Dù có công lớn trong việc tổ chức thành công SEA Games 31 nhưng trong tương lai Tổng cục TDTT có thể sẽ chỉ còn là Cục TDTT - Ảnh: NAM TRẦN
Bộ VH-TT&DL đang xây dựng dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ. Theo đó, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) và Tổng cục Du lịch nhiều khả năng sẽ chuyển xuống thành cục.
Giảm cấp trung gian
Ngày 2-7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL liên quan đến việc hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo nghị định chức năng, quyền hạn của bộ này.
Công văn của Bộ Nội vụ cho biết: "Ngày 28-6-2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ - đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng nghị định quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo và ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ VH-TT&DL tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục Du lịch, Tổng cục TDTT theo hướng giảm cấp trung gian (không duy trì mô hình tổng cục). Hồ sơ dự thảo của Bộ VH-TT&DL gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 10-7-2022 để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo cho ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định".
Ngày 5-7, ông Hoàng Đạo Cương - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - đã có văn bản gửi Tổng cục Du lịch và Tổng cục TDTT yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án và hoàn thiện hồ sơ tổ chức lại đơn vị mình theo công văn của Bộ Nội vụ.
Những ngày qua, Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL đã có nhiều cuộc họp, lấy ý kiến về việc thay đổi mô hình quản lý của Tổng cục TDTT.
Cán bộ, lãnh đạo Tổng cục TDTT vô cùng tâm tư khi Tổng cục TDTT có thể sẽ không còn được duy trì mà thay vào đó chỉ còn Cục Thể dục thể thao. Nhiều vấn đề khó khăn, phát sinh trong quá trình hạ cấp cơ quan quản lý cũng sẽ xuất hiện nếu việc này xảy ra.
Lịch sử thăng trầm của Tổng cục TDTT
Trong cuốn "Sơ thảo lịch sử TDTT Việt Nam" do Bộ VH-TT&DL chỉ đạo biên soạn và xuất bản, ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời ký sắc lệnh số 14 thiết lập tại Bộ Thanh niên một nha thể dục trung ương. Sắc lệnh số 14 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập cơ quan quản lý nhà nước về TDTT, khai sinh nền TDTT của chế độ mới.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Tổng cục TDTT từ cơ quan quản lý nhà nước trên miền Bắc trở thành cơ quan lãnh đạo TDTT trên toàn quốc.
Từ tháng 3-1990 đến tháng 10-1992, Cục TDTT lại đưa về là một trong các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch. Tổng cục TDTT được thành lập lại trong giai đoạn từ tháng 10-1992 đến tháng 9-1997.
Trong giai đoạn từ tháng 9-1997 đến tháng 8-2007, Tổng cục TDTT đã chuyển thành Ủy ban TDTT (cơ quan ngang bộ). Từ tháng 8-2007, Ủy ban TDTT được sáp nhập vào bộ và sau đó thành Tổng cục TDTT trực thuộc Bộ VH-TT&DL từ tháng 3-2008 đến nay.
Sẽ có Cục TDTT thành tích cao và Cục thể thao cho mọi người?
Điểm qua lịch sử của ngành thể thao từ năm 1945 đến nay để thấy việc thay đổi mô hình quản lý thể thao ở cơ quan trung ương diễn ra thường xuyên và liên tục.
Dù vậy, trong bối cảnh thể thao ngày càng phát triển, nhu cầu chơi thể thao của quần chúng nhân dân ngày càng tăng nhằm tăng cường thể chất, tầm vóc người Việt.
Mặt khác, khi thể thao thành tích cao ngày càng hướng đến những mục tiêu cao hơn ở đấu trường châu lục và thế giới (Asiad, Olympic), việc Tổng cục TDTT có thể được đưa xuống thành Cục TDTT khiến nhiều người băn khoăn.
Trong các văn bản kiến nghị gửi Bộ VH-TT&DL từ năm 2019 đến nay, Tổng cục TDTT từng nhiều lần khẳng định việc duy trì mô hình Tổng cục TDTT như hiện nay là rất phù hợp với sự phát triển của thể thao Việt Nam, hội nhập quốc tế.
Trong một văn bản báo cáo bộ, lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết: "Việc tiếp tục duy trì mô hình Tổng cục TDTT sẽ giúp bộ thực hiện quản lý nhà nước và điều phối, tổ chức hoạt động TDTT trên toàn quốc hết sức phù hợp trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho quá trình hội nhập quốc tế của TDTT.
Nếu vị trí pháp lý của Tổng cục TDTT ở cấp độ thấp hơn sẽ không phát huy được thế mạnh này, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động TDTT ngày càng đa dạng, đòi hỏi cần tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới phương thức hoạt động...".
Theo dự thảo đề án tổ chức lại Tổng cục TDTT trình Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT xây dựng 2 phương án, trong đó có mô hình Tổng cục TDTT sẽ biến thành Cục TDTT.
Phương án còn lại, Tổng cục TDTT sẽ chuyển thành hai cục là: Cục quản lý thể thao thành tích cao, Cục quản lý TDTT cho mọi người.
Tổng cục TDTT hiện có gì?
Tổng cục TDTT hiện có 7 đơn vị hành chính và 11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trong đó có 613 biên chế công chức, viên chức.
Tổng cục TDTT có trụ sở tại 36 Trần Phú, Hà Nội trên diện tích đất 5.265m2, với 7 khối nhà. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục TDTT có trụ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ đang quản lý và sử dụng 1,7 triệu m2 đất phục vụ sự nghiệp TDTT.
Năm 2022, dự toán kinh phí ngân sách chi cho Tổng cục TDTT là 893 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận