TS Trương Ngọc Kiểm - Ảnh: K.TRƯƠNG
Có duyên với công tác Đoàn từ những năm cấp III khi theo học tại trường chuyên ở Bắc Ninh, Ngọc Kiểm cho biết việc tham gia ban chấp hành Đoàn trường giúp anh được học hỏi, rèn luyện và từng bước trưởng thành.
"Với mỗi công việc, tôi luôn tìm những điểm thú vị, những cách làm hoặc cách tiếp cận mới để bản thân mình luôn thấy hứng khởi.
TS TRƯƠNG NGỌC KIỂM
Mỗi ngày đều đọc sách
Trở thành bí thư Đoàn khoa sinh học rồi vào ban thường vụ Đoàn Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ năm 2 đại học, Ngọc Kiểm sau đó tốt nghiệp loại giỏi với điểm số cao nhất chuyên ngành và được trường giữ lại làm giảng viên.
Vừa giảng dạy và nghiên cứu, Ngọc Kiểm vẫn được tin tưởng giao trọng trách làm bí thư Đoàn Trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội) và trở thành bí thư Đoàn ĐHQG Hà Nội từ năm 2014 đến nay.
Song song với bước tiến trong công tác Đoàn, anh vẫn hoàn thành xuất sắc bằng thạc sĩ và tiến sĩ, cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có tính thực tế cao, và anh cũng được giao làm phó trưởng Ban hợp tác và phát triển ĐHQG Hà Nội từ năm 2016.
Chia sẻ về bí quyết sử dụng thời gian hiệu quả, Ngọc Kiểm cho biết anh sử dụng "Ma trận 2x2 - Ma trận Eisenhower".
"Tôi may mắn được biết và áp dụng phương pháp này từ sớm, từ đó xác định hiệu quả thứ tự ưu tiên trong công việc.
Cuối ngày trước khi đi ngủ tôi thường liệt kê các việc cần phải làm trong ngày hôm sau và tự xác định đâu là việc quan trọng cần làm ngay, từ từ làm hoặc chưa cần làm. Nhưng thú thật tôi cũng thuộc típ "cần cù bù khả năng" và xác định phải rèn luyện nhiều để có được kỹ năng trên", anh chia sẻ.
Xoay mòng với công việc chuyên môn và "quản trị" một gia đình nhỏ, Ngọc Kiểm cho biết mỗi ngày dù bận rộn đến đâu anh cũng đọc tối thiểu 30 phút hoặc 10 trang sách vì tin rằng đây là một thói quen giúp bản thân luôn có những năng lượng tích cực, bổ ích cho cuộc sống.
Đau đáu với từng tán cây, mảnh rừng
Chọn đề tài nghiên cứu tiến sĩ về các nhân tố sinh thái ở toàn bộ khu vực dãy Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai), Ngọc Kiểm cho biết đa dạng sinh học (ĐDSH) là trăn trở trong anh từ lâu.
Có cơ hội tham gia các dự án điều tra, đánh giá về ĐDSH ở Sa Pa - Hoàng Liên Sơn từ năm 2002, anh nhận ra đây là một nơi rất đặc biệt về môi trường sinh thái, cảnh quan, ĐDSH, văn hóa truyền thống mà không nơi nào khác ở Việt Nam có được.
Điều đáng nói, vùng đất này đang gặp dồn dập thách thức về câu chuyện bảo vệ môi trường, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh các hoạt động nông - lâm nghiệp và du lịch ở khu vực trên vẫn dựa chủ yếu vào các yếu tố mang tính tự nhiên.
Nhìn cảnh nhiều cánh rừng dần biến mất, việc khai thác tận diệt làm nhiều loài thực vật có giá trị đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cải tạo cảnh quan thiên nhiên không tuân theo quy hoạch sinh thái, môi trường sinh thái bị biến đổi theo hướng bất lợi... anh quyết định nghiên cứu sâu hơn về khu vực trọng yếu, có giá trị đặc biệt cần bảo tồn tính ĐDSH và các hệ sinh thái đặc trưng đồng thời cũng là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch bền vững này.
Và đó cũng là công trình nghiên cứu tổng thể, toàn diện đầu tiên về vùng đất trên.
Đích đến xa hơn của nghiên cứu là từ những kết quả của việc đánh giá sự phân bố và sự thay đổi của các nhân tố sinh thái (đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thảm thực vật...) theo các đai độ cao, người dân có thể quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững (biết được chỗ nào có loại đất gì, khí hậu ra sao để tính toán chọn lựa cây ăn quả, cây dược liệu, rau... cho phù hợp với các điều kiện tự nhiên), từ đó góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, giá trị của các ngành trồng trọt ở khu vực Hoàng Liên Sơn.
Làm nhiều mô hình mong cải thiện cuộc sống người đồng bào
"Từng có dịp cùng ăn, cùng sống và cùng làm việc với các đồng bào dân tộc thiểu số, tôi thấy cuộc sống của họ vướng vào vòng luẩn quẩn: nền nông nghiệp thủ công có phần lạc hậu, sơ khai dẫn đến những hạn chế về điều kiện sống, thông tin và cơ hội học tập, từ đó nhiều bạn trẻ bỏ học sớm, lập gia đình sớm, sinh con đông trong khi hạn chế về đất đai, rồi họ khai thác hoặc thậm chí tàn phá rừng, dẫn đến sạt lở đất, hoang hóa, đất trống, thoái hóa rừng. Kết quả là họ nghèo đói do không còn nguồn thu", Ngọc Kiểm nhớ lại.
Quyết biến trăn trở thành hành động, anh và một số đồng nghiệp ở khoa sinh học (ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội) đã nghiên cứu, đề xuất và xin tài trợ để triển khai nhiều mô hình nhằm tạo sinh kế, cải thiện đời sống của người dân như: tập huấn, hướng dẫn các mô hình du lịch cộng đồng; hướng dẫn người dân làm các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa truyền thống của địa phương; các mô hình nông lâm kết hợp; mô hình giáo dục và truyền thông về môi trường; mô hình GreenEDU...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận