Tại cuộc trao đổi, các bên đã thống nhất sẽ dời bức phù điêu, bài vị đang đặt thờ hai vua Quang Trung và Thái Đức ở trong miếu ra bên ngoài, trả lại các vật dụng trong miếu về nguyên trạng.
"Bài vị vua Quang Trung và Thái Đức được làm tùy tiện"
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế), hai bài vị đang thờ hai vua Tây Sơn tại miếu Đôi được làm hết sức tùy tiện, sai về thể thức lẫn nội dung.
Hai bài vị trên được khắc chữ hán trên gỗ với nội dung thờ Nguyễn Nhạc là "Tây Sơn Triệu tổ đại nghĩa chí nhân Thái Đức Hoàng Đế chi linh vị" (tạm dịch là bài vị của Thái Đức Hoàng Đế, vị vua đại nghĩa chí nhân, khai sáng nên triều Tây Sơn).
Bài vị thờ Nguyễn Huệ ghi "Tây Sơn Thái tổ thánh đức thần công Quang Trung Hoàng Đế chi linh vị" (tạm dịch là bài vị của Quang Trung Hoàng Đế, vị vua có đức trọng như Thánh, công lớn như Thần, là Thái tổ của triều Tây Sơn).
Theo ông Hoa, việc dùng từ "triều Tây Sơn" để gọi niên hiệu của triều đại này là chưa phù hợp. Bởi lẽ đương thời triều đại này không dùng Tây Sơn mà có khả năng dùng "Hoàng Nguyễn triều".
Điều này căn cứ vào những bài thơ trên một hiện vật hết sức đặc biệt: bản kinh Kim cương hiện đang lưu giữ tại chùa Trúc Lâm (TP Huế). Bản kinh này được sư nữ Diệu Tâm thêu bằng tay vào năm thứ bảy triều Cảnh Thịnh (1799).
Trong bản kinh có bài "Thái thượng Hoàng đế Ngự chế Kim cương bát nhã ba la mật đa kinh" được cho là bài thơ của vua Quang Trung làm.
Cuối bài thơ có đề "Thời Hoàng Nguyễn triều Cảnh Thịnh nhất niên, tuế tại Kỷ Mùi, lục nguyệt, hoàng đạo nhật, cẩn chí (Kính cẩn ghi vào một ngày tốt, tháng sáu, năm Kỷ Mùi, là năm Cảnh Thịnh thứ bảy của Hoàng triều nhà Nguyễn, tức tháng 7-1799).
Ngoài ra theo ông Hoa, nếu thờ vua thì nên dùng từ "long vị" mới xứng tầm hơn thay vì "linh vị" như đang thờ ở miếu làng Dạ Lê Chánh.
Thống nhất hoàn trả nguyên trạng miếu Đôi
Tại buổi trao đổi, phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng không thể chấp nhận việc thờ tự Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc tại miếu làng Dạ Lê Chánh.
Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sở đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo về vụ việc trên.
Theo đó, sau cuộc trao đổi giữa sở, các nhà nghiên cứu, dân làng và đại diện chính quyền địa phương, các bên đã đi đến thống nhất sẽ hoàn trả nguyên trạng miếu Đôi làng Dạ Lê Chánh như trước đây (không có bài vị và phù điêu Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ) để người dân sinh hoạt tín ngưỡng tại miếu Đôi theo tục lệ như xưa.
Về việc "hoa cái" (hộp sọ - PV) hai vị vua Tây Sơn có được chôn tại miếu hay không, sở đề nghị Hội Khoa học lịch sử tỉnh tiếp tục tổ chức nghiên cứu, đưa vào kế hoạch năm 2024 của hội.
Cũng nhân câu chuyện này, sở cũng xin ý kiến của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu các hình thái tế tự làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế", làm cơ sở để cộng đồng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng xã.
Về phía nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế, cho rằng các thông tin mà những nhà nghiên cứu đưa ra tại cuộc trao đổi không đủ luận cứ để phủ nhận thông tin do chính ông và một số thành viên hội đưa ra là hộp sọ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ được chôn ở miếu Đôi làng Dạ Lê Chánh.
Tuy nhiên trước sự phản đối của phần lớn người có mặt tại cuộc trao đổi, ông Xuân cơ bản thống nhất việc đưa bài vị và bức phù điêu của hai vị vua Tây Sơn ra khỏi ngôi miếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận