27/07/2016 20:00 GMT+7

​Sau vụ bắt con tin, nước Pháp hành động

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Vụ khống chế, bắt và giết một con tin bằng dao vào chiều 26-7 tại Rouen, Pháp không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng động cơ thực hiện vụ khủng bố đã khiến nước Pháp phải hành động.

Hoa hồng trắng được người Pháp đặt bên ngoài nhà thờ, nơi hai kẻ khủng bố đã giết chết cha cố 86 tuổi - Ảnh: REUTERS
Hoa hồng trắng được người Pháp đặt bên ngoài nhà thờ, nơi hai kẻ khủng bố đã giết chết cha cố 86 tuổi - Ảnh: REUTERS

Chiều 26-7, hai kẻ tấn công dùng dao khống chế năm con tin và cố thủ trong nhà thờ Saint Etienne du Rouvray tại Rouen rồi dùng dao cắt cổ cha cố 86 tuổi.

Hai kẻ tấn công sau đó bị cảnh sát bắn chết và IS đứng ra nhận trách nhiệm.

Báo chí Pháp sôi sục

Báo chí Pháp đã sôi sục vì vấn đề tấn công và gọi đây là “vụ tấn công Normandy”. Tờ Le Parisien đăng hình cha cố bị sát hại Hamed kèm dòng chữ “tử vì đạo” và nói rằng nước Pháp đã bước vào một chương mới trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tờ Le Figaro viết “bị ám sát bởi những kẻ man rợ”. Tờ này còn liên hệ với những vụ IS giết người Công giáo tại Trung Đông, đồng thời nhắc lại rằng IS từng muốn “biến thế giới thành một nhà hát chiến tranh đẫm máu”.

Trong khi đó, tờ báo Công giáo La Croix giật tít “Gương mặt quỷ dữ” và viết rằng “tiếng khóc của chúng ta vang dội tới Chúa để cầu xin giúp đỡ, chống lại thôi thúc trả thù”.

Triệu tập hội nghị tôn giáo

Vụ tấn công Normandy khiến cộng đồng Công giáo tại Pháp bị sốc. Linh mục Pierre Amar, thuộc giáo phận Versailles gần Paris, nói với AFP: “Chúng tôi không nói nên lời vì không ngờ rằng ngày nay mà tính mạng của linh mục vẫn còn bị đe dọa”.

Sau vụ việc, Tổng thống Pháp Francois Hollande phải triệu tập hội nghị bao gồm lãnh đạo tối cao của tất cả tôn giáo lớn tại Pháp.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo rằng hành động của cuộc tấn công chiều 26-7 do IS nhận trách nhiệm nhằm mục đích “khiến người Pháp chống người Pháp, tấn công vào tôn giáo để kích động một cuộc chiến tôn giáo”.

Trong khi đó, ông Dalil Boubakeur, người đứng đầu cộng đồng Hồi giáo tại Pháp - đây cũng là cộng đồng Hồi giáo lớn nhất châu Âu - bức xúc nói: “Đây là hành động báng bổ chống lại mọi giáo lý Hồi giáo”.

Ông Boubakeur nói thêm: “Chúng tôi mong mỏi sâu sắc các nơi cầu nguyện của cộng đồng Hồi giáo được tăng cường an ninh”.

Cảnh sát lơ là?

Công dân 22 tuổi Joanna Torrent tại Rouen nói rằng vụ tấn công khiến cô và cộng đồng 30.000 người tại đây đã bị sốc vì cứ nghĩ rằng những vụ tấn công kiểu này chỉ diễn ra ở những thành phố lớn, thu hút nhiều khách du lịch như Paris hay Nice.

Không lâu sau khi xảy ra vụ tấn công, cảnh sát Pháp đã xác định được danh tính của một trong hai kẻ tấn công đó là Adel Kermiche, 19 tuổi.

Điều đáng nói là trước khi thực hiện vụ tấn công, Kermiche đang chờ hầu tòa vì bị khởi tố tội khủng bố và bị đeo vòng điện tử theo dõi của cảnh sát.

Mohammed Karabila, người đứng đầu Hội đồng Hồi giáo tại Normandy, thể hiện bức xúc: “Tại sao một người bị đeo vòng theo dõi lại có thể thực hiện vụ tấn công? Khi đó cảnh sát ở đâu?”.

Công tố viên Francois Molins nói với AFP rằng lần đầu tiên Kermiche lọt vào danh sách đen của cảnh sát là vào tháng 3-2015 khi gia đình thông báo Kermiche biến mất bí ẩn. Lúc đó, nhà chức trách Đức bắt được Kermiche và phát hiện tên này dùng căn cước của anh trai để đi đến Syria.

Sau đó, Kermiche được tại ngoại nhưng được giám sát chặt chẽ. Lần này Kermiche đến Thổ Nhĩ Kỳ, lại bị bắt rồi đưa trở lại Pháp và bị giam giữ cho đến tháng 3-2016.

Sau thời gian ở tù, Kermiche được thả nhưng buộc ở trong nhà từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng và phải đeo vòng giám sát.

Vụ tấn công do Kermiche và đồng phạm thực hiện đã khiến dư luận Pháp lại dấy lên, đòi nước Pháp phải thắt chặt hơn nữa luật chống khủng bố.

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp