Nhiều công nhân đã mua được căn hộ trong khu nhà ở xã hội tại quận Bình Tân, TP.HCM với giá 500 triệu đồng Ảnh: HỮU HẠNH
Nhiều chuyên gia nhận định đây sẽ là sự đột phá về chính sách nhà ở, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ hiện nay.
Mơ một mái nhà
Có bảy năm thâm niên làm công nhân, nếu được tăng ca đều đặn, thu nhập của chị Hoàng Thị Dương (quê Tuyên Quang), công nhân công ty điện tử (Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang), dao động khoảng 8 triệu đồng/tháng. Chồng chị Dương cùng làm công nhân, tiền lương nhận về mỗi tháng cũng gần 8 triệu đồng.
Cả gia đình chị Dương đang sống trong căn phòng trọ rộng khoảng 12m2 vừa đủ kê chiếc giường, bếp gas mini, tủ quần áo. Tối đến nếu đặt thêm chiếc xe máy cũ, hai vợ chồng chị coi như hết lối đi. Con cái thì gửi về quê cho ông bà chăm, nhiều năm làm xa nhà, chị Dương cho hay không thể gắn bó mãi với công ty do điều kiện sống bấp bênh.
"Công nhân như chúng tôi rất muốn mua nhà ở trả góp nhưng hầu như số tiền dành dụm được hằng tháng chỉ đủ để đóng tiền nhà, cho con ăn học, trang trải phát sinh cuộc sống, dư dả không được là bao. Hai vợ chồng tôi cố làm thêm năm nữa rồi về quê sống. Ở quê có nhà rồi, chẳng phải lo nghĩ gì cả. Với giá nhà hiện nay, công nhân ngoại tỉnh mấy ai mua được nhà. Người ta đi xuất khẩu lao động nước ngoài còn có thể nhưng với chúng tôi là điều rất khó", chị Dương nói.
Tương tự, nhiều năm làm công nhân tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh), chị Bùi Thị Hường (quê Hòa Bình) bỏ về quê được mấy tháng nay vì không thể "an cư lạc nghiệp". Thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng, chị Hường chắt bóp lắm mới có thể để dư được vài triệu đồng cho ba con nhỏ ăn học ở quê.
"Chồng tôi cũng là công nhân nhưng lương thấp lắm không thể đưa các con xuống sống cùng bố mẹ vì phòng trọ chật chội. Tiền ăn học ở Quế Võ cũng cao hơn nhiều so với ở quê", chị Hường chia sẻ.
Đồ họa: N.KH.
Các con ngày một lớn, lương công nhân không thể giúp vợ chồng "mua đất, cất nhà", chị Hường đành về quê, còn chồng vẫn tiếp tục ở lại làm công ty. Chị Hường chia sẻ hai vợ chồng từng có ý định tích cóp tiền mua nhà ở xã hội rồi gắn bó luôn với đời công nhân nhưng rồi không thể thực hiện được.
"Lương thấp là một chuyện, để mua được nhà ở xã hội cũng không phải điều dễ dàng...", chị Hường ngậm ngùi cho hay.
Cũng như chị Hường, nhiều công nhân có con nhỏ sống tại các xóm trọ tồi tàn ở xã Võng La, Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết nếu đời sống không được cải thiện thì họ sẽ ở lại thêm một vài năm kiếm "ít vốn" rồi về quê làm nông. Và không chỉ ở các khu công nghiệp mà nhiều công nhân môi trường tại Hà Nội cũng có gia cảnh khó khăn khi phải đi thuê nhà vì chưa có tiền mua nhà. Với họ, để thuê một căn hộ có nơi đặt bếp nấu ăn, nhà vệ sinh khép kín là điều quá xa vời.
Chị Vũ Thị Hòa (42 tuổi), công nhân môi trường Hà Nội, bắt đầu công việc từ lúc 4h sáng đến 11h trưa. Làm công nhân vệ sinh môi trường tiền lương của chị Hòa ở mức 5 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm nghề lái xe ôm nên thu nhập không ổn định.
Với nguồn thu ít ỏi trong khi chị phải nuôi hai con đang độ tuổi ăn học dù gắng gượng nhiều năm, vợ chồng chị Hòa vẫn chưa thể thuê một căn hộ "tử tế" cho cả gia đình. Hiện cả gia đình chị Hòa đang sống ở một căn nhà tạm lụp xụp trên miếng đất đi mượn của người thân nằm trong con ngõ sâu ở đường Hữu Hưng (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
"Bao nhiêu năm thấy vợ chồng làm lụng vất vả trong khi con cái đang tuổi ăn học nên người quen thương cho mượn miếng đất làm cái nhà tạm lấy nơi tá túc. Thú thực là tôi chỉ mong đủ tiền ăn học cho các cháu, chẳng dám mơ mua nhà, có tiền sửa túp lều này để mưa không dột vào là vui lắm rồi", chị Hòa nói.
Trẻ em trong khu trọ nô đùa sau giờ học tại một xóm trọ dưới chân cầu Thăng Long (ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) - Ảnh: QUANG THẾ
Mở ra nhiều cơ hội
Để công nhân, người thu nhập thấp tại các đô thị có nhà ở, mới đây Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án đầu tư xây dựng khoảng 1,8 triệu căn nhà xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp ở các đô thị lớn trong thời gian từ nay đến năm 2030.
Theo khảo sát của hơn 40 địa phương trên cả nước thì nhu cầu nhà ở của công nhân và người thu nhập thấp tại các đô thị trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 2,6 triệu căn. Số nhà 1,8 triệu căn dự kiến xây dựng dành riêng cho công nhân, người thu nhập thấp trong đề án dù chưa đáp ứng được hết nhu cầu nhưng sẽ có hàng triệu người được tạo lập nhà ở trong những năm tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Lập, viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Việt Nam, cho rằng việc thực hiện thành công đề án trên trong những năm tới sẽ tạo bước đột phá về phát triển nhà ở.
"Mới đây, Thủ tướng đã ban hành các chính sách về phát triển nhà ở xã hội, tôi hy vọng sẽ có những đột phá hơn, thu hút nhiều chủ đầu tư bỏ tiền vào phát triển nhà ở xã hội. Sắp tới dòng vốn sẽ ưu đãi vào đó, đồng thời chính sách về lợi nhuận trong xây dựng nhà ở xã hội sẽ được cân đối lại. Khi chính sách thông thoáng hơn thì chắc chắn sẽ có nhiều chủ đầu tư tham gia", ông Lập nói.
Và ông Lập nêu ví dụ, hiện đã có nhiều chủ đầu tư lớn đặt hàng thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với Bộ Xây dựng. Trong đó đáng chú ý có Vingroup cam kết xây 500.000 căn nhà, Novaland cam kết xây khoảng 200.000 căn nhà, Him Lam cam kết xây 75.000 căn nhà và nhiều chủ đầu tư khác như Sungroup, Bitexco... cũng cam kết bỏ vốn đầu tư nhà ở xã hội. Vì thế, mục tiêu xây 1,8 triệu căn nhà những năm tới hoàn toàn có thể đạt được.
Đồ họa: N.KH.
Còn theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, việc tăng mạnh nguồn cung nhà ở xã hội những năm tới sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở cho số đông người dân có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. Đây là một tín hiệu tốt về nguồn cung thị trường, nhắm đúng đối tượng có nhu cầu ở thật. Việc tăng thêm hàng triệu căn nhà ở xã hội sẽ giải quyết bài toán thị trường nhà ở hiện nay đang "thừa khúc trên mà thiếu khúc dưới".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định việc xây thêm 1,8 triệu căn nhà từ nay đến năm 2030 không quá nhiều vì nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân, người thu nhập thấp sống ở đô thị hiện nay rất lớn. Dự báo đến năm 2025 cả nước có khoảng 500 khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động. Trong khi khu nào cũng có từ 4 - 5 vạn công nhân làm việc.
Và theo ông Đính: "Nhu cầu rất lớn nhưng những năm qua chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Điều này dẫn đến thực trạng phát sinh rất nhiều khu nhà trọ cấp 4, xập xệ mọc lên không theo quy chuẩn, chất lượng sống của người công nhân rất thấp.
Vì thế, giải bài toán nhà ở xã hội là vấn đề an sinh xã hội nên có bàn tay của Nhà nước. Cần tạo ra cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi tối đa cho phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu chỗ ở của số đông người dân hiện nay".
* Ông Bùi Xuân Dũng (cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng): Ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng
Từ nay đến năm 2025 số lượng phát triển nhà ở xã hội tăng không nhanh nhưng trong giai đoạn 2025 - 2030 dự báo sẽ phát triển đột phá. Trước hết, về cơ chế chính sách thì cả Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản đang sửa cùng một lúc, dự kiến đến tháng 10-2023 sẽ được Quốc hội thông qua, các luật này có hiệu lực vào tháng 7-2024. Khi có được hành lang pháp lý thuận lợi thì phát triển nhà ở xã hội sẽ có đột phá.
Một trong những điểm mới của đề án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị lần này là các dự án phát triển hạ tầng, tạo lập quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội sẽ được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ việc đầu tư hạ tầng các dự án nhà ở xã hội như hỗ trợ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ thực hiện dự án kết nối giao thông, điện nước, xây trường học, công viên, khu vui chơi phục vụ các dự án nhà ở xã hội.
Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cũng được đưa vào chương trình phát triển kinh tế chung của địa phương hằng năm, năm năm, đây là một nhiệm vụ chính trị của các địa phương trong những năm tới.
Doanh nghiệp quan tâm, người dân được lợi
Các khu nhà trọ dành cho công nhân hiện tại đa số nhà vệ sinh chung, rất bất tiện những giờ tan ca (ảnh chụp tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội) - Ảnh: QUANG THẾ
Nhìn từ góc độ thị trường, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng giai đoạn vừa qua thị trường bất động sản mất cân đối cung cầu, phân khúc cao cấp dư thừa nguồn cung, giá cao, thậm chí ảo nhiều nên giao dịch thành công rất thấp.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã nhìn thấy thị trường thật nên thời điểm này họ sẵn sàng bắt tay làm nhà ở xã hội. Trong các phân khúc hiện nay, nhu cầu nhà ở thực lớn nhất là nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp nên không có lý do gì các doanh nghiệp bất động sản lớn bỏ qua cơ hội này.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Lập cho hay các chủ đầu tư lớn đã nghiên cứu rất kỹ thị trường bất động sản hiện nay và nhìn ra thị trường nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, cho công nhân. Đây sẽ là phân khúc chủ đạo cung ứng nguồn cung sơ cấp cho thị trường trong những năm tới.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà làm nhà ở xã hội vì gặp quá nhiều vướng mắc. Giờ Chính phủ và các bộ đang sửa đổi chính sách phát triển nhà ở xã hội theo hướng tạo đột phá về chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn về khống chế lợi nhuận, các điều kiện ràng buộc trong bán nhà nên sẽ thu hút nhiều hơn sự quan tâm của doanh nghiệp.
Với sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn trong ngành bất động sản thì mục tiêu xây 200.000 căn nhà/năm trong đề án là không quá khó.
Tuy nhiên để thực hiện thành công đề án phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, ông Đính kiến nghị Nhà nước phải giải quyết các vấn đề vướng mắc lâu nay như tạo quỹ đất, hướng tới phát triển những khu dân cư có đồng bộ hạ tầng xã hội, chất lượng sống phải tốt với đầy đủ tiện ích như công viên, trường học, khu thể thao, bãi đỗ xe... Đồng thời cần có cơ chế tiếp cận vốn thuận lợi và phải tính toán hài hòa để nhà đầu tư tự quyết về giá bán.
Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng vướng mắc lớn nhất cần tháo gỡ để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay là vấn đề thủ tục đầu tư các dự án. Việc sửa đổi Luật nhà ở và các quy định hướng dẫn luật thời gian tới cần tạo cơ chế thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội đơn giản, nhanh gọn hơn thủ tục đầu tư nhà ở thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận