Se gai sẻ gánh đã bắt đầu những hoạt động đầu tiên vào hai ngày 28 và 29-10 tại TP.HCM. Chiến dịch ra đời không chỉ với mục đích san sẻ gánh nặng cho những chị em phụ nữ vùng cao mà còn tôn vinh nét đẹp truyền thống, nâng cao nhận thức về sử dụng chất liệu xanh trong lối sống.
Mục tiêu gây quỹ là 300 triệu, phục vụ cho việc thành lập hợp tác xã có sự tham gia của 97 hộ dân người Mông tại thôn Sán Séo Tỷ, xã Khâu Vai, tỉnh Hà Giang. Khu vực được thụ hưởng thuộc danh sách thôn đặc biệt khó khăn.
Se gai sẻ gánh được Empower Women Asia (tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hướng về các làng nghề Việt với các hoạt động hỗ trợ, bảo tồn) đồng tổ chức cùng hai thương hiệu thời trang bền vững Hemp Ơi và La Phạm.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, chị Trần Phương Thảo - nhà sáng lập thương hiệu Hemp Ơi, thành viên ban tổ chức - cho biết mục đích sâu xa của chiến dịch là đem lại nhiều lựa chọn cho bà con vùng cao.
"Khi điều kiện chưa có phép, những lựa chọn của bà con vùng cao bị giới hạn.
Khi có nguồn thu nhập tốt hơn thì họ có thêm những sự lựa chọn. Thay vì bắt con nghỉ học, lập gia đình từ năm 13, 14 tuổi thì người dân cho con đi học cao hơn, xa hơn, để con có những ước mơ lớn hơn.
Tôi tin khi có ước mơ lớn thì chúng ta sẽ trở thành những con người vĩ đại. Và cả vị thế của người phụ nữ, biết đâu khi họ có công việc ổn định, suy nghĩ về vị trí của họ trong gia đình, trong xã hội khác đi so với những định kiến mà người phụ nữ vùng cao đã mang từ nhỏ đến giờ", chị Thảo nói.
"Se gai sẻ gánh" đưa vải dệt ra quốc tế
Trong hai ngày 28 và 29-10, ban tổ chức Se gai sẻ gánh tổ chức các hoạt động như dệt vải trên khung cửi truyền thống, thêu tay thủ công, hoàn thiện bức tranh chủ đề...
Những trải nghiệm trên giúp người tham dự có thêm kiến thức, thông tin về các chất liệu bền vững. Sau TP.HCM, workshop sẽ di chuyển đến Hà Nội vào tháng 12-2023 và kết thúc giai đoạn 1.
Bắt đầu từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024, giai đoạn 2 mang tên Gặt sương với hoạt động ra mắt bộ sưu tập túi gai dầu kết hợp họa tiết thổ cẩm của năm dân tộc thiểu số. Doanh thu từ bộ sưu tập sẽ đóng góp cho hợp tác xã dệt vải.
Dự kiến ban tổ chức sẽ trao nguồn quỹ và khởi động hợp tác xã vào tháng 1-2024. Sau khi được ra đời, những tấm vải dệt đầu tiên được nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh và đội ngũ nhân sự của La Phạm sử dụng để tạo nên bộ sưu tập trình diễn tại London và .
Đồng thời, những thành phẩm vải, thiết kế tạo ra từ hợp tác xã được trưng bày tại Tuần lễ Fashion Revolution 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận