06/11/2016 08:16 GMT+7

Sẽ khác ngay thôi mà

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TTO - 30 năm trước, Giải bóng bàn Cây vợt vàng chào đời, được xem là một trong những sự kiện thể thao đầu tiên ở nước ta được tổ chức theo mô hình xã hội hóa.

Một giải bóng bàn phong trào thu hút sự chú ý của khán giả ở Vũng Tàu - Ảnh: T.P.


Giải đấu này do báo Thể Thao TP.HCM “mang nặng đẻ đau”, và nhanh chóng trở thành sự kiện hấp dẫn của thể thao Việt nói chung, bóng bàn nói riêng.

Nhưng sau này, Cây vợt vàng được chuyển giao về cho Liên đoàn Bóng bàn VN, và nó rơi tự do, trở thành một giải đấu nhạt nhòa, ngày càng kém chất lượng.

Nguyên nhân, những nhà quản lý ở liên đoàn tuy mang danh là hoạt động xã hội nhưng thực chất đều là những cán bộ nhà nước về hưu, mang trong mình căn bệnh “xin - cho” cố hữu. Lý do chính chẳng gì khác, đó là không tìm được tiền tài trợ.

Phải chăng các doanh nghiệp không thích bóng bàn? Hay người Việt mình hết mê môn bóng nhựa - môn thể thao đã một thời đưa Việt Nam đi vào lịch sử bóng bàn thế giới với những cái tên lẫy lừng như Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết?

Không. Trong lúc bộ máy quản lý bóng bàn chính thống bó tay, thì cách đây đúng 10 năm, một chàng trai chẳng ăn đồng lương nào của Liên đoàn Bóng bàn hay cơ quan quản lý thể thao nhà nước - anh Tống Đức Thuận - chỉ với trái tim mê bóng bàn và một khối óc năng động, đã khai sinh Giải Diễn đàn bóng bàn Việt Nam.

Năm nay, giải này tròn 10 tuổi, và các cán bộ thể thao ăn cơm nhà nước đã phải mắt tròn mắt dẹt nhìn giải đấu này khi nó phải đi thuê sân có sức chứa 5.000 khán giả mới thỏa mãn được nhu cầu người xem, có Việt kiều tận bên Mỹ về xin tham gia, và thu hút gần tỉ đồng tài trợ!

Để làm được điều kỳ diệu đó, anh Tống Đức Thuận làm được những điều mà thoạt nghe qua hết sức đơn giản nhưng chẳng ai chịu động đậy đầu óc để nghĩ ra. Còn nhớ, trong những giải đầu tiên, Thuận phải đi săn lùng những cây vợt, những chiếc áo có chữ ký của các ngôi sao bóng bàn thế giới về để làm giải thưởng.

Hay anh cũng vận dụng các mối quen biết để lâu lâu lại mời các tay vợt khá tên tuổi, ví dụ Gatien (Pháp) sang giao lưu tại giải đấu của mình.

Cứ thế, Giải Diễn đàn bóng bàn năm nay thu hút đến 800 tay vợt tham gia, và khiến một cán bộ đã “mọc rễ” ở Liên đoàn Bóng bàn VN phải thú nhận: Diễn đàn bóng bàn là giải đấu hấp dẫn nhất trong làng bóng bàn VN hiện nay!

Sự khác biệt của thể thao do cán bộ nhà nước đảm nhận so với tư nhân không chỉ có ở bóng bàn. Cách đây không lâu, người ta cũng nói nhiều đến câu chuyện một giải bóng đá phủi do tư nhân tổ chức đã kiếm được tiền từ bán bản quyền truyền hình; trong khi đó V-League thì còn xếp hàng năn nỉ đài truyền hình quốc gia “nhón tay làm phúc”!

Đã có vô số lần chúng ta kêu ca về chuyện phải lấy không ít tiền từ ngân sách để nuôi các hội (mà trong đó các hội, liên đoàn thể thao cũng chiếm không ít), dẫn đến tình trạng các tổ chức xã hội này mắc bệnh ỷ lại vào bầu sữa ngân sách.

Thật ra, cứ lấy thể thao làm thí điểm trước đi, mời những người chưa hề dính dáng tới bộ máy nhà nước (nên chưa “nhiễm bệnh” khoanh tay chờ ngân sách), như kiểu Tống Đức Thuận chẳng hạn, tôi tin mọi chuyện sẽ khác ngay thôi mà!

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp