25/07/2020 09:41 GMT+7

Sẽ khởi động Quỹ Trần Văn Khê

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Sáng 24-7 tại TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang và Ban thân hữu Trần Văn Khê đã tổ chức chương trình kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố GS.TS Trần Văn Khê (24-7-1921 - 24-7-2020) trong không khí trang trọng và ấm áp.

Sẽ khởi động Quỹ Trần Văn Khê - Ảnh 1.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng, NSƯT Thành Lộc, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, TS Nguyễn Nhã, NSND Kim Cương, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tại tọa đàm “Những bài học văn hóa từ GS Trần Văn Khê” - Ảnh: T.T.D.

Buổi kỷ niệm đã thu hút khá đông giảng viên, sinh viên, những người yêu mến GS.TS Trần Văn Khê: NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Kim Tiểu Long, nhạc sĩ Huỳnh Khải, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà báo Nguyễn Thế Thanh...

“Chúng tôi không thể trả lời chính xác bao giờ có được không gian Trần Văn Khê mà chúng ta mong muốn gọi tên giản dị là nhà Trần Văn Khê. May mắn có Trường ĐH Văn Lang mong cùng chúng tôi tổ chức không gian Trần Văn Khê tại trường.

Nhà báo THẾ THANH

Trần Văn Khê - một đời giữ hồn dân tộc

Chia sẻ tại tọa đàm mang chủ đề "Những bài học văn hóa từ giáo sư Trần Văn Khê", nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gọi Trần Văn Khê là di sản văn hóa của dân tộc VN, còn tiến sĩ Nguyễn Nhã nhấn mạnh ông là người có tâm giữ hồn dân tộc qua âm nhạc, văn hóa.

Giáo sư là người miền Nam nhưng ông không chỉ quan tâm tới đờn ca tài tử, cải lương mà còn nghiên cứu về ca trù, cồng chiêng, nhã nhạc...

"Giáo sư vẫn cho ca trù là số 1 và ông đã góp công rất lớn để các loại hình nghệ thuật truyền thống VN được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể" - ông Nguyễn Nhã nói.

Nghệ sĩ Kim Cương mỗi lần tổ chức chương trình Nghệ sĩ tri âm trao quà tết cho nghệ sĩ già yếu, neo đơn luôn trân trọng dành một chỗ ngồi đầu cho Trần Văn Khê bởi bà cho rằng ông Trần Văn Khê không bao giờ mất đi, mà luôn sống mãi.

Với bà, Trần Văn Khê là "người thầy không lớp học". Từ những ngày bà sang Pháp du học những năm 1960, ông là người đưa bà đến các rạp hát, phim trường để không chỉ học về diễn xuất mà còn học cả cách tổ chức.

Bà luôn nhớ lời ông dạy: "Em đi ra ngoài em học cái hay, cái văn minh của người ta nhưng không bao giờ được quên tính dân tộc, tính quê hương bởi vì em là người VN".

Ký ức về Trần Văn Khê trong lòng nghệ sĩ Thành Lộc là hình ảnh ông luôn chắp tay chào khi đến Hội Nghệ sĩ ở đường Cô Bắc gặp ba anh - NSND Thành Tôn và các nghệ sĩ hát bội tài danh như Năm Đồ, cô Ba Út... Thành Lộc hỏi ba anh phải gọi ông là gì, nghệ sĩ Thành Tôn nói: "Ổng nhỏ tuổi hơn tao nhưng mày kêu bằng bác đi!".

Thành Lộc rất ngạc nhiên vì với người miền Nam, nhỏ tuổi hơn ba phải gọi bằng chú. Ba Thành Tôn mới lý giải rằng: "Ổng nhỏ tuổi hơn nhưng giỏi hơn tao, làm nhiều chuyện mà quốc tế biết, còn tao chỉ trong nước mình thôi!".

Từ câu chuyện đó, Thành Lộc hiểu rằng người xưa họ khiêm tốn và trọng tài, trọng kiến thức biết bao nhiêu.

Mong một không gian mang tên Trần Văn Khê

Trong buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Thế Thanh - nguyên phó giám đốc Sở VH-TT - đã chia sẻ về Quỹ Trần Văn Khê và không gian Trần Văn Khê.

Bà cho biết khoảng năm 2003 đã có may mắn được Sở VH-TT TP.HCM phân công trao đổi với giáo sư Trần Văn Khê khi TP.HCM có ý định mời ông về nước sinh sống và làm việc những năm cuối đời.

Bà Thanh kể ông không có tham vọng tài sản, không có nguyện vọng về căn nhà cho riêng mình, mà chỉ mong muốn những sách vở, sổ ghi chép, nhạc cụ... ông tích lũy bên Pháp được đưa về VN để các thế hệ quan tâm đến văn hóa, âm nhạc dân tộc có thể tìm hiểu.

Chỗ ông nghỉ ngơi chỉ cần một cái giường, nhưng mong có chỗ để trưng bày sách, sinh hoạt âm nhạc, nghệ thuật. Và ông khẳng định chỗ đó vẫn thuộc Nhà nước chứ không thuộc cá nhân, gia đình ông.

"Giáo sư Trần Văn Khê có nguyện vọng sau khi bác mất thì toàn bộ những gì bác đem từ Pháp về sẽ thuộc về công cộng, nơi bác ở sẽ trở thành nơi không chỉ thuần túy lưu niệm một con người, mà còn là nơi để tất cả những người yêu mến văn hóa dân tộc có thể lui tới trình diễn, học hỏi, trao đổi".

Trân trọng ý kiến của ông, bà Thế Thanh cho biết sở đã lập biên bản ghi nhớ với một bên là chữ ký của Trần Văn Khê, một bên là phía sở do bà được ủy nhiệm.

Từ thỏa thuận này, giáo sư Trần Văn Khê đã về ở căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai được gần 10 năm tới khi ông mất vào năm 2015.

Sinh thời, ông và các môn sinh, đồng nghiệp đã tổ chức gần 100 buổi sinh hoạt âm nhạc, nghệ thuật dân tộc, tiếp gần 100 nhân vật từ trong nước đến thế giới đến sinh hoạt. Ông còn mong muốn sẽ có quỹ học bổng mang tên Trần Văn Khê dành cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân tộc xuất sắc hằng năm.

"Mong đợi căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai là không gian Trần Văn Khê nhưng hiện tại có những thay đổi, căn nhà đã được TP bố trí làm công việc khác, sách vở của bác được đưa về các thư viện TP để lưu giữ, hiện vật của bác một phần gia đình giữ, một phần nằm trong kho lưu trữ của Bảo tàng TP.HCM.

Chúng tôi không thể trả lời chính xác bao giờ có được không gian Trần Văn Khê mà chúng ta mong muốn gọi tên giản dị là nhà Trần Văn Khê. Chúng tôi vẫn chờ căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai nhưng cuối cùng không thể chờ đợi được nữa.

May mắn có Trường ĐH Văn Lang mong cùng chúng tôi tổ chức không gian Trần Văn Khê tại trường, đồng thời đứng ra thành lập Quỹ Trần Văn Khê để những bạn bè yêu mến ông có nơi tổ chức tưởng nhớ ông vào ngày sinh và ngày mất hằng năm.

Dự kiến sang năm sẽ khởi động Quỹ Trần Văn Khê" - bà Thế Thanh chia sẻ.

Chương trình kỷ niệm có trưng bày hình ảnh, nhạc cụ, những trang phục giáo sư Trần Văn Khê thường sử dụng khi còn sống; chiếu những thước phim tư liệu về ông do chính người cháu thực hiện.

Nhạc sĩ Huỳnh Khải cùng các sinh viên nhạc viện, các nghệ sĩ đã trình diễn nhiều tiết mục do ông sáng tác hoặc thường biểu diễn trong những buổi trò chuyện, giảng dạy như Con công hay múa, Yến tước tranh ngôn, Ngẫu hứng theo điệu Chầu Văn, Tô Huệ chức cẩm hồi văn

​Xúc động lễ tưởng niệm 2 năm ngày mất cố GS-TS Trần Văn Khê ​Xúc động lễ tưởng niệm 2 năm ngày mất cố GS-TS Trần Văn Khê

TTO - Nhiều thế hệ học trò của cố GS-TS Trần Văn Khê đã có buổi họp mặt đầy cảm động nhân dịp kỉ niệm 2 năm ngày mất của cố GS-TS Trần Văn Khê (14/6/2015-14/6/2017) tại Nhà hàng Thanh Niên (Q1, TP.HCM).

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp