18/01/2019 11:11 GMT+7

'Sẻ chia nước sạch': Món quà xuân thiết thực, nhân ái

THANH HƯƠNG
THANH HƯƠNG

TTO - Quà xuân có thể là dòng nước sạch được dẫn ống về tận nhà bà con vùng sâu, vùng cao. Món quà từ chương trình “Sẻ chia nước sạch” do báo Tuổi Trẻ phát động thật sự là một món quà xuân thiết thực và nhân ái.

Sẻ chia nước sạch: Món quà xuân thiết thực, nhân ái - Ảnh 1.

Nghĩ về nước, ai cũng dễ hình dung nước mình nơi nào cũng có sông suối, kênh rạch, nhưng nước ngọt và nước sử dụng được cho sinh hoạt hằng ngày (tạm gọi là nước sạch) thì không phải nơi nào cũng có.

Sự sẻ chia từ chương trình này, tôi nghĩ không chỉ có giá trị vật chất. Đó là câu chuyện chất lượng cuộc sống từ chuyện cơ bản nhất: ai cũng cần nước sạch để ăn sạch, uống sạch, tắm sạch...

Món quà thiết thực

Và nguồn nước hôm nay đang cạn kiệt dần, nước sạch đã thiếu trầm trọng hơn khi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi. Tôi từng đọc được thông tin từ các chuyên gia và nhóm nhà khoa học đến năm 2025 tổng lượng nước của VN sẽ giảm 5 - 10%. Đến những năm cuối của thế kỷ này, con số đó sẽ ở khoảng 25%. Tình trạng khô kiệt sẽ diễn ra trên diện rộng, ngày càng nhiều người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, an ninh nguồn nước bị đe dọa và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Còn câu chuyện hôm nay: có những miền quê xa người dân vẫn đi mua từng bình nước sạch để ăn uống hằng ngày. Có những thôn làng nước không thiếu nhưng ô nhiễm nặng, mấy mươi năm qua người dân vẫn nấu nướng tắm giặt bằng nước nhiễm phèn, mặn từ kênh rạch, giếng khơi... Những hình ảnh học sinh Sơn La, Đắk Nông, Vĩnh Phúc... vui mừng khi dòng nước sạch về trường, từ nay các em sẽ có nước rửa tay, nước uống hợp vệ sinh.

Có câu chuyện ngay giữa ĐBSCL mênh mông sông nước, bà con ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre vẫn tắm giặt, thậm chí vo gạo nấu ăn bằng nước kênh... Có câu chuyện ở thôn Long Bình 2, xã An Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, nơi người dân cả đời sống cùng dòng nước nhiễm phèn, hoặc đang sống cùng nỗi lo âu về nguồn nước nhiễm độc tố ở huyện Krông Nô (Đắk Nông).

Những bài viết từ chương trình "Sẻ chia nước sạch" trên Tuổi Trẻ kể những câu chuyện rung cảm lòng người. Ăn, uống hằng ngày bằng nguồn nước sạch hóa ra là ước mong mấy mươi năm của bà con. Và câu chuyện xâm nhập mặn đang đe dọa chất lượng cuộc sống người dân vùng sông nước là khó khăn đã thấy ngay trước mắt.

Món quà nhân ái

Thời điểm mấy năm trước, khi tỉnh Ninh Thuận bị hạn nặng, một lần rót ly nước sạch ở cơ quan (cơ quan tôi đặt mua nước tinh khiết), tôi thấy mình còn thật quá may mắn. Cũng thấy mình đã thờ ơ, đã chưa từng nghĩ ở đâu đó trẻ thơ thiếu từng ly nước sạch. 

Và câu chuyện hôm nay, tôi hình dung một cái tết họp mặt gia đình với những món ăn ngon hơn được chế biến từ nước sạch, an tâm hơn khi biết rõ nguồn nước mình sử dụng là nước sạch, tôi nghĩ đây thật sự là một món quà thiết thực nhất của chương trình này. Những công trình từ chương trình "Sẻ chia nước sạch" của báo Tuổi Trẻ mang đến "món quà" thiết thực nhất cho bà con kịp lúc xuân về...

Người ta nói nhiều về những lý do khiến nguồn nước sạch cạn kiệt dần, trong đó có lý do lớn là từ tác động của con người dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu. Với bà con và học trò ở vùng cao, vùng sâu, tôi tin rằng sự tác động của họ đến việc thay đổi môi trường, đến tình trạng hạn - mặn là rất ít, nếu muốn nói là gần như không có. Chương trình "Sẻ chia nước sạch" đã tìm đến những cộng đồng người dân khó khăn nhất, một sự chia sẻ đậm tính nhân ái.

Sự sẻ chia không chỉ đến với bà con vùng được hỗ trợ công trình nước sạch. Câu chuyện về những làng quê thiếu nước sạch có thể giúp người thành thị suy nghĩ khác hơn, sinh hoạt tiết kiệm hơn, dè sẻn nguồn nước quý giá đang vơi dần. Những câu chuyện và cũng có cả những giải pháp sống cùng với thay đổi khắc nghiệt của khí hậu (hạn hán, nhiễm mặn) cho ngày mai.

Giữ gìn món quà quý

Tôi cảm động với câu chuyện về công trình ở Sơn La (bài "Nước sạch nơi xa, nay đã hóa gần", Tuổi Trẻ ngày 11-12-2018), phụ huynh phấn khởi, sốt sắng chung tay làm đường dẫn ống nước sạch từ núi cao về trường, vì ở đó con trẻ đang hằng ngày khát nước sạch. Cũng thấy vui lây với niềm vui của học trò những trường học được hỗ trợ công trình nước sạch.

Mong những công trình hôm nay được gìn giữ như "món quà quý" để giữ dòng nước quý giá lâu dài. Và hay hơn nữa nếu có thêm thật nhiều công trình hỗ trợ nước sạch cho người dân vùng thiếu nước sạch cả nước, để ý nghĩa những chương trình như "Sẻ chia nước sạch" được lan tỏa rộng hơn.

Chương trình “Sẻ chia nước sạch” 2018 do báo Tuổi Trẻ phát động với sự đồng hành của nhãn hàng Comfort 1 lần xả, Công ty Unilever nhằm hỗ trợ nước sạch cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt. Chương trình đã thực hiện 8 công trình cung cấp nước sạch cho các trường học và khu dân cư ở 8 tỉnh: Bạc Liêu, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Cà Mau, Đắk Nông, Vĩnh Phúc và Ninh Thuận.
Cả làng chung vui dòng nước sạch

TTO - Hệ thống cấp nước sinh hoạt giúp dân chống hạn đã thi công hoàn thành và bàn giao cho hơn 100 hộ dân hai tổ 3 và 4, thôn Long Bình 2, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).

THANH HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp