc
Theo Hội Công nghệ cao TP.HCM, đã có 14 tỉnh thành tham gia đề án truy xuất nguồn gốc từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, đưa ra thị trường, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Từ năm 2016 đến 2022, đề án truy xuất nguồn gốc đã có gần 8.000 đối tác doanh nghiệp, nông hộ, nhà nước cùng tham gia quản lý chuỗi cung ứng. Chương trình đã truy xuất gần 11,7 triệu quả trứng gia cầm từ 8 tỉnh, hơn 111 triệu con gia cầm từ 9 tỉnh, và hơn 14,8 triệu con heo từ 18 tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận