Bộ trưởng Mai Tiến dũng và bà Alla Morrison - điều phối chương trình Dữ liệu sáng tạo của WB - điều hành hội thảo - Ảnh: THANH HÀ
"Đây là một trong 5 nhiệm vụ Chính phủ sẽ thực hiện trong năm 2018 nhằm triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong điều hành", bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại hội thảo khởi động "Đánh giá mức độ sẵn sàng về dữ liệu mở và chính phủ số tại VN" do Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội sáng 16-1.
Đây cũng là một nội dung trong lộ trình tiến tới xây dựng Chính phủ số, ông Mai Tiến Dũng chia sẻ trong phát biểu mở đầu hội thảo.
Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết 5 nhiệm vụ trọng tâm nêu trên là: Thực hiện gửi, nhận, xử lý văn bản trên hệ thống CNTT nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả làm việc của cơ quan nhà nước, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và tạo ra sự minh bạch, công khai.
Chính phủ cũng sẽ tập trung xây dựng phần mềm giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, ứng dụng thống nhất từ địa phương lên tới trung ương.
Ba là tập trung xây dựng sớm nhất Trung tâm dịch vụ công quốc gia mức độ 3 và 4. Bốn là xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu quốc gia. Và năm là triển khai hệ thống dữ liệu quốc gia, trước hết là dữ liệu dân cư.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra lời cam kết của Chính phủ là tập trung sửa những chính sách chưa phù hợp để tạo cho các bộ ngành, doanh nghiệp có khung pháp lý thích hợp cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.
"Chính phủ cũng khuyến khích các bộ ngành tăng cường thuê dịch vụ CNTT để mang lại hiệu quả cao hơn", ông Dũng nhấn mạnh.
Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho hay sẽ có sự chuyển hướng trong giai đoạn tiếp theo, đó là chuyển sang xây dựng Chính phủ số, trên cơ sở kế thừa từ giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó, các dịch vụ số sẽ tạo nền tảng chính cho các dịch vụ của Chính phủ.
"Để thực hiện được điều này, văn phòng Chính phủ đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số tại VN, tập trung vào 8 lĩnh vực như đánh giá mức độ sẵn sàng của đội ngũ lãnh đạo; chính sách, khung pháp lý và cấu trúc thể chế; nhu cầu và mức độ tham gia của người dân, hệ sinh thái dữ liệu mở, hạ tầng dữ liệu…", bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm.
Ông bày tỏ mong muốn các chuyên gia quốc tế sẽ chỉ ra những khoảng cách giữa thể chế và nhu cầu về dữ liệu mở và Chính phủ số của VN, cũng như đưa ra các khuyến nghị về khung Chính phủ số tại VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận