Người nghèo ở các nước đang phát triển khó tiếp cận nguồn thuốc giá rẻ vì nạn hối lộ - Ảnh: Reuters |
Chỉ sáu ngày sau phiên tòa xử các cựu lãnh đạo của GlaxoSmithKline (GSK) ở Trung Quốc, tờ Forbes của giới kinh doanh bạc tỉ tại Mỹ đã đăng ngay “Ba thông điệp mang về nhà của bản án GSK ở Trung Quốc” nhằm rút kinh nghiệm chung cho toàn ngành dược đa quốc gia.
Cái bẫy cho cả hai bên
Thiệt hại lây lan Sau khi lâm nạn ở Trung Quốc, GSK bị liên lụy cả ở Anh, Mỹ. Tờ Forbes cho biết: “Từ khi GSK thú nhận sai trái ở Trung Quốc, các hoạt động tại nước ngoài của công ty này phải đối diện với nhiều cuộc điều tra của nhà chức trách Mỹ và Anh, đầy khả năng sẽ bị phạt vạ nặng nề có khi còn hơn trước”. Năm 2012, GSK từng bị phạt 2 tỉ USD vì gian lận tài chính ở Mỹ. Thành ra không phải là nghi kỵ một cách định kiến, song trong “một thế giới phẳng” như hiện nay, những gì đã diễn ra ở nơi này trong những điều kiện đó, đều có thể tái diễn hoặc xảy ra đồng thời ở nơi kia có những điều kiện tương tự. |
Đầu tiên theo Forbes là “việc dựa vào việc đưa hối lộ cùng các chiêu trò bất hợp pháp khác nhằm tăng doanh thu có thể sẽ phải chịu “phí tổn” khá cao.
Ai cũng rõ rằng các công ty dược phẩm đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt, các hãng dược phẩm lớn có thể rơi vào tình thế không có lựa chọn nào khác là phải hối lộ những quan chức chính phủ, các quản lý bệnh viện, bác sĩ để tăng doanh số và mở rộng thị phần.
Thế nhưng, làm như thế sẽ vi phạm không chỉ lề thói quản lý của công ty cùng các thủ tục phải tuân thủ, mà còn phiền toái hơn nữa là vi phạm pháp luật của chính nước chủ sở hữu công ty và của nước chủ nhà”.
Điều mà Forbes gọi là tiến thoái lưỡng nan là do các nước phát triển đều có những luật lệ chống hối lộ ở nước ngoài rất nghiêm nhặt đang được tuân thủ, trong khi tại các “nước chủ nhà” chưa có những luật nghiêm đến như thế nên chưa có chung một văn hóa “sạch sẽ”.
Mặt khác, không phải bất cứ quan chức sở tại nào cũng biết, cũng hiểu rằng các đạo luật đó, ví dụ luật FCPA (chống hành vi tham ô ở nước ngoài) của Mỹ ra sao và “độc địa” như thế nào.
Hậu quả là các đối tác sở tại cứ thản nhiên rủ đối tác nước ngoài cùng “nhảy điệu” đút lót!
Đây là một cái bẫy sập cho cả hai bên. Nguy hiểm ở chỗ điều này đã diễn ra một cách vô ý thức và chẳng mấy ai biết rằng các nước phát triển có các cơ quan điều tra “siêng năng” và hữu hiệu.
Tại Mỹ, năm 2012 có vụ phạt Tập đoàn Marubeni 54,6 triệu USD cho dù đây là một tập đoàn Nhật và kinh doanh ở tận Nigeria.
Bộ Tư pháp Mỹ vẫn thực thi luật FCPA do lẽ trong vụ đầu tư này của Tập đoàn Marubeni có Công ty Kellogg Brown & Root Inc của Mỹ tham gia! Thật là họa vô đơn chí cho Marubeni.
Tháng 3 năm nay, tập đoàn này lại bị phạt 88 triệu USD vì một vụ đút lót ở Indonesia trước đây có liên quan đến một chi nhánh công ty thuộc một nước thứ ba có văn phòng tại Mỹ cùng liên doanh trong một dự án điện!
Những vụ như vụ “xử nguội” Công ty Bio-Rad của Mỹ hối lộ ở nước ngoài càng nhắc rằng việc họ áp dụng luật FCPA “soi” các công ty của họ cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”, và chỉ khi nào hội đủ chứng cứ tòa án mới dám ra phán quyết! Từ đó, hiểu ra rằng không thể cứ đơn giản “không nghe, không thấy, không hay biết” mãi được!
Làm gì để hạ giá thuốc?
Bắc Kinh áp số tiền phạt (gần 500 triệu USD) với GSK là rất nặng - tương đương số tiền bị cáo buộc đã dùng để hối lộ. Con số này vượt mọi dự đoán trước đó, vì một ngân hàng đầu tư châu Âu dựa trên những phán quyết trước đó của các tòa án Trung Quốc trong các trường hợp tương tự từng dự đoán: bất quá GSK sẽ chỉ bị phạt 5-10 triệu USD!
Hiện Bắc Kinh cũng đang nhắm vào các “ông lớn” khác của ngành dược đa quốc gia như Sanofi, Roche, Merk, Bayer... nhằm đưa giá thuốc xuống cho cả ngân sách quốc gia và túi tiền dân chúng “nhẹ nhàng” hơn.
Đó là điều mà chính quyền mới thời ông Tập Cận Bình muốn làm, để đưa cuộc sống trong nền kinh tế đang được xem là lớn nhất thế giới (tính theo sức mua đầu người) khá hơn.
Một trong những vấn nạn lâu nay ở Trung Quốc là trong khi đa số các nước phương Tây chỉ chi từ 10-12% cho các khoản chi mua dược phẩm trong ngân sách y tế, ở Trung Quốc tỉ lệ này lại đến 43% (theo WHO). “Nghiêm trị” GSK nhằm làm gương cho các công ty khác để ước mong hạ giá thuốc thành sự thật.
Chính quyền không chỉ “săm soi” các hãng nước ngoài mà còn cả với 60 hãng dược trong nước để rà soát lại giá cả. Đây là nhiệm vụ mà Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia đầy uy quyền đang phát động.
Giải thích hiện tượng này, Philip Urofsky, một cựu chuyên gia Bộ Tư pháp Mỹ từng “làm việc” nhiều hồ sơ liên quan đến luật chống tham ô ở nước ngoài (FCPA), nay làm tại Hãng luật Shearman & Sterling, phát biểu: “Chính quyền Trung Quốc không hề làm điều gì mà không có lý do. Nay họ vừa muốn “dọn cho sạch nhà” vừa muốn đưa giá xuống”!
Năm ngoái, Hãng Nestlé đã “tiên phong” tự giảm giá bán sau khi có tin Bắc Kinh khởi sự điều tra xem có “làm giá” hay không. Thành ra vấn đề ở chỗ có “muốn là được” hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận