Phóng viên đứng bên ngoài tòa nhà của OPEC ở Vienna (Áo) trước cuộc họp của OPEC+ ngày 5-10 - Ảnh: AP
Theo AP, điều này nhằm tránh kịch bản giá nhiên liệu tăng cao đúng giai đoạn quan trọng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nơi chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Biden sẽ gặp áp lực lớn.
Tuần qua, tại cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 5-10, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (gọi là OPEC+) đã quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, một sự kiện có thể làm tăng giá dầu mỏ và các sản phẩm liên quan.
OPEC+ là tổ chức gồm OPEC và một số đối tác, trong đó có Nga. Matxcơva ca ngợi OPEC, trong khi Mỹ không hài lòng với quyết định này. Tâm điểm trong tranh cãi về quyết định của OPEC+ là Saudi Arabia, một nước giàu và được xem là lãnh đạo trên thực tế của OPEC.
Bên cạnh câu chuyện kinh tế, Mỹ cũng đặc biệt chỉ trích Saudi Arabia vì cho rằng động thái làm tăng giá dầu sẽ giúp Nga có thêm nguồn thu, đồng nghĩa có thêm chỗ dựa tài chính cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.
Trong tuyên bố hôm 13-10, Saudi Arabia khẳng định việc cắt giảm sản lượng bắt nguồn thuần túy từ lý do kinh tế.
AP cho biết một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đưa ra không đề cập cụ thể tới cuộc bầu cử ngày 8-11 của Mỹ, tuy nhiên, tài liệu này nói Mỹ đã "đề xuất" hoãn việc cắt giảm sản lượng thêm một tháng nữa.
Hiện nay Tổng thống Biden đang cố gắng duy trì tình trạng đa số khá hẹp của Đảng Dân chủ trong Quốc hội. Những thông tin như giá dầu tăng (do nguồn cung giảm) sẽ tạo áp lực lên xã hội, ảnh hưởng xấu tới Đảng Dân chủ.
Hiện nay mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia bị nhận xét rất căng thẳng. Nhà Trắng đã bác bỏ mọi nghi vấn liên hệ giữa cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này và quyết định của OPEC.
Tuy nhiên, việc Saudi Arabia vẫn đưa ra một tuyên bố như thế đã phần nào chứng tỏ mức độ căng thẳng giữa hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận