16/05/2024 13:29 GMT+7

Sau nghi vấn ngộ độc ở Bình Thuận, nhà hàng tự đưa mẫu đi kiểm nghiệm đúng không?

Nhà hàng tự đưa mẫu thức ăn đi kiểm nghiệm với kết quả đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, chuyên gia cho rằng kết quả kiểm nghiệm với quy trình này là không có cơ sở kết luận.

Nhà hàng Hồng Vinh ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, Bình Thuận tự đưa mẫu thức ăn đi kiểm nghiệm theo yêu cầu của đơn vị lữ hành, sau nghi vấn ngộ độc thực phẩm khiến 51 du khách nhập viện - Ảnh: Đ.TRONG

Nhà hàng Hồng Vinh ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, Bình Thuận tự đưa mẫu thức ăn đi kiểm nghiệm theo yêu cầu của đơn vị lữ hành, sau nghi vấn ngộ độc thực phẩm khiến 51 du khách nhập viện - Ảnh: Đ.TRONG

Liên quan vụ 51 khách nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm ở Bình Thuận, sáng 16-5, đại diện nhà hàng Hồng Vinh ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết viết thư cảm ơn các đơn vị liên quan và công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn do tự mình đưa đi theo yêu cầu đối tác.

Mẫu do nhà hàng tự gửi tới

Theo kết quả kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bình Thuận, các mẫu thức ăn có trong thực đơn hôm du khách dùng nghi bị ngộ độc do nhà hàng Hồng Vinh gửi đến (theo yêu cầu của đơn vị lữ hành) đều đảm bảo quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mẫu kiểm nghiệm các món gồm: mực nhúng giấm, cá mặt quỷ um cà ri, hàu đút lò, lẩu hải sản, ốc hương rang tiêu, ghẹ hấp.

Trong thư cảm ơn, đại diện nhà hàng Hồng Vinh cho biết đã trải qua những khó khăn nhất định khi nghi vấn vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến mình.

"Với uy tín hơn 20 năm phục vụ dịch vụ ăn uống tại khu du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né chưa một lần để xảy ra sự cố hoặc liên quan đến ngộ độc thực phẩm, nên chúng tôi rất buồn. Do vậy, với trách nhiệm của mình, chúng tôi phải làm rõ nguyên nhân từ đâu, chúng tôi đã chủ động gởi ngay mẫu thực phẩm phục vụ đoàn khách đến cơ quan chức năng yêu cầu giám định để minh oan cho chính mình, đồng thời bảo vệ thương hiệu của nhà hàng Hồng Vinh", trích thư cảm ơn của nhà hàng.

Đại diện nhà hàng viết thêm: "Nay chúng tôi rất vui mừng khi cơ quan chức năng đã có kết luận chính thức là thực phẩm nhà hàng Hồng Vinh cung cấp cho khách hàng (ngày xảy ra sự cố) đảm bảo quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm".

Vị đại diện nhà hàng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các đơn vị liên quan đã quan tâm, chia sẻ giai đoạn khó khăn vừa qua, hứa sẽ không ngừng cố gắng hoàn thiện để phục vụ tốt hơn.

Kết quả kiểm nghiệm không có cơ sở kết luận

Liên quan đến quy trình lấy mẫu như trên của nhà hàng, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết trường hợp mẫu kiểm nghiệm thực phẩm mà cơ sở kinh doanh tự lấy gửi đi các đơn vị sẽ không có giá trị pháp lý.

Theo bà Lan, khi có vụ ngộ độc xảy ra, cơ quan chức năng lấy mẫu phải đúng phân cấp, sau đó sẽ gửi mẫu kiểm nghiệm đến các phòng thí nghiệm được chỉ định.

Tương tự, một đại diện Sở Y tế Bình Thuận cho biết quy trình kiểm nghiệm để ra được kết luận liên quan đến ngộ độc thực phẩm là phức tạp, mất nhiều ngày. Cơ sở kinh doanh tự kiểm nghiệm mẫu thực phẩm của mình sau vụ việc không phải là cơ sở pháp lý để kết luận, việc lấy mẫu kiểm nghiệm phải thực hiện bởi cơ quan chức năng và có sự chứng kiến của đại diện cơ sở kinh doanh.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đến Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế, thời điểm đoàn kiểm tra làm việc, nhà hàng Hồng Vinh có ghi chép việc lưu mẫu bữa ăn theo thực đơn nhưng không còn, do tự đưa đi kiểm nghiệm trước đó theo yêu cầu của đơn vị lữ hành.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 12-5, đoàn khách khoảng 750 người đến TP Phan Thiết, Bình Thuận tham quan nghỉ dưỡng. Trưa cùng ngày, đoàn có chia thành 2 tốp để dùng bữa tại các nhà hàng khác nhau trước khi về các resort nghỉ ngơi.

Tối 12-5, tất cả khách trong đoàn tham gia Gala dinner tại nhà hàng Hồng Vinh với các thực đơn như trên. Kết thúc Gala dinner, có một nhóm khách tiếp tục mua thêm đồ ăn (chưa rõ nguồn gốc) để nhậu. Đến 23h30 cùng ngày, du khách bắt đầu có các triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, đi phân lỏng, chóng mặt…

Trong ngày 13-5, tổng cộng có 51 du khách nhập viện cùng các triệu chứng như trên.

Theo quy định của Bộ Y tế về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm khi có vụ ngộ độc xảy ra: Cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm phải giữ lại toàn bộ thức ăn còn lại, mẫu thực phẩm, báo cáo ngay với cơ quan y tế và UBND địa phương nơi gần nhất. Đồng thời, niêm phong và bảo quản toàn bộ thức ăn còn lại sau bữa ăn, thức ăn lưu, bệnh phẩm nghi ngờ ngộ độc và các tài liệu liên quan.

Đơn vị lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm (chất nôn, dịch hút dạ dày…) khi có vụ ngộ độc xảy ra phải là cơ quan y tế dự phòng, bệnh viện hoặc các viện chức năng thuộc Bộ Y tế.

Người trực tiếp lấy mẫu là thành viên của đoàn kiểm tra, thanh tra; được đào tạo và có chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm. Đồng thời phải trực tiếp lấy mẫu tại cơ sở hoặc theo chỉ định của đoàn thanh tra.

Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm, không chỉ Bộ Y tế có trách nhiệmLiên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm, không chỉ Bộ Y tế có trách nhiệm

Vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ riêng Bộ Y tế quản lý, mà các cấp các ngành đều phải vào cuộc vì liên quan rất nhiều lĩnh vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp