21/09/2021 07:29 GMT+7

Sẽ giảm dần bệnh viện dã chiến

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
HOÀNG LỘC - THU HIẾN

TTO - Ngành y tế TP.HCM đang tính toán giảm dần một số cơ sở cách ly tập trung tại các quận huyện và bệnh viện dã chiến khi TP dần "mở cửa", một số bệnh viện dã chiến hoàn thành "sứ mệnh" tiếp nhận chăm sóc điều trị bấy lâu nay.

Sẽ giảm dần bệnh viện dã chiến - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 8, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Các trường học, ký túc xá, chung cư, nhà văn hóa, một phần các bệnh viện... sẽ được trở về chức năng ban đầu trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 (F0) tại TP đang được chăm sóc điều trị tại nhà ngày một lớn (ước tính trên 40% tổng ca đang điều trị) và tỉ lệ số ca khỏi bệnh xuất viện ngày một tăng (169.201 người).

Bệnh nhân giảm dần, nên gom lại

Những ngày đầu tháng 8-2021, khi số ca mắc cần nhập viện tăng cao, Bệnh viện dã chiến quận 8 (số 1) được thiết lập nhanh chóng dựa trên "bộ khung" của Trung tâm văn hóa quận 8. Hơn một tháng rưỡi đi vào hoạt động, với lực lượng nòng cốt từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, Bệnh viện ĐH Y dược... nơi này đang hoàn thành tốt nhiệm vụ "chia lửa" cho các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - giám đốc điều hành bệnh viện - cho biết lúc trước khi cao điểm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho khoảng 170 bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng nay chỉ còn khoảng 100 ca. Việc tiếp nhận bệnh nhân chuyển vào cũng đang dần "hạ nhiệt", chỉ còn khoảng 10 ca/ngày (trước đây 20 - 25 ca/ngày). 

"Việc huy động lực lượng, đặc biệt các bác sĩ quân y tập trung điều trị F0 tại nhà, đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp hạn chế được lượng bệnh trở nặng phải nhập viện. Khi lượng bệnh giảm, nhân viên y tế có đủ điều kiện chăm sóc điều trị bệnh tốt hơn, qua đó tăng tỉ lệ xuất viện, song song giảm tỉ lệ biến chứng trở nặng và tử vong" - bác sĩ Phong phân tích.

Theo ông Phong, một số bệnh viện dã chiến trưng dụng từ trung tâm văn hóa, trường học, ký túc xá... tùy vào tình hình dịch bệnh mà có lộ trình để bàn giao về chức năng vốn có, chỉ nơi nào đặc biệt, có cơ sở vật chất đáp ứng sử dụng ổn định mới nên giữ lại. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân giảm cũng cần gom các bệnh viện dã chiến lại nhằm tận dụng tối đa hiệu quả, tiết kiệm các chi phí vận hành.

Tương tự, Bệnh viện dã chiến số 1 với công suất khoảng 4.500 giường bệnh được trưng dụng từ ký túc xá Trường ĐH Giáo dục quốc phòng và an ninh (TP Thủ Đức), nơi học tập thường xuyên của hàng ngàn sinh viên. Bệnh viện đã đón hơn 19.000 ca nhập viện (bệnh nền, có triệu chứng hoặc không đủ tiêu chuẩn cách ly tại nhà) và bệnh viện này cũng đang giữ kỷ lục về số ca xuất viện với 16.000 ca.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Tâm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, thời điểm hiện tại chỉ còn tiếp nhận khoảng 200 - 300 ca/ngày, bằng một nửa so với lúc cao điểm. Theo ông Tâm, với tình hình dịch còn phức tạp, việc duy trì một số bệnh viện dã chiến là điều cần thiết nhưng cũng cần tính toán rút gọn "gom về một mối", cụ thể đối với những bệnh viện dã chiến có số lượng bệnh nhân không nhiều. 

"Khi gom lại, chúng ta có thể dồn nhân lực về một nơi để tập trung điều trị, bởi hiện nay các bệnh viện đều đã thành lập khoa cho bệnh nhân thở oxy, ngành y tế có thể tận dụng tối đa công suất giường, giảm tải công việc. Tuy vậy việc sắp xếp này cũng nên theo lộ trình cụ thể" - bác sĩ Tâm nói.

Trong khi đó, bác sĩ Phạm Thị Thu Vân - phó giám đốc Bệnh viện quận 11, phụ trách Bệnh viện dã chiến số 9 (huyện Hóc Môn) - cho biết bệnh viện này trưng dụng từ Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học. Hiện số lượng bệnh chuyển đến cũng đang giảm đáng kể, chỉ còn 300 - 400 bệnh nhân/ngày (trước đây 600 bệnh nhân/ngày). Bà Vân cũng cho rằng nên tính toán đến phương án gom các bệnh viện dã chiến ít bệnh nhân lại nhằm phát huy tối đa công suất, đồng thời trả lại cơ sở vật chất để các đơn vị hoạt động trở lại khi TP dần mở cửa.

Sẽ giảm dần bệnh viện dã chiến - Ảnh 2.

Gom lúc nào?

Theo thống kê, toàn TP.HCM hiện có 93 cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 (từ tầng 1 đến tầng 3). Trong số này có khoảng 30 bệnh viện dã chiến với số giường bệnh khoảng 42.000 giường, lớn nhất trong hệ thống điều trị. Theo đánh giá của các chuyên gia, khi TP mở cửa hoạt động được trở lại bình thường, việc tính toán "gom" hoặc trả lại các cơ sở này là điều cần thiết.

Vậy sắp xếp các bệnh viện dã chiến lúc nào là phù hợp? Bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, kiêm phụ trách Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức) - đánh giá khi số lượng bệnh nhân tiếp nhận trên 60% vẫn nên duy trì hoạt động, khi còn khoảng 40% thì nên tính toán giảm một số bệnh viện dã chiến và gom lại. 

Theo ông Khanh, ngoài công tác điều trị, với bệnh nhân mắc COVID-19 sau xuất viện vẫn cần được chăm sóc. Do đó các bệnh viện dã chiến cần tính phương án chuyển đổi công năng nhằm tập trung điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19 như tập vật lý trị liệu, cải thiện hô hấp, dinh dưỡng...

Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ của ngành y tế TP, khi cơ bản kiểm soát được dịch (TP phấn đấu đến 30-9), sẽ tính toán hoàn trả dần các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến của quận, huyện đặt tại các trường học nhằm khôi phục việc học tập cho học sinh. Các bệnh viện dã chiến sẽ được sắp xếp theo hướng "2 trong 1", tức đủ 2 tầng điều trị trong 1 bệnh viện (tầng 2 và tầng 3).

Cụ thể các trung tâm hồi sức sẽ được "lồng ghép" trong các bệnh viện dã chiến 13, 14, 16... để tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng và trung bình; đồng thời tiếp tục duy trì một số bệnh viện dã chiến tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nhẹ tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. "Vẫn phải đảm bảo duy trì khu cách ly điều trị dành cho người mắc COVID-19 với quy mô tối thiểu 20 - 40 giường có oxy" - một lãnh đạo Sở Y tế nói. 

Ngoài ra cơ sở hạ tầng của các trung tâm hồi sức quốc gia (Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế) vẫn sẽ được giữ lại nguyên trạng để sẵn sàng hoạt động lại khi tình hình dịch COVID-19 có diễn biến mới.

Sẽ giảm dần bệnh viện dã chiến - Ảnh 3.

Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho F0 có triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tập trung chăm sóc F0 cộng đồng

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM - khẳng định thời gian tới chắc chắn TP.HCM phải cơ cấu lại hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó đặc biệt là các bệnh viện dã chiến. 

"Đã gọi là bệnh viện dã chiến thì chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định, không thể sử dụng lâu dài. Do đó chắc chắn sẽ cơ cấu lại các bệnh viện dã chiến, kể cả các trung tâm hồi sức tích cực nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả" - ông khẳng định.

Với lượng F0 điều trị tại nhà rất lớn, ngành y tế TP cho biết hiện nay toàn TP đã có trên 500 trạm y tế lưu động, với nòng cốt là các bác sĩ quân y. 

Với các hiệu quả tích cực thời gian qua, Sở Y tế cho hay mô hình trạm y tế lưu động sẽ tiếp tục được duy trì với nhân lực tăng cường và luân phiên từ các bệnh viện của TP và các quận, huyện. Các "tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng" cũng sẽ đi vào hoạt động với chức năng theo dõi, hỗ trợ điều trị; xét nghiệm test nhanh và hỗ trợ tiêm vắc xin. 

Ngoài ra sẽ huy động nhiều thành phần, trong đó đề xuất các cơ chế để hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà, tại các cơ sở cách ly tập trung.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1) - cho rằng ngoài bắt buộc phải duy trì, củng cố chất lượng điều trị của các trung tâm hồi sức, khi "gom" bệnh viện dã chiến thì vấn đề cần đặc biệt chú trọng là chăm sóc F0 tại cộng đồng. "Có thể huy động các bác sĩ và điều dưỡng ở các phòng mạch, ở từng khu vực sinh sống và giao nhiệm vụ cụ thể để chăm sóc hoặc tư vấn từ xa cho người bệnh" - bác sĩ Khanh nói.

Phục hồi công năng của Bệnh viện quận 7 và Đa khoa KV Củ Chi

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng vừa ký văn bản khẩn về việc phục hồi công năng Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện quận 7 nhằm tiếp nhận người bệnh không mắc COVID-19. Trước đó với tình hình dịch bệnh phức tạp, TP.HCM đã quyết định chuyển đổi công năng của 2 bệnh viện trên, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho người mắc COVID-19.

Khi trở lại công năng điều trị ban đầu, việc tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ do Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi và Bệnh viện dã chiến Củ Chi đảm nhận.

Còn Bệnh viện quận 7 sẽ chuyển người mắc COVID-19 đến Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 quận 7 (số 1) và Bệnh viện dã chiến COVID-19 số 16 hoặc Trung tâm hồi sức COVID-19 Bạch Mai.

Các bệnh viện đã có đầu oxy cần duy trì

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết đến thời điểm này đã tạm yên tâm với tỉ lệ tiêm chủng và tình hình chăm sóc điều trị F0 tại nhà của TP.HCM. Tuy nhiên trước dịch bệnh nguy hiểm, luôn luôn phải chuẩn bị các kịch bản, bởi có thể sẽ có đợt gia tăng dịch bệnh mới khi mở giãn cách.

Theo ông, trên thực tế có nhiều người không đủ điều kiện để cách ly ở nhà như nhà cửa chật hẹp, mắc các bệnh lý nền... "Một số nơi cách ly dã chiến tạm bợ có thể tính toán sắp xếp lại, còn ở các bệnh viện đã có đầu oxy vẫn cần phải duy trì hoạt động, bởi việc thiết kế hệ thống này không hề đơn giản" - ông Dũng nói.

Tỉ lệ dương tính qua xét nghiệm: giảm từ 3,6% xuống 0,9%

dp_phieuxetnghiem 1(read-only)

Nhân viên y tế phát phiếu và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tận nhà cho người dân ở phường 11, quận Tân Bình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông báo một thông tin đáng mừng từ TP.HCM: mặc dù số ca dương tính thông báo hằng ngày vẫn ở mức cao, nhưng qua 4 đợt xét nghiệm, tỉ lệ ca dương tính đã giảm từ 3,6% xuống còn 0,9% trong đợt mới nhất.

Ngoài ra còn dấu hiệu tích cực nữa là số bệnh nhân nặng, số tử vong đều giảm. Ông Sơn nhận xét nếu làm tích cực, trong một vài tuần tới tình hình sẽ ổn.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết từ nay đến 30-9 Bộ Y tế chưa có kế hoạch rút lực lượng chi viện đang tham gia điều trị tại các bệnh viện ở TP.HCM. Trước mắt, các lực lượng tham gia xét nghiệm (chủ yếu là sinh viên ở các trường) sẽ tập trung xét nghiệm trong vòng một tuần, sau đó cho rút lui về để đi học trở lại.

Sau 30-9, các bệnh viện tuyến trung ương cũng sẽ không rút ngay mà sẽ là song song, gối đầu, đảm bảo điều trị cho bệnh nhân hiện có. "Việc rút các lực lượng hỗ trợ cần phải có kế hoạch cụ thể, phối hợp nhịp nhàng, tránh rút lui đột ngột ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tăng cường xây dựng hệ thống y tế cơ sở, cũng như các hệ thống điều trị nhằm tăng cường nhân lực, năng lực cho ngành y tế TP trong thời gian tới" - Thứ trưởng Sơn chia sẻ.

L.ANH - H.LỘC - TH.HIẾN

Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau 30-9 sẽ có thêm một số hoạt động được mở tại TP.HCM, nhằm sớm giúp TP đạt được 2 mục tiêu chống dịch và mở cửa lại dần các hoạt động. Ông Sơn cho biết Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch phân bổ vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho người dân TP.

Bản tin tối 20-9: Cả nước có 8.681 ca COVID-19 mới, thấp nhất trong 1 tháng qua Bản tin tối 20-9: Cả nước có 8.681 ca COVID-19 mới, thấp nhất trong 1 tháng qua

TTO - Bản tin tối 20-9 của Bộ Y tế thông báo 2 tin vui: Số ca COVID-19 cả nước hôm nay đã xuống còn 8.681 ca, thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây. Và sau 2 tháng giãn cách theo chỉ thị 16, Hà Nội sẽ nới từ ngày mai 21-9.

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp