Ngày 15-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển".
Sẽ có nghị quyết tháo gỡ khó khăn
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh sau một năm Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế. Từ một trong những quốc gia có chính sách mở cửa cởi mở, nhưng Việt Nam lại đang "về sau" khi kết thúc năm 2022, cả nước chỉ đón được 3,5 triệu khách quốc tế, bằng 70% so với kế hoạch. Còn nếu so với năm 2019 thì giảm đến 80%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề bên cạnh những nguyên nhân khách quan mà cả thế giới phải đối mặt như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khi du lịch Việt Nam "đi trước về chậm".
Tại sao tỉ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp?
Các giải pháp đúng và trúng chưa?
Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong du lịch?
Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa?
Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?
Thủ tướng cũng yêu cầu đề xuất giải pháp mang tính đột phá, hiệu quả bền vững.
Sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.
Những vướng mắc liên quan đến pháp luật thì đề xuất lên Quốc hội, quan trọng là phải cùng nhau suy nghĩ, có giải pháp, hiến kế để chọn việc trọng tâm, trọng điểm, bố trí người lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, làm việc nào chắc việc đó.
Khơi thông thị trường du lịch trọng điểm
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết thời điểm diễn ra hội nghị này cũng là ngày đầu tiên Trung Quốc nối lại hoạt động du lịch với Việt Nam, cho phép khách du lịch theo đoàn qua cửa khẩu đường bộ.
Trong sáng 15-3, tỉnh Quảng Ninh đang chuẩn bị lễ đón 150 du khách đầu tiên đến bằng cửa khẩu đường bộ, đây là tín hiệu vui rất rõ sau một năm mở cửa du lịch quốc tế.
Dù năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với kế hoạch. Nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đã đạt gần 50% của năm ngoái, sức bật của du lịch rất lớn.
Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại của ngành du lịch Việt Nam cần phải thay đổi để bứt phá hơn, phát triển ngành du lịch thành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần của nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Các doanh nghiệp du lịch vẫn phụ thuộc vào khách truyền thống, chính sách visa vẫn chưa thật sự cởi mở, nguồn nhân lực có kỹ năng làm du lịch còn thiếu sau dịch, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn, thiếu bản sắc...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhìn nhận đây là những điểm nghẽn cần tháo gỡ để đưa khách vào Việt Nam và cần các ý kiến đóng góp, đề xuất của các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đánh giá việc trong ba tháng đã có hai hội nghị tháo gỡ cho du lịch được tổ chức, cho thấy Chính phủ nhìn nhận sự cấp bách của ngành. Tuy vậy, nhiều vấn đề được đề xuất vẫn chưa có thay đổi.
Cụ thể, chính sách tạo thuận lợi cho du khách vào Việt Nam như cải thiện thời gian xử lý visa, mở lại thủ tục nhận visa ở cửa khẩu, tiến tới việc cấp trực tiếp visa ở cửa khẩu cho khách du lịch có đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam, kéo dài thời gian lưu trú lên 30 ngày cho khách đã miễn visa được ra vào Việt Nam nhiều lần...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận