Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp - Ảnh: AN ĐĂNG |
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cùng với việc trình dự án luật này, Bộ Tư pháp đã có tổng kết kỹ lưỡng 13 năm thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và những vấn đề đặt ra trong dự án luật lần này đều được xã hội rất quan tâm. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dự thảo luật sửa đổi đưa vào những vấn đề đang được coi là rất nhạy cảm.
Không cấm nhưng không thừa nhận
Về kết hôn giữa những người cùng giới tính, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói pháp luật hiện hành quy định cấm, lần này ban soạn thảo dự án luật đề xuất bỏ điều cấm, đồng thời không công nhận vì trong luật đã định nghĩa kết hôn là việc “nam và nữ” xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Theo bộ trưởng Bộ Tư pháp, trên thế giới chỉ có một số ít nước công nhận, nhưng không cấm là xu thế chung. Đây cũng là vấn đề mà các tổ chức quốc tế quan tâm theo hướng nếu nước nào xóa bỏ điều cấm này thì được coi như có đột phá về việc thực hiện tốt hơn quyền con người, bảo vệ những người yếu thế.
Theo số liệu nghiên cứu khoa học được dẫn ra tại phiên họp, hiện ở Việt Nam có khoảng 3% dân số (từ 15-59 tuổi) là người đồng tính, nghĩa là khoảng 1,65 triệu người.
Trong tờ trình Chính phủ của Bộ Tư pháp có nêu hai loại ý kiến khác nhau về kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Ý kiến thứ nhất cho rằng việc thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính cần phải có lộ trình nhất định và trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay thì Nhà nước chưa nên thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Tuy nhiên, Luật hôn nhân và gia đình cũng cần được sửa đổi, bổ sung để góp phần vừa ngăn chặn thái độ kỳ thị đối với những người cùng giới tính, vừa tạo cơ sở pháp lý để giải quyết hậu quả của việc sống chung như vợ chồng giữa người cùng giới tính đã và đang có trên thực tế.
Ý kiến thứ hai cho rằng quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân, cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành. Bộ Tư pháp đồng ý với ý kiến thứ nhất.
Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Dự thảo luật cũng quy định trong trường hợp người vợ mang thai và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo nguyên tắc chung về xác định con chung của vợ chồng. Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân mang thai và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra, trừ trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì xác định con được sinh ra là con của người nhờ mang thai hộ.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định ban soạn thảo dự án luật đã có đánh giá tác động rất kỹ đối với quy định liên quan đến việc mang thai hộ, không cho phép mang thai hộ mang tính thương mại mà chỉ được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo với những điều kiện chặt chẽ. Theo dự thảo luật, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ được áp dụng đối với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải tuân thủ các điều kiện do luật này và pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản quy định.
Một trong những nội dung mới của dự án luật là chế định về ly thân. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Luật hôn nhân và gia đình hiện hành chưa có chế định này, nhưng thực tế cuộc sống đã và đang diễn ra các trường hợp vợ chồng mặc dù chưa đến mức ly hôn nhưng sống ly thân. Chính vì không có chế định nên không rõ quyền, nghĩa vụ của các bên, do đó cần thiết đưa vào luật quy định quyền của vợ, chồng hoặc hai vợ chồng trong việc yêu cầu ly thân, tạo điều kiện cho các bên nếu phải sống ly thân thì đúng luật pháp và có trật tự, đồng thời có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử bày tỏ quan điểm cá nhân không đồng tình việc bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Bộ trưởng Giàng Seo Phử cũng cho rằng chưa nên cho phép mang thai hộ. Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại cho rằng nên ủng hộ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nếu không cho phép thì sẽ có dịch vụ lậu.
Kết luận phần thảo luận về các nội dung nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng ngày, Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng; định hướng xây dựng dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Chính phủ sẽ xin Quốc hội lùi thời gian trình theo dự kiến để nghiên cứu kỹ hơn.
* Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Từ năm 2016, người dân không phải cầm giấy tờ gì cả Coi mã số định danh cá nhân như “chìa khóa” tạo ra đột phá quan trọng trong quản lý, nhưng Chính phủ vẫn thống nhất quan điểm về sự tồn tại đồng thời của hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý và hộ khẩu do Bộ Công an quản lý. Ngày 13-8, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật hộ tịch, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định nếu được Quốc hội chấp thuận luật này thì từ năm 2016 người dân không phải cầm một giấy tờ gì cả. Tuy nhiên, câu hỏi chung của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng “có mã số định danh cá nhân thì người dân sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ?” thì chưa nhận được câu trả lời. “Số định danh cá nhân chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào sổ bộ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật. Về bản chất, số định danh cá nhân được coi như “chìa khóa” để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác. Đồng thời, khi chúng ta xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân có một số định danh, sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý dân” - ông Cường giải thích. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lập tức đặt câu hỏi: “Công dân hiện có quá nhiều loại giấy tờ (hơn 20 loại khác nhau), vấn đề lớn nhất là làm sao để giảm bớt giấy tờ mà công dân đang phải mang vác suốt cả cuộc đời người ta. Vậy số định danh cá nhân sẽ làm giảm bao nhiêu loại giấy tờ?”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Luật này lần trước bị gác lại cũng chỉ mấy câu hỏi như vậy. Vẫn còn chứng minh nhân dân, vẫn còn hộ khẩu, các giấy tờ còn tất, thế mà “ông” bảo là làm lợi cho dân... Tưởng là ra cái luật này thì bớt được giấy tờ cho dân, nhưng chưa thấy bớt cái gì cả”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết hiện Chính phủ đã phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu về dân cư đến năm 2020. Theo đó, sẽ bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia từ 1-1-2016, nêu rõ lộ trình là từ thời điểm này những người mới sinh ra sẽ được cấp số định danh cá nhân và đến năm 2020 tất cả công dân đều được cấp số định danh công dân. “Nếu luật này được thông qua thì từ năm 2016 người dân không phải cầm giấy tờ gì cả mà bất cứ khi nào người dân cần thì sẽ được Nhà nước sao trích lục để cấp ngay. Tiến tới mỗi công dân chỉ cần một thẻ điện tử, chỉ cần soi vào đó là có tất cả thông tin của một cá nhân” - ông Cường nói. Do không trả lời được câu hỏi sau khi ra luật này thì những loại giấy tờ nào còn tồn tại và những loại giấy tờ nào không còn tồn tại, liệu hộ tịch có thay thế được hộ khẩu không?..., dự án Luật hộ tịch tiếp tục bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội gác lại, yêu cầu Chính phủ chuẩn bị tiếp. “Các đồng chí rà lại các loại giấy đang có và các loại giấy sẽ có xem cái nào cần cho dân, cái nào cần cho Nhà nước, rồi trình lại xem thế nào. Cần phải rút kinh nghiệm, như vừa rồi ra cái giấy chứng minh nhân dân có tên cha mẹ, làm rồi lại phải bỏ đi, tốn bao nhiêu tiền” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận