Sẽ có luật về lập hội, biểu tình
TTO - Sáng nay 9-12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo về lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) và nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp.
Phóng to |
Ông Phan Trung Lý phát biểu tại cuộc họp báo - Ảnh: V.V.Thành |
Tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu rõ nhiều người cứ tưởng là làm Hiến pháp phải có cái gì thay đổi lớn về bộ máy, về tổ chức, nhưng chúng ta từ đầu đã xác định rằng nguyên tắc tổ chức bộ máy là giữ vững, nguyên tắc tổ chức của hệ thống chính trị là giữ vững, để chúng ta tiếp tục nâng đổi mới lên một bước, tiếp tục khẳng định nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân...
Dưới đây là một số nội dung chính của cuộc họp báo.
* Báo Tuổi Trẻ: Hiến pháp (sửa đổi) có quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia, hội đồng này có gì khác so với Hội đồng bầu cử trung ương trước đây?
- Ông Phan Trung Lý: Cả hai thiết chế này đều nhằm tổ chức cuộc bầu cử. Hội đồng bầu cử trung ương trước đây được quy định ở Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, và được thành lập ở mỗi kỳ bầu cử để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đó.
Thành phần của Hội đồng bầu cử trung ương là đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các tổ chức Đảng, Chính phủ, MTTQ…
Hội đồng bầu cử trung ương lâu nay hoạt động tốt, tuy nhiên do chỉ được thành lập ở mỗi lần bầu cử nên hoạt động cũng chỉ trong cuộc bầu cử đó thôi. Bầu cử xong thì giải thể. Những việc khác lại giao cho Quốc hội, ví dụ việc thẩm tra tư cách đại biểu.
Ở một giai đoạn nhất định đơn thư tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội được chuyển cho Quốc hội, sau đó Quốc hội thành lập Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu. Tuy các đại biểu lúc đó chưa biết tư cách của bản thân như thế nào, nhưng Quốc hội thành lập Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu để tự thẩm tra lấy 500 vị đại biểu vừa được bầu ra.
Với Hội đồng bầu cử quốc gia lần này thì Hiến pháp chưa quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, sau này luật sẽ quy định. Nhưng trong Hiến pháp lần này đã quy định các nét cơ bản, theo đó Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ, quyền hạn với không gian và thời gian rộng hơn so với Hội đồng bầu cử trung ương trước đây.
* Báo Tuổi Trẻ, Vietnamnet: Tới đây sẽ có những đạo luật nào được soạn thảo để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, với các đạo luật về quyền lập hội, quyền biểu tình thì sao?
- Ông Phan Trung Lý: Khi làm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ này, cũng như cho các năm tiếp theo thì đã trù liệu những dự án luật cần phải chuẩn bị để đáp ứng được yêu cầu sửa đổi Hiến pháp lần này. Sắp tới đây sẽ bổ sung một số dự án luật khác.
Liên quan đến các quyền cụ thể, ví dụ như luật lập hội, luật biểu tình, thực ra đây không phải vấn đề mới, chúng ta đã đưa vào chương trình nhưng do việc chuẩn bị và Quốc hội thấy khâu chuẩn bị chưa thật chất lượng, chưa đạt yêu cầu, nhưng trong chương trình thì các luật này đã có. Và theo yêu cầu của Hiến pháp lần này thì các luật đó cũng như các luật khác sẽ có.
* Báo Đầu Tư: Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, vậy kinh tế nhà nước có đồng nghĩa với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không?
- Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc: Không đồng nhất hai khái niệm này, mặc dù DNNN là một cấu thành nòng cốt trong kinh tế nhà nước. Vấn đề khi làm Hiến pháp là thể chế hóa cương lĩnh và đưa vào Hiến pháp như thế nào.
Trong quá trình thảo luận có nhiều phương án, đến phương án cuối cùng từ Hội nghị Trung ương và cho đến Quốc hội đều nhất trí giữ lại quy định như đã thể hiện ở điều 51 “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Khoản 2 của điều này không nói “các thành phần kinh tế bình đẳng” mà quy định là “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”. Kinh tế nhà nước ngoài cấu phần là DNNN còn có ngân sách nhà nước, ngân hàng nhà nước… Không bao giờ chúng ta dùng ngân sách nhà nước, ngân hàng nhà nước… đi cạnh tranh với thành phần kinh tế tư nhân.
Khoản 3 của điều này đề cập tới các doanh nghiệp, doanh nhân nói chung. Trong Hiến pháp nước ta không có từ nào là DNNN.
* Tạp chí Dân chủ và pháp luật: Chương về chính quyền địa phương quy định “cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND”. Hiến định như vậy có phải là bỏ thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không?
- Ông Phan Trung Lý: Trước đây Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở 10 tỉnh, thành. Hiện chưa được tổng kết chính thức, trong năm 2014 sẽ tổng kết. Chưa thể nói như vậy là hủy bỏ kết quả thí điểm, kết quả thí điểm sẽ thiết thực cho công việc sắp tới.
Như tôi đã nói là Hiến pháp quy định “tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương”, đó vẫn là cửa ngỏ…
* Báo Đầu Tư: Có thông tin cho rằng trước đây xây dựng Hiến pháp 1992 thì chi phí hết mỗi chữ một chỉ vàng? Vậy chi phí cho Hiến pháp lần này là bao nhiêu?
- Ông Phan Trung Lý: Nhà báo có nêu một ý kiến nào đó phản ánh về chi phí cho việc xây dựng Hiến pháp 1992, tôi hiểu đây không phải là con số tổng kết chính thức, không ai tổng kết như vậy. Các nhà báo lưu ý để không tuyên truyền cho dư luận không đúng.
Vấn đề làm Hiến pháp là văn bản rất quan trọng của quốc gia, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Do đó chi phí được thể hiện qua chi phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan, thông qua hoạt động của các cơ quan đó tham gia làm Hiến pháp.
Ví dụ như Bộ Tư pháp hạch toán tham gia làm Hiến pháp hết bao nhiêu thì chắc là không có. Hoạt động này được hạch toán trong ngân sách nhà nước đối với nhiệm vụ chi thường xuyên của các cơ quan cụ thể, với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận