Hàng chục tàu chở gạo của các doanh nghiệp nằm chờ thông quan nhiều ngày nay ở cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên nhưng chưa được thông quan khiến doanh nghiệp bức xúc - Ảnh: BỬU ĐẤU
Doanh nghiệp ngồi canh để kê khai hải quan
Chiều 14-4, ông Trần Hoàng An - tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Agimex) - cho biết trong gói 400.000 tấn gạo được xuất khẩu thì đơn vị "may mắn" được xuất 1.500 tấn gạo.
"Nhờ nhân viên trẻ thức đêm nên "may mắn" làm tờ khai xuất được bấy nhiêu đó thôi. Hải quan làm như vậy tội cho tụi tui quá" - ông An nói.
Lãnh đạo Agimex cho biết tổng số lượng hợp đồng đã ký từ nay đến hết tháng 5 của doanh nghiệp phải giao 20.000 tấn gạo, riêng tháng 4 này phải giao ít nhất 10.000 tấn. Hiện tại đang có 2.700 tấn gạo đang nằm chờ nhiều ngày qua tại cảng nhưng chưa được xuất khẩu.
"Tôi mong việc điều hành xuất khẩu gạo của hải quan phải công bằng, minh bạch chứ đừng có kiểu mở ban đêm làm các doanh nghiệp phải ngồi canh thế này" - ông An bức xúc nói.
Bà Đặng Thị Liên - giám đốc Công ty TNHH lương thực, thực phẩm Long An - cho biết bà đăng ký được 1.300 tấn gạo trong hạn ngạch 400.000 tấn. Tuy nhiên, số gạo này thực chất từ ngày 24-3 đã đưa lên TP.HCM để xuất khẩu, nhưng sau đó bị tạm dừng xuất khẩu nên đang nằm ở cảng.
Vì vậy, đến khi đăng ký được trong mức hạn ngạch 400.000 tấn thì lượng gạo nằm tại cảng này được đưa vào luồng đỏ, buộc phải đưa hàng về Long An để kiểm hóa. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, chưa kể chi phí, thời gian phải đưa hàng hóa quay ngược lại Long An rồi chở lên.
Bà Liên nhận định việc phần mềm tự động của hải quan mở lúc nửa đêm chỉ doanh nghiệp nào biết và chịu khó trực canh suốt ngày đêm mới đăng ký được.
Việc đăng ký trên hệ thống cũng tạo ra việc có doanh nghiệp đăng ký tới 96.000 tấn (chiếm 1/4 hạn ngạch) nhưng cũng không bị ngắt. Vì vậy, theo bà Liên, Chính phủ, Bộ Công thương cần phân chỉ tiêu về cho các tỉnh để trên cơ sở đó các doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký.
Bên cạnh doanh nghiệp, nông dân trồng lúa cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi việc ngưng xuất khẩu cũng như cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo - Ảnh: CHÍ QUỐC
Kiến nghị giao chỉ tiêu hạn ngạch cho địa phương
Theo ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, sau khi cân đối đảm bảo nguồn dự trữ, nhu cầu tiêu thụ trong nước thì Chính phủ nên cho xuất khẩu gạo như những năm trước đây.
"Hiện giá gạo xuất khẩu khá cao, không chỉ doanh nghiệp mà hàng vạn nông dân trồng lúa được hưởng lợi. Đây là cơ hội để nông dân tăng thu nhập từ trồng lúa, bớt cơ cực", ông Quyết đề xuất.
Ông Quyết cho rằng, lượng lúa gạo trong thời gian tới không thiếu. Đơn cử như tại Sóc Trăng, dù hạn kéo dài, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nhưng những địa phương có hệ thống thủy lợi tốt, điều chỉnh thời vụ hợp lý nên năng suất lúa đông xuân năm nay trúng đậm.
Hiện Sóc Trăng còn khoảng 30.000ha lúa đông xuân muộn sắp thu hoạch, tương đương sản lượng 200.000 tấn lúa.
Thu hoạch lúa đông xuân năm 2020 ở tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Theo ông Quyết, nếu trong tháng 5, Chính phủ cho xuất khẩu tiếp 400.000 tấn gạo thì tổng sản lượng lúa phục vụ "xuất ngoại" của hai tháng liền kề (tháng 4 và 5) khoảng 1,6 triệu tấn lúa, con số không lớn.
"Cái lo hiện nay là minh bạch việc xuất khẩu gạo. Cần xử lý những lỗ hổng trong việc cấp quota cho các doanh nghiệp", ông Quyết nói.
Chính phủ nên thiết lập hệ thống điều hành gạo như cách làm của Thái Lan
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, GS Võ Tòng Xuân cho biết điều ông lo ngại kịch bản xin - cho quota xuất khẩu gạo như trước đây đã lại xảy khi hải quan âm thầm mở tờ khai lúc nửa đêm khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
"Theo tôi, việc điều hành xuất khẩu gạo của Việt Nam là một vấn đề lớn cần được Chính phủ thiết kế rõ ràng như cách điều hành của Thái Lan. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tìm khách hàng mua gạo, chịu giá rõ ràng, mới mua gạo và được phòng kiểm phẩm của Bộ Thương mại kiểm tra đóng dấu xác nhận đúng chất lượng mới được cho xuất khẩu. Không có vấn đề gạo dỏm, gạo giả nào được xuất khẩu chui qua khâu kiểm tra này. Chính phủ nên nhúng tay để thiết lập hệ thống điều hành lưu thông gạo và các nông sản uy tín quan trọng của nước ta càng sớm càng tốt", ông Xuân nói.
Còn ông Nguyễn Minh Toại - giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ - cho hay với hạn ngạch 400.000 tấn gạo, Cần Thơ có 4 doanh nghiệp đăng ký được với tổng số lượng khoảng 33.000 tấn, và việc xuất khẩu gạo đang bị ảnh hưởng ách tắc.
"Tôi đang chỉ đạo các doanh nghiệp xem ai đang có hàng ở cảng từ 23-3 đến cuối tháng 3, trên cơ sở đó Sở Công thương sẽ đề nghị phía Hải quan, Bộ Công thương sắp xếp cho ưu tiên 1 để giải phóng cảng. Văn bản này chúng tôi sẽ gửi ngay trong chiều nay", ông Thoại nói.
Chế biến gạo tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong khi đó, ông Lê Văn Nưng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho rằng hiện tại dù hết hạn ngạch 400.000 tấn gạo nhưng lượng tồn kho ở An Giang và các tỉnh ĐBSCL rất lớn.
Chiều 14-4, một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, cùng ngày ông Nguyễn Ngọc Nam - chủ tịch VFA - đã ký công văn gửi các doanh nghiệp thành viên đề nghị có ý kiến đóng góp về việc hải quan mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm.
Công văn yêu cầu các doanh nghiệp có ý kiến về tình hình khai hải quan, khối lượng hàng tồn kho cũng như khó khăn của doanh nghiệp khi không xuất được hàng để VFA có cơ sở kiến nghị đề xuất Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận