08/12/2022 09:08 GMT+7

Saudi Arabia trải thảm đỏ đón ông Tập

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Chuyến thăm Saudi Arabia của ông Tập Cận Bình từ ngày 7-12 được dư luận rất chú ý. Chuyến đi dự kiến kết thúc với một "thỏa thuận chiến lược" giữa Bắc Kinh và Riyadh, nhưng sẽ là tín hiệu cảnh báo với Washington.

Saudi Arabia trải thảm đỏ đón ông Tập - Ảnh 1.

Quốc vương Salman bin Abdulaziz (phải) của Saudi Arabia gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2017 tại Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Theo truyền thông phương Tây, Saudi Arabia đã chuẩn bị lễ đón trang trọng nhất dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc tương tự như khi tiếp đón cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và trái ngược với lễ đón ông Joe Biden hồi tháng 8-2022. 

Ông Tập dự kiến dự hội nghị thượng đỉnh khu vực với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và các lãnh đạo Ả Rập khác. Các vấn đề về năng lượng và cơ sở hạ tầng sẽ được ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Tập.

Là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Saudi Arabia, Trung Quốc là đối tác cực kỳ quan trọng và các mối quan hệ quân sự đang phát triển mạnh mẽ.

Đài al Jazeera dẫn lời ông Ali Shihabi, nhà phân tích của Saudi Arabia.

Quan hệ Saudi Arabia - Trung Quốc đi lên

Hãng tin Saudi Press Agency (SPA) mô tả chuyến thăm Saudi Arabia đầu tiên của ông Tập kể từ năm 2016 nhằm "củng cố mối quan hệ lịch sử và đối tác chiến lược giữa hai nước", với các thỏa thuận trị giá khoảng 30 tỉ USD có thể được ký kết.

Theo báo Guardian, các thỏa thuận vốn đã béo bở giữa hai nước về công nghệ, công nghiệp, hóa dầu và vũ khí có thể sẽ được mở rộng đáng kể. Nó sẽ củng cố vị thế của Bắc Kinh tại khu vực vào thời điểm Mỹ đang bận giải quyết các mối đe dọa an ninh ở châu Á và cuộc chiến ở Ukraine.

Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh đã tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc trong các năm qua. Bắc Kinh đã là đối tác thương mại lớn nhất của Riyadh, và Saudi Arabia là thành viên của sáng kiến "Vành đai con đường" của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đang hoạt động mạnh mẽ tại Saudi Arabia, xây dựng các siêu dự án, thiết lập cơ sở hạ tầng 5G, phát triển drone quân sự...

Trung Quốc mua khoảng 1/4 lượng dầu của Riyadh và các nhà xuất khẩu dầu vùng Vịnh đang hào hứng trước tin Trung Quốc đã nới lỏng chính sách chống dịch. Theo giới quan sát, mối quan hệ làm ăn giữa hai bên đến nay không có quá nhiều ràng buộc kèm theo như khi làm ăn với Mỹ. "Khi các nước ở vùng Vịnh nghĩ về tương lai, họ coi Trung Quốc là đối tác" - ông Gedaliah Afterman, chuyên gia thuộc ĐH Reichman (Israel), nhận định trên tờ New York Times.

Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia đi xuống

Ở một góc độ khác, sự tiếp đón trọng thị mà Riyadh dành cho ông Tập cho thấy mối quan hệ Saudi Arabia với Mỹ đang sa sút thế nào. Saudi Arabia là đồng minh thân cận của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ, Washington vẫn là nước bảo đảm an ninh chính và bán phần lớn vũ khí cho vương quốc dầu mỏ.

Quan hệ giữa Riyadh và Washington xuống cấp thời gian qua trong nhiều vấn đề, từ chính sách năng lượng, an ninh đến nhân quyền và đặc biệt căng thẳng sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Tổng kim ngạch thương mại hai nước cũng giảm mạnh từ 76 tỉ USD năm 2012 xuống 29 tỉ USD vào năm ngoái.

Gần đây nhất, các quan chức hai bên đã lời qua tiếng lại sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và đồng minh trong tháng 10-2022 đã quyết định giảm sản lượng dầu mỏ mỗi ngày 2 triệu thùng. Động thái đó khiến Washington tức giận, nhất là khi tổng thống Mỹ đã đích thân đến khu vực để thuyết phục các nước Ả Rập và khẳng định sẽ không để Trung Quốc hay Nga thế chỗ Mỹ trong khu vực.

Chuyến thăm của ông Tập lần này diễn ra ngay sau khi OPEC công bố quyết định giữ nguyên mức cắt giảm cách đây hai tháng. Ông Ali Shihabi, một nhà phân tích thân thiết với chính quyền Saudi Arabia, giải thích đây chỉ là "sự trùng hợp chứ không nhắm vào Mỹ".

Elham Fakhro, một nhà nghiên cứu của Đại học Exeter (Anh), cho biết các nước vùng Vịnh coi Mỹ là đối tác ngày càng không đáng tin cậy và "muốn tận dụng bối cảnh đa cực toàn cầu mang đến những cơ hội mới". Đối với Riyadh, việc tiếp đón ông Tập nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ đến Washington rằng họ còn có nhiều lựa chọn khác.

"Chúng tôi đã nói từ lâu rằng chúng tôi có nhiều người để cùng dùng bữa ngoài Washington. Thông điệp đó sẽ rất rõ ràng trong chuyến thăm này của ông Tập. Người Trung Quốc không thuyết giảng và họ không thiếu tôn trọng. Họ biết cách kinh doanh. Mặt khác, người Mỹ muốn chúng tôi chọn phe. Chúng tôi sẽ không làm vậy", tờ Guardian dẫn lời một quan chức cấp cao của Saudi Arabia nói.

Dù vậy, quan hệ Trung Quốc và Saudi Arabia vẫn còn những giới hạn. Chẳng hạn giá dầu cao gây tổn thất nặng nề cho cả Trung Quốc và Mỹ, hay Bắc Kinh đang có quan hệ chặt chẽ với Iran - đối thủ "không đội trời chung" của Saudi Arabia. Trung Quốc cũng không thể hỗ trợ quân sự cho khu vực như Mỹ. Một số ý kiến cũng cho rằng khả năng Riyadh chấp nhận thanh toán dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ là rất thấp.

Ông Derek Chollet, cố vấn tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói trước chuyến thăm của ông Tập rằng Mỹ không yêu cầu các quốc gia "chọn bên" giữa Washington và Bắc Kinh, mà kêu gọi họ "lưu tâm" đến các mối quan hệ mà họ đang phát triển.

Ông Tập đến Saudi Arabia thúc đẩy Ông Tập đến Saudi Arabia thúc đẩy 'đoàn kết và hợp tác'

TTO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Saudi Arabia, chính thức bắt đầu chuyến thăm ba ngày nhằm củng cố quan hệ chiến lược và kinh tế, giữa lúc quan hệ giữa cả hai nước với Mỹ đang đi xuống.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp