14/08/2019 09:41 GMT+7

Sau Tiếp sức đến trường, tôi có duyên với nhiều học bổng khác

ĐỖ NHẬT THỊNH (TRƯỜNG TRUNG ghi)
ĐỖ NHẬT THỊNH (TRƯỜNG TRUNG ghi)

TTO - Bên cạnh học tập, tôi cũng muốn gắn bó với các hoạt động xã hội. Tôi là một trong những thành viên trẻ nhất đoàn hành trình chiến dịch tình nguyện xuyên Việt cấp quốc gia về vận động hiến máu.

Sau Tiếp sức đến trường, tôi có duyên với nhiều học bổng khác - Ảnh 1.

Nhật Thịnh chụp ảnh lưu niệm với trẻ em Lào trong chiến dịch Mùa hè xanh năm nay - Ảnh: NVCC

Niềm vui sắp được lên giảng đường đi kèm với bao trăn trở về tương lai phía trước, khi bỏ lại người mẹ ở quê gồng gánh nuôi ba anh em đến trường (Bài "3 anh em mồ côi cha vào đại học", 2016).

Cha mất sớm, mẹ đau yếu

Biến cố đến với gia đình khi ba qua đời lúc tôi đang học lớp 6. Bốn mẹ con như mất đi một phần tâm hồn, một trụ cột giữa những khó khăn của cuộc sống. Từ ngày đó, mọi chi tiêu lớn nhỏ trong gia đình góa phụ và ba đứa con thơ đang tuổi cắp sách đến trường chỉ còn trông chờ vào đồng lương ít ỏi của người mẹ ốm yếu.

Mẹ phải bán đi mảnh đất và vay mượn thêm để có thể xây dựng một ngôi nhà nhỏ vừa đủ kiên cố để tránh trú mưa bão.

Công việc ở nhà máy thất thường, số lương nhận được cũng chẳng đủ để lo tiền thuốc thang chữa bệnh. Càng khó khăn thì mẹ càng quyết tâm dặn dò: "Mình chịu khổ được thì chịu khó được, ráng học nghe con". Anh em tôi đều nhận thức rằng chỉ có học mới giúp mình thoát nghèo vươn lên.

Khi nhìn thấy tên mình với điểm số thừa 8 điểm trong danh sách trúng tuyển đại học tại ngôi trường đào tạo mỹ thuật tốt nhất các tỉnh thành phía Nam, lòng tôi rất lo vì anh trai và chị gái còn đang trên giảng đường. Giữa lúc mịt mù chưa biết kiếm đâu ra tiền để nhập học, người thầy cấp III của tôi đã giúp tôi viết hồ sơ để nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ.

Ngày học bổng được trao, tôi đã bắt đầu cuộc mưu sinh ở TP.HCM, người đi nhận thay là mẹ. Số tiền học bổng ban đầu ấy đã giúp tôi trang trải trên chặng đường mới và tiếp thêm cho tôi sự sự tin. Vì sao tôi nhắc đến sự tự tin? Bởi ngoài giá trị vật chất, đó còn là sự quan tâm của những người xung quanh và xã hội với những hoàn cảnh khốn khó như tôi. Rằng sau lưng tôi có thầy cô, bạn bè, người thân, cộng đồng sẵn sàng tương trợ.

Nếu mình có ý chí thì "duyên" sẽ đến, sẽ có người tiếp sức cho mình vào lúc này, lúc khác. Tiếp sức đến trường là học bổng đầu đời tôi nhận được. Sau học bổng này, tôi đã có duyên hơn với các học bổng khác, và gần như liên tục mấy năm qua đều nhận vào mỗi học kỳ.

Tập cho mình thái độ lạc quan

Các bạn tân sinh viên chắc chắn cũng đang lo lắng với cuộc sống xa nhà và chi phí trang trải cho tương lai. Nếu có ý chí, tất cả sẽ nhanh chóng trôi qua, bởi chúng ta sẽ không có thời gian để bỡ ngỡ và lo lắng. Cái khó ló cái khôn trong những ngày tháng tự lập đầu tiên.

Lịch học khi ấy khá dày, nhưng có khoảng thời gian 1-2 giờ để sinh viên ăn uống và nghỉ ngơi buổi trưa. Khi đó không có kinh phí để đều đặn ăn trưa, tôi xuống căngtin ở trường để phụ giúp, từ rửa chén, bưng bê, thống kê sổ sách, quét dọn lau chùi. Đổi lại "lương" là suất ăn trưa.

Cứ thế, tôi bắt đầu với mọi công việc có thể làm nơi miền đất lạ như gia sư, dẫn chương trình. Khi đã dần ổn định, tôi tìm những công việc mang tính chuyên môn hơn khi vượt qua các bài kiểm tra năng lực để trở thành giảng viên mỹ thuật tại một số trung tâm, rồi tự tìm tòi để thành họa sĩ sáng tác trẻ, nhiếp ảnh, thiết kế đồ họa...

Đại học là cơ hội tốt nhất để tôi chứng minh khả năng tự lập của mình. Dù thiếu thốn, nhưng chỉ cần tập thái độ lạc quan và rèn luyện sức chịu đựng, vất vả có thể vượt qua.

Bên cạnh việc học tập, tôi cũng muốn gắn bó với các hoạt động xã hội. Tôi là một trong những thành viên trẻ nhất đoàn hành trình chiến dịch tình nguyện xuyên Việt cấp quốc gia về vận động hiến máu.

Với 11 năm gắn bó cùng bộ môn nghệ thuật thư pháp khi còn ở quê nhà, tôi cũng "mài mực" ở khắp nơi trong thành phố rồi xa hơn là chuỗi hoạt động tình nguyện liên tục ở các tỉnh thành từ Cà Mau ra đến Hà Nội. Một hành trình đầy ý nghĩa khác ngoài biên giới là khi tôi tham gia cùng đoàn tình nguyện viên sang Lào trong chiến dịch hè năm nay.

Tôi tâm đắc với câu nói "Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về phía sau bạn". Các bạn tân sinh viên nghèo như tôi hãy xem đó là điều bình thường, thậm chí nên xem đó là "người bạn", vì khi ấy bạn có nhiều động lực để vươn lên và thay đổi.

Chàng sinh viên của nhiều giải thưởng

Đỗ Nhật Thịnh nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ năm 2016, hiện là sinh viên năm 4 ngành thiết kế đồ họa, chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.

Hai năm liền, Thịnh đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" khối Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, đạt giải thưởng học bổng KOVA - do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sáng lập - và nhiều giải thưởng thiết kế tranh cổ động, nhiều bằng khen về công tác tình nguyện.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường 2019

Sau Tiếp sức đến trường, tôi có duyên với nhiều học bổng khác - Ảnh 4.
Tiếp sức đến trường: Chàng trai

TTO - 12 năm, cậu học trò Lê Tấn Đạt (xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) đến trường bằng đôi chân của mẹ. Chính tình thương và nghị lực đã giúp hai mẹ con dìu dắt nhau qua bao ngày mưa nắng.

ĐỖ NHẬT THỊNH (TRƯỜNG TRUNG ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp