Cảnh một ca mổ bắt con trong phim Ngày con chào đời - Ảnh: Đạo diễn cung cấp
"Tôi già rồi nên lại khóc từ đầu đến cuối phim tài liệu Ngày con chào đời… Nhưng lần này là nước mắt của thương yêu và hy vọng", nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Anh Vũ vội chia sẻ dòng trạng thái ngắn ngủi trên trang Facebook cá nhân ngay khi kết thúc phim tài liệu Ngày con chào đời.
Lay động trái tim khán giả
Bộ phim chính là phần tiếp nối của Ranh giới đã được phát sóng vào tối 8-9, đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trên truyền thông từ cả hai phía ngợi ca và chỉ trích về quyền riêng tư.
Ban đầu Tạ Quỳnh Tư chỉ dự định làm một bộ phim là Ngày con chào đời, nhưng những gì mà anh và đồng nghiệp ghi được ở Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) đã thôi thúc anh phải làm thêm một bộ phim về lực lượng y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Ngày con chào đời là phim "phát sinh" nhưng lại được Quỳnh Tư làm trước, ngay tại khu cách ly sau khi rời TP.HCM về Hà Nội, vừa làm vừa rơi nước mắt vì những khốc liệt của COVID-19 trải ra trước mắt nhà làm phim.
Giọt nước mắt cảm động của người mẹ mắc COVID-19 khi vừa vượt cạn thành công, được nghe tiếng khóc của con - Ảnh: Đạo diễn cung cấp
Đón nhận thành công ngoài mong đợi và cả một số phiền toái nhỏ sau khi Ranh giới được phát sóng, Tạ Quỳnh Tư lập tức thoát ra khỏi hào quang và rắc rối để tập trung hoàn thiện hậu kỳ cho phim Ngày con chào đời - một bộ phim không ngộp thở như Ranh giới nhưng vẫn đủ sức lay động trái tim và lấy nước mắt của khán giả.
Vẫn là phong cách phim tài liệu trực tiếp, chỉ có hình ảnh, âm thanh hiện trường, không có lời bình và kịch bản gần như chỉ là một phác thảo ý tưởng ban đầu, Ngày con chào đời một lần nữa "mở mắt" cho khán giả được thấy thật gần, thật rõ "bộ mặt" tàn khốc của COVID-19.
Sự tàn khốc của dịch bệnh khiến những đứa trẻ buộc phải sinh non, những bà mẹ phải rời khúc ruột của mình ngay khi con vừa chào đời, khiến những đứa trẻ sơ sinh ngơ ngác nơi phòng nhi với những bạn bè chỉ biết khóc giống mình cùng những cô bảo mẫu "kỳ dị" trong bộ đồ bảo hộ kín mít chứ không phải là trong vòng tay êm ấm của mẹ và người thân…
Cảnh phim một điều dưỡng bế em bé sơ sinh trên tay, em bé nhìn thẳng ngơ ngác vào gương mặt điều dưỡng chỉ còn hở ra đôi mắt mệt mỏi vì ráng sức gợi bao suy tư cho người xem khi nghĩ về những đứa trẻ đặc biệt ngay từ thời khắc sinh ra, đón nhận hình ảnh đầu tiên trong đời chẳng phải khuôn mặt yêu dấu của mẹ cha bởi COVID-19.
Cha mẹ đều mắc COVID-19 nên chỉ được xem con qua ảnh và clip các điều dưỡng gửi - Ảnh: Đạo diễn cung cấp
Câu chuyện những người mẹ chỉ được nhìn con trong giây lát sau khi vượt cạn, có người mẹ vì mệt quá nên khoảnh khắc ấy không đủ sức nhìn rõ và ghi nhớ gương mặt con mình, khi tỉnh lại thì con với mẹ mỗi người mỗi ngả... có lẽ khiến không chỉ những người từng làm mẹ mà tất cả khán giả đều phải rơi nước mắt.
Còn gì cồn cào hơn bầu sữa căng tức của những người mẹ phải tách khỏi đứa con mình vừa vượt thác lũ sinh ra đời, và còn gì nhói lòng hơn tiếng khóc khát sữa mẹ của những em bé vừa lọt lòng đã thành chiến binh cùng mẹ vượt sóng dữ COVID-19.
Ngày con chào đời còn cho thấy một điều lay động khác: giữa tang thương dịch bệnh vẫn bừng lóe lên ánh sáng của tình yêu thương để nuôi dưỡng những mầm hy vọng.
Ngay ở nơi mà những sản phụ mắc COVID-19 phải "đi biển mồ côi một mình", giành giật sự sống mong manh cho mình và con, thì những đứa trẻ vẫn cất tiếng khóc chào đời, như những mầm sống vươn lên mãnh liệt từ đống tro tàn.
Thế giới đang đối mặt với COVID-19 theo cách như thế, đầy cam go, khốc liệt, nhiều tổn thất, nhưng mạch sống vẫn chảy trôi không ngừng. Và bàn tay nâng niu những mầm sống ấy chính là các y bác sĩ.
Bàn tay nâng niu những mầm sống giữa đại dịch COVID-19 chính là các y bác sĩ - Ảnh: Đạo diễn cung cấp
Khán giả được "thở" khi xem Ngày con chào đời
Vẫn giống như trong Ranh giới, hình ảnh những bước chân vội vàng, những cuộc điện thoại không ngừng để xin thêm người, để gọi cấp cứu, để an ủi người nhà những em bé đang yếu ớt đã trở thành quen thuộc…
Những lời đối thoại như: "Còn 4 ca nữa… Chờ em chút xíu, đừng cúp máy… Phòng mổ ơi… Đúng rồi qua liền giùm em nhé… Lỡ không qua kịp thì mất bé, chị Tâm cho người qua giùm em đi…", cùng tiếng chuông điện thoại, tiếng sụt sịt của bệnh nhân, tiếng gào khóc "đồng thanh" của những em bé vừa vượt cửa tử liền bị tách khỏi mẹ… đã phơi lộ bao khó khăn, mệt nhọc của các y bác sĩ tuyến đầu.
Những khung hình nội cảnh chặt trong được sử dụng tiết chế hơn trong Ranh giới, đôi chỗ có thể khiến khán giả ngộp thở trước sự quá tải của các y bác sĩ. May thay, Ngày con chào đời mở rộng không gian khỏi bệnh viện cho khán giả được "thở".
Phim đưa người xem ra đường với cặp vợ chồng đón con về nhà, ghé thăm mái nhà nơi những ông bố, bà mẹ và cả những đứa trẻ đang ngóng đợi "cục cưng" về nhà, thấy cơn mưa Sài Gòn, gặp bà mẹ già cạo đầu để cầu cho con gái mang thai mắc COVID-19 được mẹ tròn con vuông…
"Sau khi bóp nghẹt bằng Ranh giới thì ê-kip của VTV đặc biệt đã cho khán giả được "thở". Khán giả vẫn tốn nước mắt nhưng đây là nước mắt của tin yêu và hy vọng", chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tối 22-9, ông Vũ so sánh hai bộ phim do Tạ Quỳnh Tư sản xuất trong 22 ngày ghi hình tại TP.HCM tháng 8 vừa qua.
Dưới con mắt của một nhà viết kịch, ông Vũ nói ông rất nể tài chọn nhân vật, chi tiết, hình ảnh giàu ngôn ngữ và câu chuyện của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, nhiều chi tiết nhỏ nhưng tính biểu tượng cao, đặc biệt là tài năng dẫn dắt cảm xúc của người xem.
"Loáng thoáng trong phim vẫn có nhiều yếu tố mang tính tuyên truyền nhưng sâu thẳm vẫn là tính chiến đấu, bảo vệ quyền làm người. Và quyền hy vọng", ông Vũ nhận định.
Chia sẻ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư về phim tài liệu 'Ngày con chào đời' - VTV24
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận