Cán bộ y tế hiến máu nhân đạo tại Bệnh viện Huyết học - truyền máu Cần Thơ ngày 9-2 - Ảnh: THÁI LŨY
Đây là lần đầu tiên Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có lời kêu gọi công chức, viên chức, người lao động cả nước tham gia hiến máu cứu người. Hi vọng trong tháng 2 và tháng 3-2020 sẽ có thêm 500.000 đơn vị máu - ông Hiểu bày tỏ.
Lời kêu gọi lần đầu tiên
Là thành viên Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, ông Hiểu cho biết trong khi nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện cho người bệnh sau dịp Tết Nguyên đán tăng cao thì nay lại thiếu máu trầm trọng.
Theo ông Hiểu, đây là lần đầu tiên Công đoàn Việt Nam kêu gọi toàn hệ thống công đoàn trên phạm vi cả nước tích cực tuyên truyền, hưởng ứng, tham gia hiến máu tình nguyện để cứu người. Đây cũng là lần đầu tiên cơ quan này chỉ đạo, kêu gọi người lao động hiến máu cứu người một cách đại trà, tập trung, có những chỉ tiêu cụ thể.
"Trước mắt, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị mỗi công đoàn cấp trên cơ sở và khuyến khích các công đoàn cơ sở có điều kiện tổ chức ít nhất một ngày hiến máu tình nguyện tại địa bàn, đơn vị mình.
Mỗi công đoàn khối công chức, viên chức từ trung ương đến địa phương phấn đấu đạt từ 20-30% đoàn viên công đoàn, người lao động tham gia hiến máu trong tháng 2 và tháng 3-2020" - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ vọng.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến hiến máu
TS Ngô Mạnh Quân - phó giám đốc Trung tâm máu quốc gia, trưởng khoa vận động hiến máu (Viện Huyết học và truyền máu trung ương) - cho biết trên phạm vi cả nước, dao động trước và sau rằm tháng giêng, các cơ sở tiếp nhận máu đều sụt giảm khả năng cung cấp máu, vì tổng dự trữ máu ở thời điểm trước Tết Nguyên đán thường khó khăn, năm nay càng rất khó khăn.
"Tháng Tết dương lịch và âm lịch năm 2020 rất gần nhau, vì thế hầu hết các cơ sở dự trữ không đủ theo kế hoạch. Đến sau Tết Nguyên đán cho tới rằm tháng giêng, rất nhiều cơ quan chưa thể tổ chức hiến máu, số người hiến máu cũng rất ít, vì thế phải đến ngày 20 tháng giêng, khi lễ hội Xuân Hồng được tổ chức thì kho máu mới bớt thiếu" - TS Quân cho hay.
Cũng theo TS Quân, năm nay có thêm khó khăn từ thời điểm trước tết, đó là sự bùng phát của dịch nCoV, trong đó đã công bố dịch ở một số tỉnh, vì thế cũng gây hệ lụy tới phong trào hiến máu.
Tại một số địa phương, người dân ngại đến những chỗ đông người, các hoạt động tập trung đông người đều trì hoãn, trong đó có cả hoạt động hiến máu cũng bị ảnh hưởng. Nhiều đơn vị dự kiến hiến máu trong tháng 2-2020 nhưng đều báo lại là không tiếp tục thực hiện được.
Tiếp nữa là nhiều trường ĐH đã nghỉ học dài ngày trong khi sinh viên chiếm tới 50% lực lượng tham gia hiến máu, khi sinh viên chưa đi học thì rất "căng" về lượng máu hiến. Chưa kể, nhiều người dân hiến máu ở Hà Nội và các địa phương cũng ngại đến chỗ đông người, vì vậy lượng máu hiến cũng giảm.
Lê Thị Hiền (Thanh Hóa) hiến máu trong chiều 11-2, đây là lần thứ 9 Hiền hiến máu cứu người - Ảnh: MAI THƯƠNG
Có cải thiện, nhưng vẫn cần lắm
Theo TS Quân, những ngày gần đây số người đến hiến máu có tăng lên, những ngày cuối tuần rồi có khoảng 1.000 người đến Viện Huyết học truyền máu trung ương hiến máu, còn các điểm cố định của viện có khoảng 100 người đến hiến máu, giúp cải thiện sự thiếu hụt máu.
"Chúng tôi cũng đã ghi nhận được thông tin các trung tâm hiến máu ở TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế cũng tăng về số lượng người hiến máu, cải thiện việc cung cấp máu cho cấp cứu. Tuy nhiên, do tiên lượng khó khăn từ dịch nCoV nên chúng tôi tiếp tục kêu gọi người dân đăng ký, đến điểm hiến máu cứu người" - ông Quân nói.
Theo ghi nhận tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương, những ngày đầu tuần tới nay đều có từ 400-500 người đến hiến máu, riêng ngày 11-2 có khoảng 800 người đến hiến máu.
Ngày 11-2, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt - giám đốc Bệnh viện Huyết học và truyền máu Cần Thơ - cho biết tình hình thiếu máu cấp cứu tại Cần Thơ đã tạm thời được khắc phục khi những ngày qua mỗi ngày có hàng trăm người đến bệnh viện hiến máu.
Trước đó, ngay sau tết, lượng máu của ngân hàng máu Bệnh viện Huyết học sụt giảm nghiêm trọng, chỉ cung cấp 40% nhu cầu các bệnh viện, nhiều người bệnh phải chờ máu, trong đó nhóm máu O thuộc nhóm báo động đỏ.
Trước tình hình này, nhiều bệnh viện trên địa bàn đã phát đi thông báo khẩn kêu gọi cán bộ, nhân viên, người nhà bệnh nhân đăng ký hiến máu. Chỉ trong thời gian từ ngày 7-2 đến nay, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ đã vận động cán bộ nhân viên, người nuôi bệnh, người thân đến tham gia hiến máu, trong đó có Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Trường ĐH Y dược Cần Thơ, các sở, ban ngành của thành phố...
Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt cho biết hiện mỗi ngày tại bệnh viện và cộng đồng có hàng trăm người tham gia hiến máu. Tổng từ ngày phát động (7-2) đến nay ngân hàng máu đã thu được gần 1.600 đơn vị máu. Tạm thời lượng máu đã đủ cung cấp cho công tác cấp cứu, riêng việc cấp máu cho điều trị bệnh lý khác vẫn còn phải chờ vì chưa có đủ máu cung cấp.
Tại TP.HCM, những ngày qua nhiều nhóm thiện nguyện của công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM (Q.9) đã đề xuất tổ chức hiến máu vào dịp cuối tuần để công nhân, người lao động tham gia hiến máu nhân đạo. Ông Nguyễn Minh Đức - chuyên trách công đoàn Khu công nghệ cao - cho biết công đoàn đã liên hệ với hội chữ thập đỏ quận để tổ chức hiến máu cho công nhân, người lao động đang làm việc trong khu.
"Trước tình hình dịch bệnh, chúng tôi không phát động hiến máu rộng rãi tại các doanh nghiệp. Việc hiến máu dự kiến được tổ chức tại Nhà văn hóa lao động Khu công nghệ cao, người lao động đến hiến máu sẽ tự trang bị khẩu trang để phòng tránh lây lan dịch bệnh" - ông Đức cho biết thêm. (V.THỦY)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận