Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ kích động chiến tranh thương mại - Ảnh: REUTERS
Câu hỏi đặt ra lúc này không phải là khi nào thì cuộc chiến sẽ ngừng lại, mà là bước leo thang tiếp theo giữa hai bên sẽ diễn ra lúc nào?
Khó có thể có được một câu trả lời cụ thể cho câu hỏi trên lúc này, nhưng dường như chắc chắn cuộc chiến giữa hai bên vẫn đang trong xu hướng leo thang chưa hồi kết. Trong khi Trung Quốc tiếp tục tỏ ra cứng rắn với hi vọng các hậu quả từ cuộc chiến sẽ khiến ông Trump nao núng, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần, thì dường như chính quyền Trump đang coi việc kiềm chế Trung Quốc là một lựa chọn bắt buộc đối với lợi ích chiến lược của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, việc đạt được một thỏa thuận thương mại song phương đang trở nên xa vời và những bước leo thang mới có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Dư địa cho các đợt áp thuế bổ sung vẫn còn. Ví dụ, mức thuế 5-10% mà Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ áp cho 75 tỉ USD hàng hóa Mỹ vẫn còn thấp. Trung Quốc cũng có thể hạn chế xuất khẩu sang Mỹ một số mặt hàng chiến lược như đất hiếm. Về phía Mỹ, ngoài việc áp thuế bổ sung, Mỹ cũng có thể tiếp tục "tấn công" các công ty công nghệ cao của Trung Quốc bên cạnh Huawei.
Thậm chí, một số chuyên gia còn đề cập tới khả năng Mỹ sẽ sử dụng "đòn hạt nhân" là tìm cách loại Trung Quốc ra khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), qua đó cắt đứt Trung Quốc khỏi mạng lưới giao dịch tài chính thế giới.
Cho dù bước leo thang tiếp theo là gì0 thì hệ lụy cho toàn thế giới sẽ là không nhỏ. Trước mắt, khả năng cuộc chiến dẫn tới suy thoái toàn cầu đang ngày một hiển hiện khi không chỉ kinh tế Trung Quốc suy yếu, mà một loạt nền kinh tế lớn khác, trong đó có Đức và Nhật, đang bắt đầu xuống dốc.
Chiến tranh thương mại được cho là nguyên nhân đẩy Mỹ xuống vị trí thứ 3 trong quan hệ thương mại với Trung Quốc nửa đầu năm 2019 - Ảnh: REUTERS
Dù Việt Nam được hưởng một số lợi ích từ sự chuyển hướng thương mại và đầu tư ra khỏi Trung Quốc, nhưng rủi ro đi kèm là không nhỏ. Nếu suy thoái kinh tế nổ ra, dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ co lại. Là một nền kinh tế mở phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, việc Việt Nam bị tác động mạnh là không thể tránh khỏi.
Để đề phòng rủi ro, Việt Nam cần phải tiếp tục các đổi mới trong nước nhằm giúp cho nền kinh tế hoạt động sáng tạo, hiệu quả, bền vững hơn, qua đó nâng cao sức đề kháng trước các cú sốc từ bên ngoài. Các giải pháp nhằm tăng cường sức mua của thị trường trong nước, giảm bớt phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài cũng cần thiết.
Cuối cùng, việc chuẩn bị dư địa cho các chính sách tiền tệ và tài khóa, nhất là khơi thông dòng chảy đầu tư công, để kích thích nền kinh tế cũng sẽ là những công cụ hữu ích giúp Chính phủ chống chọi với hệ lụy từ suy thoái kinh tế toàn cầu một khi nó nổ ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận