Cô Văn Trịnh Quỳnh An - giáo viên Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - giảng bài môn văn trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19 hồi tháng 2-2020 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tăng cường ứng dụng CNTT, chuẩn bị các điều kiện áp dụng dạy học trực tuyến là nhiệm vụ thường xuyên của năm học, bắt buộc các cơ sở giáo dục phải chú ý thực hiện từ năm học tới.
TS THÁI VĂN TÀI (vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT)
Ông Tài nói: Thực tiễn dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến học sinh không thể đến trường đã đặt ra yêu cầu phải có hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các trường chuẩn bị sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến trong tình thế cần thiết bên cạnh các hình thức dạy học đa dạng khác.
Ba hình thức
* Nhiều trường, nhiều giáo viên vẫn cho rằng giảng bài qua Zalo hay thu một video đưa lên YouTube là dạy học trực tuyến. Bộ GD-ĐT có quy định cụ thể để dạy học trực tuyến được hiểu đúng và nhất quán trong quan điểm triển khai?
- Ngay phần giải thích từ ngữ ở dự thảo thông tư cũng nêu rõ các khái niệm dạy học, học liệu, hệ thống quản lý, phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến... Giáo viên giảng bài qua Zalo hay cung cấp video bài giảng qua email, đưa lên YouTube chỉ là tình thế nhiều giáo viên đã làm trong giai đoạn dạy học trực tiếp bị gián đoạn.
Đây chưa phải dạy học trực tuyến mà chỉ là một khâu rất nhỏ có thể áp dụng CNTT vào dạy học. Khi thông tư ban hành, các khái niệm liên quan sẽ được quy định rõ, thống nhất triển khai trong các nhà trường.
* Thưa ông, nhiều giáo viên lo ngại khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế, các nhà trường sẽ lạm dụng dạy học trực tuyến. Ông có giải thích thêm về việc này?
- Dự thảo đã nêu rõ có ba hình thức dạy học trực tuyến. Thứ nhất là hỗ trợ dạy học trực tiếp: giáo viên cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.
Thứ hai, thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp: giáo viên giao một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường.
Thứ ba, thay thế hoàn toàn dạy học trực tiếp: các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường Internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.
Để chủ động trong những tình huống cần thiết, các trường cần xây dựng kế hoạch dạy học với các hình thức linh hoạt khác nhau. Riêng đối với dạy học trực tuyến có thể có phương án chuẩn bị triển khai cho cả ba hình thức trên. Nhưng tùy theo từng tình huống cụ thể để chọn áp dụng hình thức nào phù hợp.
Chuẩn bị hạ tầng CNTT
* Để dạy học trực tuyến được công nhận, cần đảm bảo những điều kiện gì? Những quy định mang tính bắt buộc các trường phải làm khi triển khai dạy học trực tuyến?
- Dựa trên yêu cầu giáo dục cụ thể và kế hoạch dạy học - trong đó có dạy học trực tuyến - các trường phải chuẩn bị về hạ tầng CNTT, phần mềm dạy học phù hợp, tập huấn cho giáo viên, cho học sinh sử dụng phần mềm dạy học.
Hiệu trưởng chỉ đạo các tổ bộ môn xây dựng, lựa chọn nguồn học liệu bám sát nội dung chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT ban hành. Nguồn học liệu do hiệu trưởng phê duyệt mới được sử dụng dạy học trực tuyến trong trường.
Dựa trên quy chế của Bộ GD-ĐT, các trường xây dựng nội quy, quy định cụ thể của hình thức dạy học trực tuyến đã được chọn lựa, tổ chức đánh giá chất lượng dạy học của giáo viên và kết quả học tập của học sinh.
* Một số trường tư thục bị phụ huynh phản ứng khi thông báo thu học phí với lý do hình thức dạy học trực tuyến không có cơ sở để công nhận. Việc này liệu có giải quyết được khi quy chế của Bộ GD-ĐT ban hành không, thưa ông?
- Dạy học trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và sẽ là một phần trong hoạt động dạy học chính khóa. Học phí của hình thức dạy học này được bao gồm trong học phí dạy chính khóa và đã được thực hiện đầu năm học theo quy định.
Việc dạy học trực tuyến ở thời điểm trước đây là do giải pháp tình thế, chưa có cơ sở pháp lý và chưa có sự kiểm soát chất lượng nên có những băn khoăn của phụ huynh học sinh với việc thu học phí của một số trường. Tới đây khi thông tư quy định quản lý dạy học trực tuyến được ban hành, các trường phải xây dựng kế hoạch, công bố mỗi năm học để phụ huynh, học sinh nắm được.
Trường hợp đảm bảo các điều kiện, có đầy đủ minh chứng đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến theo chương trình chính khóa thì các trường thực hiện thu học phí như dạy học trực tiếp và theo đúng quy định.
* Nhiều vùng sâu vùng xa gặp khó khăn về điều kiện tối thiểu dạy học trực tuyến. Những vấn đề này có được đề cập để giải quyết?
- Trên thực tế, sẽ có những nơi thuận lợi, nơi khó khăn trong triển khai. Nơi nào thuận lợi có thể áp dụng hình thức dạy học này ở các mức khác nhau. Nơi nào khó khăn thì chuẩn bị dần dần, thực hiện ở mức độ phù hợp với thực tế.
Sau khi ban hành thông tư, Bộ GD-ĐT cũng sẽ hướng dẫn về tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học và có thể có các đợt tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên.
Kiểm tra trực tuyến và trực tiếp
Theo dự thảo quy chế dạy học trực tuyến, việc đánh giá thường xuyên với học sinh có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Nhưng đánh giá định kỳ thì bắt buộc phải áp dụng bằng hình thức trực tiếp tại trường để có sự kiểm soát chặt chẽ.
Dùng phần mềm nào?
* "Trăm hoa đua nở" của các phần mềm dạy học trực tuyến khiến các trường lúng túng và khó khăn kiểm soát chất lượng. Về việc này, Bộ GD-ĐT có quy định thống nhất không?
- Dự thảo thông tư đã quy định các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học trực tuyến. Trong đó nêu rõ hệ thống phần mềm tổ chức quản lý và dạy học trực tuyến đối với từng hình thức cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì để có thể tổ chức dạy học hiệu quả.
Học liệu dạy học trực tuyến được yêu cầu xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông; đảm bảo tính khoa học, sư phạm, văn hóa, phong tục tập quán, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học. Học liệu này phải được hiệu trưởng các trường phê duyệt trước khi đưa vào sử dụng để đảm bảo chất lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận