Giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trong khi đó do đã "xếp hàng" chờ quá lâu nên doanh nghiệp rất nóng lòng được vay vốn khi mùa làm ăn cuối năm đến gần.
Sau nới room: doanh nghiệp buồn hiu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, T., nhân viên tín dụng một NH cổ phần tại TP.HCM, cho biết ngay sau khi có thông tin NH Nhà nước nới room tín dụng, những khách hàng đã được duyệt hồ sơ vay vốn từ trước nhưng chưa được giải ngân đã liên tục gọi điện thoại để đốc thúc cả ngày lẫn đêm. Trong khi thực tế đến nay hội sở vẫn chưa có thông báo phân bổ về chi nhánh do vậy chưa thể giải ngân dù hồ sơ xếp hàng chờ.
"Tôi chỉ biết trả lời khách hàng là em sẽ cố gắng giải ngân ngay khi có thông báo nhưng khách hàng gọi liên tục, có khách còn hỏi thẳng là cần mua bảo hiểm bao nhiêu? Tôi cũng lo lắng với hạn mức được nới hạn hẹp như vậy thì chi nhánh tôi có được phân chỉ tiêu hay không, nếu có chắc sẽ chỉ đủ cho những khoản vay nhỏ chừng 1 - 2 tỉ đồng/hồ sơ, còn các hồ sơ vay lớn chắc rất khó", T. nói.
Không chỉ với các khoản vay thông thường mà ngay cả vay cầm cố sổ tiết kiệm cũng không thể được. Chị Lê Thị Thanh N. (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị cần 300 triệu đồng để xử lý việc gấp của gia đình. Do chọn gửi sản phẩm không được rút trước hạn nên chị đã dùng chính sổ tiết kiệm trị giá hơn 1 tỉ đồng để cầm cố vay 300 triệu đồng tại NH (VPBank), nơi chị gửi tiền. Tuy nhiên, chị đã không vay được.
"Tôi vào app NH để mở khoản vay thì hệ thống tự động thông báo đang bảo trì. Tôi hỏi nhân viên NH thì được giải thích là họ đã hết room tín dụng, không thể và cũng chưa biết bao giờ mới cho vay được. Trong khi trên báo, lãnh đạo NH này xác nhận là vừa được NH Nhà nước nới room mức 0,7%", chị Lê Thị Thanh N. kể.
Giám đốc Công ty thương mại và đầu tư Thuận Phát (Hà Nội) cho hay đang hồi hộp chờ giải ngân khoản vay hơn 20 tỉ đồng từ một NH lớn ở Hà Nội. Hợp đồng đã được duyệt hơn một tháng rồi nhưng vẫn chưa thể giải ngân vì NH nói cạn room tín dụng.
Hơn hai tháng nay kinh doanh trong tình trạng ngóng đợi vốn nên doanh nghiệp đuối lắm rồi, như người bệnh thoi thóp thiếu oxy. Để đảm bảo tiến độ sản xuất và thời gian giao hàng, doanh nghiệp đã phải xoay xở đủ cách để có vốn. Vì giao hàng chậm một ngày là bị phạt, không những thế doanh nghiệp còn bị mất uy tín và chỉ còn nước đóng cửa. Cũng lo ngại về lãi suất cho vay sẽ tăng, vị lãnh đạo Công ty Thuận Phát cho rằng cũng đành chấp nhận nhưng với mức vừa phải dưới 10%/năm.
Doanh nghiệp rất nóng lòng được vay vốn khi mùa làm ăn cuối năm đến gần. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
NH giải ngân rất chọn lọc
Trên thực tế, lãi suất cho vay đã nhích lên trong thời gian qua nhưng NH giải ngân rất chọn lọc. Ông Nguyễn Thành Tùng, phó tổng giám đốc phụ trách ban điều hành Vietcombank, cho biết vừa được chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng. Như vậy, sau khi được nới, room tín dụng năm nay của Vietcombank ở mức 17,7%. Vietcombank tập trung giải ngân vào các lĩnh vực sản xuất, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế.
Đồng thời Vietcombank cũng cam kết với NH Nhà nước và khách hàng là cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn cũng như lãi suất cho vay ở mức hợp lý để trong những tháng cuối năm nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi phát triển kinh tế. Dù việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay từ nay đến cuối năm là vô cùng khó khăn.
Để được giao thêm room tín dụng, theo ông Tùng, NH Nhà nước căn cứ kết quả đánh giá xếp hạng an toàn về vốn, kiểm soát thanh khoản, chất lượng tài sản, khả năng quản trị điều hành cũng như kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của từng NH được quy định tại thông tư 52 năm 2018. Bên cạnh đó, NH cũng phải thực hiện tốt các chỉ đạo của NH Nhà nước như giảm lãi suất cũng như hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém...
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cũng cho hay khi được NH Nhà nước nới room, NH phải cam kết với NH Nhà nước là dành vốn cho những lĩnh vực ưu tiên, hạn chế vốn vào những lĩnh vực rủi ro. "Trên cơ sở room được giao thêm, NH đã phân bổ đến các chi nhánh chủ động nhưng vẫn trên nguyên tắc thận trọng vì từ nay đến cuối năm còn đến bốn tháng - cũng là những tháng cao điểm nhất vì là mùa làm ăn cuối năm", vị giám đốc khối khách hàng cá nhân này nói.
Không chỉ với các khoản vay thông thường mà ngay cả vay cầm cố sổ tiết kiệm cũng không thể được. Tôi hỏi nhân viên NH thì được giải thích là họ đã hết room tín dụng, không thể và cũng chưa biết bao giờ mới cho vay được. Trong khi trên báo, lãnh đạo NH này xác nhận là vừa được nới room 0,7%.
Chị Lê Thị Thanh N.
Tiền đồng khan hiếm, NH phải chạy đua?
Dù room tín dụng toàn hệ thống NH vẫn giữ ở mức 14% tuy nhiên những ngày gần đây đã chứng kiến cuộc "chạy đua vũ trang" giữa các NH để giữ nguồn vốn. Từ đầu tháng 9 đến nay lãi suất huy động tại nhiều NH tiếp tục tăng ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1%/năm.
Không chỉ trên thị trường dân cư, lãi suất trên thị trường liên NH cũng dậy sóng. Từ mức trung bình 0,5%/năm cuối tháng 6, lãi suất bình quân liên NH kỳ hạn qua đêm tăng mạnh và đạt mức 6,88%/năm phiên ngày 7-9, trước khi giảm nhẹ về mức 5,9%/năm ở phiên ngày 8-9.
Như vậy lãi suất qua đêm trên thị trường liên NH đã tăng từ 12 - 14 lần trong vòng hai tháng qua và liên tục duy trì ở mức cao. Mức lãi suất qua đêm này thậm chí còn cao hơn lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng trên thị trường dân cư của một số NH. Trong khi trước đó, thanh khoản VND liên NH luôn ở mức dư thừa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một NH cổ phần lớn cho biết có nhiều nguyên nhân: lạm phát tăng khiến NH Nhà nước siết tín dụng, song song đó là hút tiền về qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ. Tiền đồng khan hiếm khiến các NH phải tăng cường vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên NH đã đẩy lãi suất liên NH lên cao, song song đó là tăng lãi suất huy động vốn của người dân. Từ đó dẫn đến cuộc đua lãi suất giữa các NH trong thời gian gần đây.
Mặt khác, vì tín dụng bị siết, doanh nghiệp phải tăng cường dùng vốn tự có khiến nguồn tiền bị rút ra khỏi hệ thống NH. Thêm nữa, lạm phát cao khiến người gửi tiền cũng tính toán chuyển vốn qua kênh đầu tư khác thay vì gửi tiết kiệm. Do đó, dù lãi suất huy động tăng nhưng tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống từ đầu năm đến nay luôn ở mức thấp hơn tăng trưởng tín dụng.
Hiện đang xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về việc quản lý theo room tín dụng, thậm chí có ý kiến đề nghị gỡ bỏ room để thị trường vận động.
Theo ông Nguyễn Thành Tùng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành NH đến cuối tháng 8 là 9,91% nhưng huy động vốn chỉ có 3,8%. Đây là lý do nhiều tổ chức tín dụng đã buộc phải đẩy lãi suất huy động lên rất cao. Như vậy, huy động vốn thật sự rất nóng.
Áp lực kép
Theo một vị lãnh đạo NH cổ phần (đề nghị không nêu tên), một áp lực kép là ngày 1-10 tới đây, tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa sẽ giảm từ 37% xuống 34%.
Đó cũng là một trong những áp lực buộc các NH phải đẩy mạnh huy động vốn nhằm đạt tỉ lệ theo yêu cầu của NH Nhà nước. Kéo theo đó lãi suất cho vay cũng đi lên. Hiện lãi suất cho vay với doanh nghiệp ở mức 6,5 - 7,5%/năm trong khi lãi suất cho vay cá nhân từ 11 - 12%/năm tùy NH, chưa tính chi phí do phải mua bảo hiểm.
Đáng chú ý là một số NH nâng lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng lên cao vì đây chính là lãi suất tham chiếu cho các khoản vay, từ đó đẩy lãi suất cho vay lên cao. Chẳng hạn NH An Bình tăng lãi suất kỳ hạn 13 tháng thêm 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó, lên mức 8,8%/năm. Nếu cộng thêm biên độ trung bình 4,5%/năm thì mức lãi suất cho vay với cá nhân lên đến trên 13%/năm.
Tăng lãi suất kèm khuyến mãi, cộng tiền...
Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất ở các kỳ hạn kèm theo đó là khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, thậm chí cộng tiền... - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
NH Quân Đội (MB) tăng mạnh lãi suất kỳ hạn 24 tháng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 12 tháng tại MB cũng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm. Với kỳ hạn 3 tháng, MB tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên 3,8%/năm.
Còn Sacombank tăng lãi suất thêm 0,2%/năm với các kỳ hạn 6, 12 và 24 tháng lên lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm.
Ở nhóm các NH nhỏ, cuộc đua lãi suất diễn ra rất sôi động. Cụ thể NH Bản Việt tăng lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng lên kịch trần 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2% lên 6,6%/năm. Với sản phẩm Tiết kiệm linh hoạt với kỳ hạn ngày từ 184 ngày trở lên, với mức gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, lãi suất áp dụng là 6,7%/năm, với mức gửi từ 300 triệu đồng trở lên lãi suất áp dụng 6,8%/năm.
NH Nam Á cũng tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 9 tháng thêm 0,3%/năm, lên 6,9%/năm. Với hình thức gửi online, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại NH Nam Á là 7,2%/năm, còn kỳ hạn từ 13 tháng đến 36 tháng lãi suất huy động áp dụng tại NH này ở mức 7,3/năm.
Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại các NH nhỏ đều trên 7%/năm, như tại SCB lãi suất huy động cao nhất đang ở mức 7,55%/năm, Kienlongbank cao nhất 7,3%/năm, Techcombank cao nhất 7,1%/năm...
Nhiều ngân hàng (NH) đã tăng lãi suất ở các kỳ hạn kèm theo đó là khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, thậm chí cộng tiền...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận