Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn đối tác phát triển (VDPF) năm 2014 - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Diễn đàn quy tụ các nhà tài trợ, các cơ quan, bộ ngành của Việt Nam để thảo luận hai nội dung “Đổi mới thể chế nhằm tăng cường khả năng tự chủ, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam” và “Phát triển khu vực tư nhân nhằm xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và tự chủ”.
Với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhiều góp ý về phát triển kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được nêu thẳng thắn.
Bà Victoria Kwawa, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng cải cách DNNN là vấn đề quan trọng, thậm chí nó là “bàn đạp” để phát triển các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đã phải vật lộn với khó khăn trong vài năm qua.
Sắp tới, việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế tư nhân.
Nhưng bà Victoria Kwawa cảnh báo sẽ không có điều này nếu không có những thể chế chung tay giải quyết những vấn đề doanh nghiệp gặp phải. Bà Victoria Kwawa đề nghị Việt Nam tăng cổ phần hóa không chỉ ở số lượng mà cả chất lượng, tức tăng tỉ lệ cổ phần bán cho khu vực tư nhân để cải tiến quản trị doanh nghiệp...
Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam tại VDPF 2014, tốc độ cổ phần hóa DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt được như kế hoạch nên đã ảnh hưởng đến tái cơ cấu DNNN nói riêng và tái cơ cấu kinh tế nói chung.
Cũng theo báo cáo này, Chính phủ cũng yêu cầu minh bạch hóa và công bố thông tin đối với các doanh nghiệp có hơn 50% sở hữu nhà nước. Các doanh nghiệp này, theo báo cáo, sẽ phải công bố thông tin theo các chuẩn mực tương tự như đối với công ty cổ phần niêm yết.
Theo báo cáo của Chính phủ, khu vực DNNN dù đã giảm số lượng nhưng quy mô vẫn còn tương đối lớn. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển lớn mạnh. Nếu như năm 2000, khu vực tư nhân trong nước đóng góp 22,9% trong tổng vốn đầu tư thì đến năm 2013 đã đóng góp 37,6%; tạo ra 14,5 triệu việc làm và chiếm 76,7% tổng số việc làm phi nông nghiệp hiện nay...
Ngoài ra, trong báo cáo, Chính phủ có nêu sẽ “xây dựng thể chế cho sự hình thành và vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh” và sẽ có lộ trình cải cách nhằm tách biệt sản xuất, truyền tải và phân phối trong ngành điện.
Cụ thể, “tách biệt và hình thành doanh nghiệp truyền tải độc lập, chuyên trách quản lý và sử dụng mạng truyền tải điện, đảm bảo công bằng và hiệu quả trong kết nối, tiếp cận mạng truyền tải và sử dụng các dịch vụ truyền tải, bảo đảm an ninh, ổn định trong cung ứng điện quốc gia”.
Như vậy có nghĩa mô hình hiện nay sẽ phải thay đổi vì Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia hiện đang trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Không công bố cam kết tài trợ ODA cho VN Theo thông cáo của Văn phòng Chính phủ, trong hơn hai thập kỷ qua, các nhà tài trợ, nay là các đối tác phát triển quốc tế, đã cam kết cho Việt Nam vay hơn 80 tỉ USD vốn ODA, trong đó hơn một nửa đã được giải ngân, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Kể từ năm 2013, sau 20 năm là quốc gia nhận tài trợ, Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam đã ra đời thay cho Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG). Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển của Việt Nam, từ một quốc gia nhận tài trợ trong 20 năm qua, đã trở thành quốc gia đối tác phát triển. Từ khi hội nghị CG kết thúc, diễn đàn đối tác phát triển không công bố các khoản cam kết ODA các nước dành cho Việt Nam nữa. Diễn đàn hiện chủ yếu còn là một kênh đối thoại chính sách cấp cao. Diễn đàn này có mục đích tạo điều kiện thảo luận chính sách giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và trong nước. Diễn đàn được tổ chức vào tháng 12 hằng năm do Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam làm đồng chủ tọa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận