Chỉ có cúp điện mới biết ca sĩ nào hát hay hoặc dở, truyền cảm hay không
Phóng to |
Để có thể đứng dài lâu trên sân khấu, những ca sĩ được cho là có chất giọng đẹp trời cho như Tùng Dương, Hồng Nhung, Mỹ Linh hay Tuấn Ngọc (từ trái qua) đều phải qua luyện tập - Ảnh: Gia Tiến |
Gần ba thập kỷ qua, bắt đầu từ thời mở cửa tới giờ, sức sống của dòng nhạc thịnh hành (hay còn gọi là nhạc thị trường hoặc nhạc nhẹ) phát triển khá mạnh mẽ.
Trong sự phát triển, dần dà bộc lộ sự đan xen, sự lẫn lộn giữa những giá trị thật và ảo. Sở dĩ có sự lẫn lộn này phải kể đến những công cụ hỗ trợ, lăngxê hết sức đắc lực như dàn âm thanh điện tử tối ưu, có đủ khả năng phô diễn cái được (tuy còn chưa nhiều ở một giọng ca) và giấu đi cái chưa được (tuy còn rất nhiều ở một giọng ca), như công nghệ tổ chức biểu diễn bắt đầu hình thành và cả ưu thế truyền thông khi được tận dụng để tạo ra lợi ích trước mắt.
Ðúng như tiến sĩ Văn Thị Minh Hương trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ (số ngày 29-8): ”.
Sự lẫn lộn nói trên qua thời gian đã âm ỉ gia tăng dần những luồng dư luận khác nhau và nó chỉ thật sự bùng phát sau ý kiến nhận xét thẳng thắn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Mọi lời qua tiếng lại rồi cũng sẽ nhanh chóng lùi vào dĩ vãng, nhưng bằng cái nhìn khách quan thì lại nhận ra ở sự việc này một thông báo rằng: “Ðã đến lúc cái thật lên ngôi”.
Là một nhà báo theo dõi âm nhạc khá nhiều năm qua, tôi luôn luôn bình thản nhìn nhận những làn sóng dội trào trước mắt, để tìm thấy ở sau nó sự phát triển lành mạnh của nhạc Việt.
Cũng đã thấy không ít những ý kiến chê chương trình “Bài hát Việt”, nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng đã có một thế hệ nhạc sĩ trẻ xuất hiện vững vàng như Lê Minh Sơn, Võ Thiện Thanh, Giáng Son, Ðức Trí, Ðỗ Bảo, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Cát Trọng Lý, Hồ Hoài Anh, Lưu Thiên Hương, Nguyễn Ðức Cường...
Cũng không ít ý kiến chê chương trình “Sao Mai”. Nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng đã có một thế hệ ca sĩ tài năng xuất hiện khắp cả nước như Thanh Thúy, Lâm Phương, Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương, Khánh Linh, Ngọc Khuê, Thành Lê, Tân Nhàn, Hà Anh Tuấn, Phương Linh...
Và điều đáng mừng là họ vẫn đang “cạnh tranh lành mạnh” để tạo ra “thị phần thưởng thức” của chính mình. Những giá trị ảo tự nó đã dần dà tự lung lay từ trong nhận thức của giới thưởng thức. Lung lay nên mới lo sợ, nên mới ứng xử bất cẩn khi nghe những nhận xét trái ngược về mình.
Tôi còn đồng cảm với TS Văn Thị Minh Hương khi chị chỉ ra cái gốc là giáo dục âm nhạc. Cái phần chưa làm được của sự giáo dục này trong quá khứ đã được nhận ra rất rõ, để rồi từng bước khắc phục sửa chữa.
Cách đây mười hôm trước, vào một chiều mưa - chiều 20-8-2013 tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã diễn ra chương trình thi Piano Club bán chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất. Thật cảm động khi chứng kiến các thí sinh “nhí” lên sân khấu thực hiện bài thi của mình.
Thí sinh nhỏ tuổi nhất là Lê Hoàng Tiên sinh năm 2007. Thí sinh lớn tuổi nhất là Nguyễn Lê Bảo Khanh sinh năm 2003. Ðây chính là lứa tuổi của một thế hệ tương lai đã thật sự được hưởng một thời đại giáo dục âm nhạc mới mẻ và chính quy. Chính thế hệ này sẽ góp phần đưa cái thật lên ngôi.
Ngay cuộc thi “Sao Mai” năm nay sẽ có đêm chung kết vào tối 31-8, cũng có những đổi mới đáng khích lệ. Lần đầu tiên trong cuộc thi có những thí sinh người Việt ở khu vực châu Âu tham gia và chắc chắn trong tương lai sẽ là sự góp mặt của các thí sinh người Việt trên toàn cầu.
Ðành rằng tài năng không phải lúc nào cứ tổ chức thi là gặt hái được mỹ mãn. Nhưng nếu cứ làm thường xuyên thì không ít hi vọng. Và cứ thế, dần dà những giá trị ảo sẽ dần tan biến. Những cái thật sẽ dễ đàng hoàng lên ngôi.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận