09/08/2020 09:25 GMT+7

Sẽ có vắcxin phòng COVID-19 giá 3 USD cho nước nghèo?

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Trong khi một số thông tin cho rằng các loại vắcxin phòng COVID-19 sẽ có giá khoảng 40 USD một liều, Viện Serum của Ấn Độ - hãng sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới - lại đưa ra cái giá 3 USD, nhờ có tài trợ từ thiện.

Sẽ có vắcxin phòng COVID-19 giá 3 USD cho nước nghèo? - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu vắcxin của Viện Serum, Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Theo trang Livemint, Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) thông báo tổ chức này đã nhất trí về một thỏa thuận với Quỹ Bill & Melinda Gates và hãng sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới là Viện Serum của Ấn Độ để đẩy nhanh quá trình sản xuất và chuyển giao 100 triệu liều vắcxin phòng bệnh COVID-19 cho các nước đang phát triển trong năm 2021. 

Ngày 7-8, Viện Serum của Ấn Độ thông báo sẽ nhận 150 triệu USD tiền tài trợ từ Quỹ Bill & Melinda Gates thông qua GAVI để sản xuất số vắcxin nói trên.

Nhờ biết cách kết hợp

Giám đốc điều hành của GAVI, tiến sĩ Seth Berkley cho biết thỏa thuận hợp tác nhằm bảo đảm không chỉ các nước giàu được quyền tiếp cận vắcxin phòng COVID-19. 

Theo đó, Serum Institute sẽ nhanh chóng nhận được vốn đầu tư để có thể sản xuất hàng loạt liều vắcxin trên quy mô lớn ngay trong nửa đầu năm 2021 khi có vắcxin được cấp phép.

Viện Serum của Ấn Độ cũng cho biết các vắcxin tiềm năng, trong đó có những vắcxin của Hãng dược phẩm AstraZeneca PLC (Anh) và Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ, sẽ có giá 3 USD/liều và sẽ có mặt tại 92 quốc gia vào đầu năm 2021 thông qua COVAX - một cơ chế tiếp cận và phân bổ vắcxin ngừa COVID-19 cho các quốc gia. Mức giá này có được là do được các quỹ như Quỹ Bill & Melinda Gates trợ giá.

Tỉ phú Bill Gates cũng tỏ ra tin tưởng khi cho biết các nhà nghiên cứu đang đạt được tiến bộ tốt trong việc phát triển vắcxin an toàn và hiệu quả chống lại COVID-19, và mọi người đều có thể tiếp cận vắcxin nhờ năng lực sản xuất to lớn và mạng lưới phân phối toàn cầu. 

Nhà sáng lập Microsoft nhấn mạnh: "Sự hợp tác này mang lại cho thế giới điều tốt lành: sức mạnh sản xuất của Ấn Độ và chuỗi cung ứng của GAVI. Đó mới chỉ là một bước khởi đầu".

Ông Adar Poonawalla - giám đốc điều hành của Viện Serum - khẳng định: "Để đảm bảo mức độ tiêm chủng đạt tối đa và ngăn chặn đại dịch, điều quan trọng là phải đảm bảo cho các quốc gia vùng sâu vùng xa và nghèo nhất được tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa và chữa bệnh hợp lý. 

Thông qua hiệp hội này, chúng tôi tìm cách tăng cường những nỗ lực không ngừng của mình để cứu sống hàng triệu người khỏi căn bệnh đáng sợ này".

Năng lực mạnh của Ấn Độ

Viện Serum sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đối với vắcxin của ĐH Oxford trong tuần tới sau khi được lãnh đạo cơ quan kiểm soát dược phẩm của Ấn Độ chấp thuận vào đầu tuần này. Thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 trên khoảng 1.600 người sẽ được tiến hành tại 17 địa điểm ở Ấn Độ.

Tháng 6 vừa qua, Viện Serum đã ký một thỏa thuận cung cấp 1 tỉ liều vắcxin và hôm 6-8 đã ký một thỏa thuận với Công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ để sản xuất tối thiểu 1 tỉ liều vắcxin tiềm năng NVX‑CoV2373 cho Ấn Độ và các quốc gia có thu nhập thấp khác.

Vắcxin NVX-CoV2373 của Novavax vừa có kết quả tích cực sau cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu tại thành phố Melbourne và Brisbane của Úc. 

Vắcxin này đã gây ra phản ứng miễn dịch mà nhờ đó sản sinh ra lượng kháng thể chống lại virus corona nhiều hơn ở cả những bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục. Với kết quả này, Novavax dự kiến có thể triển khai giai đoạn thử nghiệm trên quy mô lớn vào tháng 9 tới.

Tính đến nay có rất nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Canada, Nhật, Hàn Quốc... đã ký các thỏa thuận song phương kiểu "đặt cọc" với các công ty dược phẩm để đặt mua trước vắcxin phòng COVID-19 trước khi các loại vắcxin này được cấp phép.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng các nước giàu tích trữ vắcxin sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt ở các nước đang phát triển. GAVI hiện đang hướng tới một kế hoạch dành vắcxin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình và để thực hiện kế hoạch này, GAVI đặt mục tiêu quyên góp quỹ 2 tỉ USD. 

Vắcxin của Công ty Novavax là 1 trong 6 loại vắcxin tiềm năng nhất đã vượt qua các thử nghiệm giai đoạn 1, trong tổng số 165 vắcxin ngừa COVID-19 đang được phát triển trên toàn cầu.

Trong 6 loại vắcxin trên, vắcxin của Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ, Đại học Oxford và công ty nhà nước Trung Quốc Sinopharm hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với sự tham gia của hàng chục ngàn người.

Ngoại giao vắcxin, Trung Quốc có cho không các nước nghèo? Ngoại giao vắcxin, Trung Quốc có cho không các nước nghèo?

TTO - Dù tự gọi 'ngoại giao vắcxin', Bắc Kinh chỉ cho vay chứ không cho không vắcxin. Đối với các nước thân thiết và có tiền hơn, Trung Quốc cam kết sẽ ưu tiên cung cấp vắcxin trước các nước khác.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp