18/06/2014 17:23 GMT+7

Sẽ có một kỳ thi chung

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - “Sẽ có một kỳ thi quốc gia sử dụng cho hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ, đào tạo nghề”, đây là nội dung nằm trong chương trình hành động của Chính phủ được lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định trong cuộc họp báo ngày 18-6.

PZrvDBoG.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (bìa phải) tại cuộc họp báo - Ảnh: Việt Dũng

98,99% học sinh tốt nghiệp THPT

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tính tới 14g ngày 18-6, 60 sở GD-ĐT đã có báo cáo kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục THPT đạt 98,99%, xấp xỉ năm 2013, hệ GDTX đạt 88,91%, tăng hơn 10% so với năm 2013.

Trả lời chất vấn của báo chí về “tỷ lệ tốt nghiệp cao chót vót”, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) nói: “Kì thi tốt nghiệp THPT không nhằm vào việc đánh trượt thí sinh mà nhằm kiểm tra việc hoàn thành chương trình THPT của thí sinh. Một kì thi có phần lớn thí sinh đạt yêu cầu thì vẫn cần kiểm tra. Giống như một cơ sở sản xuất ra phần lớn sản phẩm đạt chất lượng vẫn cần duy trì khâu kiểm định. Đó là công việc bình thường”.

Tuy nhiên, nhận xét về kì thi này, ông Mai Văn Trinh cũng thẳng thắn thừa nhận: “Cách thức tổ chức kỳ thi còn nặng nề, tốn kém cho xã hội và cần phải được thay đổi. Cũng chính vì thế, năm 2014 Bộ GD-ĐT đã có những bước đi đầu tiên trong lộ trình đổi mới thi cử nhằm giảm áp lực, tốn kém, chú trọng đổi mới khâu ra để đề đánh giá sát hơn năng lực của thí sinh”.

243B8vj2.jpgPhóng to
Ông Mai Văn Trinh: "Một kì thi có phần lớn thí sinh đạt yêu cầu thì vẫn cần kiểm tra. Giống như một cơ sở sản xuất ra phần lớn sản phẩm đạt chất lượng vẫn cần duy trì khâu kiểm định. Đó là công việc bình thường” - Ảnh: Việt Dũng

Theo ông Trinh, việc đổi mới trong kì thi năm nay đã chạm tới được việc dạy học ở các trường phổ thông để mở ra bước chuyển tích cực hơn. Phân tích thêm về điều này, ông Trinh cho biết ngay từ đầu năm học, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo trong nhiệm vụ của các bậc học về việc đổi mới phương pháp dạy học, hướng tới việc đánh giá năng lực học sinh, tăng cường dạy học theo hướng vận dụng kiến thức liên môn, vân dụng kiến thức vào thực tế đời sống...

Sau khi Bộ thông báo về định hướng ra đề thi tốt nghiệp năm nay, nhiều trường cũng chú trọng cho học sinh ôn tập theo hướng mới. Thực tế kì thi cũng có những phản hồi tích cực từ phụ huynh, học sinh, thầy cô về đổi mới của đề thi không những đạt được yêu cầu phân hóa, kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức mà còn tạo cơ hội cho thí sinh bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc chứ không ghi nhớ kiến thức máy móc. Hướng này tuy còn mới mẻ nhưng đã tạo được hứng khởi cho một bộ phận thầy cô giáo và học sinh.

“Năm học tới chúng tôi sẽ duy trì và đẩy mạnh hơn hướng kiểm tra, đánh giá như vậy, tạo tiền đề cho việc tổ chức một kì thi quốc gia” - ông Trinh nói.

Sẽ có một kỳ thi quốc gia

“Tổ chức một kì thi quốc gia” là một nội dung quan trọng nằm trong chương trình hành động của Chính phủ được lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định lại trong cuộc họp báo ngày 18-6.

Trên cơ sở thực tiễn của đổi mới kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định đang xây dựng phương án đổi mới thi theo hướng tổ chức một kì thi quốc gia.

Giải thích thêm về “một kì thi”, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết “Tổ chức một kì thi không có nghĩa là bỏ bớt đi một trong hai kì thi hiện nay (kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ) mà là một kì thi sử dụng cho hai mục đích.

Trên thực tế khi Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH-CĐ có phương án tự chủ tuyển sinh, đã có một số trường sử dụng kết quả của kì thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào. Các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng kết quả kì thi quốc gia hoặc tổ chức kì thi riêng, có thể lấy một phần kết quả hoặc tất cả kết quả thi của thí sinh, đó là việc không quy định bắt buộc” - ông Hiển nói thêm.

Phương án tổ chức một kì thi sẽ được công bố sớm để trưng cầu ý kiến xã hội và có khoảng thời gian cần thiết cho thầy, trò trong các nhà trường phổ thông chuẩn bị.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề thi cho kì thi quốc gia sẽ phải có tính phân hóa cao hơn, tăng cường các câu hỏi mở, các câu hỏi đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, hiểu biết thực tế của người học.

Vì thế, trước mắt là phải xây dựng định hướng cho việc tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá trong quá trình ngay trong năm học 2014-2015 và các năm tiếp theo.

Trước băn khoăn liệu đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, trong đó đặc biệt lưu ý ở đề thi văn, có sự tiếp nối với những đổi mới đã triển khai ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua hay không, ông Mai Văn Trinh “bật mí” một cách rất dè chừng: “Để hướng tới mục tiêu có kỳ thi chung, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ có những đổi mới đồng bộ, cộng hưởng với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sự đồng bộ ấy bảo đảm không làm khó học sinh. Tuy nhiên, đề thi cụ thể thế nào xin thông cảm là không thể nói rõ thêm. Ban đề thi sẽ có trách nhiệm ra đề bảo đảm đúng quy chế” - ông Trinh nói.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp