Từ ngã ba Bản Tùy (Hà Giang) về huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), dọc hai bên đường cây cối xác xơ, gãy đổ ngổn ngang. Trên suốt quốc lộ 34 độc đạo, hầu như sườn dốc nào đất đá cũng đã ngậm no nước hoặc có dấu hiệu sạt xuống sau những trận mưa dài ngày.
Mồ côi cha mẹ trong chưa đầy một tháng
Ngồi thẫn thờ trong gian nhà sàn dựng ở chân đồi, Hoàng Văn An (14 tuổi, xã Yên Thổ, Bảo Lâm, Cao Bằng) khóc ngất. Có người tới thăm, em thắp một nén nhang rồi ngồi lặng một góc, phía dưới nền nhà là 2 di ảnh.
Một bên của người cha mất sau cú tông xe ngày 26-6. Bên kia lại là người mẹ đã ra đi trong vụ sạt lở vào xe khách ở Hà Giang hôm 13-7. Nhà neo người, sự việc gấp gáp khiến bức ảnh của người quá cố vẫn chưa kịp in để treo lên nơi thờ phụng.
Thi thể chị Dương Thị Xuân được đưa về quê vào tối 13-7 - cùng ngày xảy ra vụ sạt lở. Trời tháng 7 mưa ướt nhẹp, cả xóm vẫn đứng chờ sẵn đầu đường, mỗi người một tay đón chị về nhà.
Bà Hoàng Thị Thiên (ở xóm Bản Chang 1, xã Yên Thổ) ôm đứa cháu 14 tuổi vào lòng khóc nức nở. Bà kể anh Hoàng Văn Luận (39 tuổi, cháu trai - gọi bà bằng cô) - trụ cột gia đình đã chết sau vụ va chạm giao thông với chiếc ô tô hôm 26-6 ở Bắc Giang.
Tang gia mới xong, người cháu dâu là chị Dương Thị Xuân (38 tuổi) đi rút hồ sơ và đồ đạc cho chồng, trên đường về nhà thì gặp tai họa sạt lở, đè trúng chiếc xe khách.
Anh Luận, chị Xuân ra đi, để lại cậu con trai Hoàng Văn An mồ côi cả cha và mẹ khi vừa bước sang tuổi 14. "Có hơn nửa tháng, ai ngờ ra cơ sự này", bà Thiên sụt sùi rồi nhìn lên di ảnh của 2 người cháu quá cố, nước mắt ngắn dài.
Căn nhà nơi gia đình chị Xuân, anh Luận từng sinh sống - Ảnh: L.T.
Hơn chục năm trước, Hoàng Văn An lên 3 tuổi, chị Dương Thị Xuân chấp nhận xa con, còm cõi đi mưu sinh gần khu vực biên giới. Khi thì bụi mía, nương ngô, cuộc sống khó khăn, thiếu trước hụt sau nhưng vợ chồng chị vẫn chắt chiu nuôi cậu con trai khôn lớn qua ngày.
Mái ấm của họ là căn nhà sàn xiêu vẹo, phải dựng cột chống vì nguy cơ gãy đổ. Tường nhà ghép bằng những ván gỗ, những ngày trở trời, nước mưa, gió lạnh cứ thế lọt qua khe vào nhà.
Cùng với làn sóng doanh nghiệp FDI tuyển dụng ồ ạt, vợ chồng chị Xuân, anh Luận theo nhóm người cùng làng xuống làm công nhân tại một khu công nghiệp ở Bắc Giang khi con trai vừa học hết cấp 1. Bố mẹ làm xa, An ở nhà, ông bà nội cùng những người họ hàng chỉ bảo em sinh sống, học hành.
Bà Thiên kể, chị Xuân và anh Luận đi làm luôn cố tăng ca tối đa dù ốm đau mệt mỏi. Mỗi tháng anh chị gửi tiền cho bà, chia làm 3 phần. Một phần cho con, một phần để ông bà nội mua thức ăn cho cả tháng, phần lớn nhất thì gửi tiết kiệm ngắn ngày.
"Các cháu nói cố 'cày cuốc' và hẹn tháng 10 âm lịch này sẽ về quê dựng căn nhà mới…", bà Thiên nghẹn giọng kể.
Hè năm nay, An vừa thi xong học kỳ, xuống ở với bố mẹ chưa lâu thì anh Luận gặp tai nạn giao thông qua đời, để lại mẹ góa con côi.
Hai mẹ con về quê ở Cao Bằng chịu tang anh. Công việc vừa dứt, chị Xuân xuống Bắc Giang rút hồ sơ ở công ty và mang đồ đạc của chồng về nhà. Sáng 12-7, chị lỡ chuyến xe giường nằm về Hà Giang lúc 8h để rồi phải chờ tới tối cùng ngày mới có chuyến tiếp theo về tới thành phố.
Tương lai khó khăn của cậu bé 14 tuổi
Vượt quãng đường gần 300km, chuyến xe giường nằm của chị Xuân đến thành phố Hà Giang lúc rạng sáng 13-7. Chị xuống xe rồi lên một ô tô 16 chỗ có hành trình về qua huyện nhà.
Trong cơn mưa lớn, ô tô của nhà xe Hòa Bình xếp kín khách rồi lao đi trên quốc lộ 34 hướng Bắc Mê (Hà Giang) - Cao Bằng. Trên xe chỉ còn le lói ánh sáng từ điện thoại của một số hành khách lướt mạng. Nhiều người chợp mắt nghỉ ngơi bởi trời chưa sáng và trước mắt họ là cả một hành trình dài.
Gần 4h, ô tô tới thôn Tả Mò (xã Yên Định, huyện Bắc Mê). Những cơn mưa dài ngày khiến đất đá từ ta luy dương sạt xuống đường, xe bị sa lầy đến ngang lốp, không thể di chuyển.
Hành khách xuống đẩy xe cùng tài xế với hy vọng nhanh chóng ra khỏi khu vực này nhưng bất thành. Thấy vậy, một số người trên ô tô con ở gần đó cũng xuống giúp sức.
Ít phút sau, khu vực này tiếp tục sạt lở. Nghe tiếng đất đá đổ xuống, nhóm người hô nhau chạy. Đêm đen, con đường lại độc đạo, họ không biết chạy đi đâu. Được vài bước, hơn chục người bị đất đá đè ngang người. Sau 5 phút, những khối đất lại tiếp tục ụp xuống, những tiếng kêu cứu dần tắt hẳn.
Chị Xuân là một trong 11 hành khách phải bỏ mạng trên đất Bắc Mê, khi mặt trời còn chưa ló rạng.
"An biết tin dữ lúc 7h sáng", bà Thiên kể lại sự việc, lúc này bà hốt hoảng gọi cho chị Xuân nhưng phía đầu dây không liên lạc được.
Nhiều người khác trong họ hay tin vội vã cùng nhau tới hiện trường vụ sạt lở. Nhóm người đi chưa được bao xa thì nhận được tin báo chị Xuân qua đời. Hai đám tang trong chưa đầy một tháng, cậu bé Hoàng Văn An khóc ngất.
Từ sân nhà chị Xuân, anh Luận, tiếng gọi danh sách người vào phúng viếng, tiếng khóc thảng thốt của họ hàng cộng thêm không khí ẩm ướt lúc nửa đêm càng khiến không gian thêm day dứt. Thủ tục hạ huyệt được hoàn tất lúc 0h ngày 14-7.
Mai táng mẹ từ nghĩa địa trở về, Hoàng Văn An như người mất hồn bên căn nhà sàn xiêu vẹo. Chứng kiến cả cha và mẹ cùng qua đời sau chưa đầy 1 tháng, An không tiếp chuyện với nhiều người. Nỗi đau chỉ tạm nguôi trong em khi có những người bạn đồng trang lứa tới chia sẻ. Đêm tối, khi mọi người đều trở về với mái ấm riêng mình, nước mắt em tuôn dài, mếu máo.
"Sức khỏe An không tốt nên thấp còi hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng nhận thức của em lại rất nhanh", ông Lục Văn Thông, phó chủ tịch HĐND xã Yên Thổ, nói đồng thời xác nhận với Tuổi Trẻ Online về những sự việc đã qua.
Đến thăm hỏi gia đình, ông Thông nói mọi người ở địa phương thương cháu quá. Rồi đây An sẽ phải thiếu vắng tình yêu thương bố mẹ. Ở độ tuổi này, em chưa đủ trưởng thành để tự lập cả một chặng đường dài phía trước.
Cùng lúc, đằng sau lưng cậu bé 14 tuổi, bên ngoài cửa sổ, trời miền Bắc vẫn ầng ậc nước, đài truyền hình tiếp tục đưa ra cảnh báo về sạt lở cùng đợt mưa lớn dài ngày. Những dự định của một mái nhà đã từng yên ấm, từ giờ chỉ còn mình An thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận