15/01/2018 16:19 GMT+7

Sau Sài Gòn, tài xế Grab và Uber tại Hà Nội phản đối mức chiết khấu

TUẤN PHÙNG - CHÍ TUỆ
TUẤN PHÙNG - CHÍ TUỆ

TTO - Nhiều tài xế Uber và Grab ở Hà Nội tập trung tại văn phòng của hai hãng này nhằm yêu cầu giảm tỉ lệ chiết khấu xuống sau "thắng lợi" ở Sài Gòn.

Tài xế tập trung phản đối chính sách chiết khấu của Uber tại Hà Nội - Clip: TUẤN PHÙNG

Trưa 15-1, khoảng 100 tài xế Uber đã tập trung tại văn phòng Uber, phố Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội với mong muốn gặp đại diện Uber Việt Nam đưa đề nghị giảm mức chiết khấu cho tài xế. 

Các tài xế cũng kêu gọi tắt ứng dụng Uber, Grab để biểu thị sự phản đối.

Sau Sài Gòn, tài xế Grab và Uber tại Hà Nội phản đối mức chiết khấu - Ảnh 2.

Tài xế mang xe đến văn phòng Uber tại Hà Nội đề nghị giảm mức chiết khấu - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một tài xế cho biết trước đây Uber đưa tỉ lệ Uber hưởng 15%, tài xế được hưởng 85% tiền cước chuyến đi. Sau đó Uber tăng tỉ lệ lên 20% - 80% và nay tiếp tục tăng lên mức 25%- 75%. 

Tuy nhiên, hiện Uber quy định tài xế nộp cho Uber 4,5% tiền thuế giá trị gia tăng, thế thu nhập cá nhân nên thực tế tài xế phải nộp cho Uber 29,5% cước phí chuyến xe.

"Mức chiết khấu như trên là quá cao, gây khó khăn cho những người vay ngân hàng mua xe để chạy Uber. Còn tiền thuế thu nhập cá nhân mà Uber thu, chúng tôi cũng chưa rõ là có được hoàn lại nếu thu nhập hằng tháng chưa đến mức chịu thuế hay không. Chúng tôi mong muốn đối thoại với Uber nhưng họ không hợp tác" - tài xế này cho biết.

Sau Sài Gòn, tài xế Grab và Uber tại Hà Nội phản đối mức chiết khấu - Ảnh 3.

Nhiều tài xế tập trung tại văn phòng Uber ở Hà Nội đầu chiều 15-1 - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Lực lượng cảnh sát đã có mặt để đảm bảo trật  tự và đề nghị các tài xế giải tán, chỉ để lại người đại diện làm việc với Uber.

Đến 14h30, các tài xế đã phân tán thành từng tốp nhỏ đến những khu vực lân cận, chỉ để lại một số đại diện trước văn phòng chờ làm việc với đại diện của Uber.

Đến khoảng 15h00, đại diện của Uber đã gặp đại diện của nhóm các tài xế phản đối để trao đổi.

Về mức chiết khấu 25%, theo đại diện phát ngôn Uber Việt Nam, hãng đã áp dụng cho đối tác (từ Uber chỉ các tài xế) dòng xe uberX và UberBLACK hoàn thành chuyến đi đầu tiên kể từ 0h ngày 28.04.2017. 

Riêng đối tác hoàn thành chuyến đi đầu tiên trước ngày 28.04.2017, mức phí dịch vụ sẽ giữ nguyên ở mức 20%.

Chị Hằng (đại diện nhóm lái xe Uber) đề nghị giảm chiết khấu và làm rõ % chiết khấu là như thế nào (bao gồm thuế thu nhập cá nhân).

Thứ hai, tăng giá cước cho phù hợp thời điểm giao thông hiện tại vì thời điểm tắc đường, cấm đường phải di chuyển rất lòng vòng, khó khăn trong khi nhiều cuốc đi 1km mà phải di chuyển rất xa.

Một vấn đề nữa là các tài xế để nghị là Uber cần xem xét ý kiến của đối tác trước khi khóa apps vì nhiều khi chỉ vì một ý kiến nhỏ của khách hàng mà hãng không trao đổi lại với đối tác để hiểu rõ vấn đề trước khi khóa.

Theo đại diện phát ngôn Uber, giới tài xé, tức là các đối tác, đóng vai trò quan trọng, vì thế hãng sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với các tài xế trên những mối quan tâm của họ" nhằm tìm ra giải pháp tối ưu.

Theo các tài xế, trong cuộc đối thoại sắp tới, các lái xe Uber sẽ mời luật sư tham dự để đảm bảo quyền lợi cho các lái xe.  

Sau Sài Gòn, tài xế Grab và Uber tại Hà Nội phản đối mức chiết khấu - Ảnh 4.

Lực lượng cảnh sát có mặt khuyên giải các tài xế Uber giải tán - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Sáng cùng ngày, khoảng 100 ôtô và nhiều xe ôm sử dụng ứng dụng Grab cũng "tuần hành" rồi tập trung tại tòa nhà Kim Ánh, nơi có văn phòng của Grab tại phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội đề nghị giảm mức chiết khấu.

Mong muốn chung của các tài xế là Grab đưa mức chiết khấu về 15% thay vì 20% như hiện nay.  

Đến 11h00, các tài xế giải tán, tuyến đường Duy Tân mới thoát khỏi ùn tắc sau khi một số người đại diện tài xế có cuộc trao đổi với Grab.

Sau Sài Gòn, tài xế Grab và Uber tại Hà Nội phản đối mức chiết khấu - Ảnh 5.

Tài xế Grab tập trung tại văn phòng Grab ở Hà Nội sáng 15-1 phản ứng mức chiết khấu - Ảnh: TIỂU LONG

Từ ngày 1-1-2018, Grab Việt Nam đưa ra chính sách khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế bao gồm 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân nằm trong 80% doanh thu mà tài xế được hưởng trong chuyến đi, tương đương 3,6%.

Grab giải thích việc thu hai loại thuế trên là thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỉ lệ phần trăm cho các đối tác sử dụng ứng dụng Grab theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

Tuy nhiên, các tài xế Grab tại TP.HCM phản ứng với chính sách trên và "đình công" phản đối.

Đến ngày 13-1, Grab đã giảm mức chiết khấu từ 23,6% xuống 20%.

TUẤN PHÙNG - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp