Và Nhà máy xe lửa Gia Lâm nữa, sẽ ra sao sau những ngày lễ hội biến thành một tổ hợp sáng tạo đón khách tham quan?
Đây là câu hỏi Tuổi Trẻ Online đặt ra với ban tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tại buổi họp báo giới thiệu về lễ hội ngày 13-11.
Không dễ giải quyết vì những quy định về sử dụng tài sản công
Ông Đỗ Đình Hồng, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, đại diện ban tổ chức lễ hội, cho biết câu chuyện không dễ giải quyết vì những quy định về sử dụng tài sản công, về cơ quan quản lý các "di sản" này.
Trước hết, Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay tháp nước Hàng Đậu được các chuyên gia, những người yêu Hà Nội coi là những di sản công nghiệp quý giá cần được phát huy. Nhưng luật chưa có nội dung quy định về di sản công nghiệp. Nên những công trình này hiện là tài sản của các công ty chứ chưa được xếp hạng di tích.
Tháp nước Hàng Đậu hiện thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, mà trực tiếp là Tổng công ty Nước sạch Hà Nội quản lý. Tất nhiên công ty quản lý công trình này như một công trình đã không còn công năng sử dụng, đóng cửa để đó.
Duy có lần nó thành một không gian nghệ thuật khi được thắp sáng bằng công nghệ chiếu sáng của Hà Lan trong một số ngày tháng 4-2016.
Tại lễ hội năm nay, để có thể biến tháp nước Hàng Đậu thành một không gian nghệ thuật, với một triển lãm sắp đặt âm thanh và ánh sáng kể câu chuyện về nước, một hoạt động quan trọng trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phải gửi công văn tới Sở Xây dựng Hà Nội để sở này chỉ đạo Tổng công ty Nước sạch Hà Nội phối hợp thực hiện.
Tương tự, Nhà máy xe lửa Gia Lâm hiện là một cơ sở sản xuất, thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, tổng công ty này đã có sự hợp tác chặt chẽ để biến không gian nhà máy đang giảm dần hoạt động này thành một tổ hợp sáng tạo gồm nhiều không gian kiến trúc, các phòng trưng bày triển lãm tranh, ảnh, triển lãm về lịch sử ngành đường sắt Việt Nam…
Tất nhiên sau lễ hội, chúng sẽ trở lại với chức năng của mình đang được pháp luật quy định: là các tài sản công của các tổng công ty, các công trình còn hoạt động cầm chừng như Nhà máy xe lửa Gia Lâm hoặc chỉ là phế tích như tháp nước Hàng Đậu.
Mong muốn có cơ chế chính sách để khai thác tốt hơn các di tích
Ông Đỗ Đình Hồng cho biết Hà Nội mong muốn có thêm nhiều không gian sáng tạo, các không gian nghệ thuật hấp dẫn, trong đó có tháp nước Hàng Đậu, các ga, cầu Long Biên…
Vì vậy qua lễ hội lần này, nhìn vào sự biến đổi của các di sản công nghiệp nói trên, đóng góp vào cho đời sống văn hóa của thủ đô thì có thể tiến tới vận động sửa các luật, nghị định, thông tư liên quan để thành phố khai thác tốt hơn các không gian này.
Ông Hồng cho biết quận Ba Đình đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị được giao quản lý tháp nước Hàng Đậu thay cho Tổng công ty Nước sạch Hà Nội.
Ngoài ra, HĐND TP Hà Nội đã có nghị quyết di dời hai nhà máy là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy bia Hà Nội. Những không gian này sau di dời không nhất thiết phải biến thành công viên, vườn hoa, trường học… mà có thể tận dụng những công trình kiến trúc ở đây để tái tạo chúng thành những không gian sáng tạo hấp dẫn.
Nhưng cơ chế khai thác, quản lý thế nào, cơ quan nào đứng ra làm hay sử dụng mô hình hợp tác công tư… thì sẽ phải tính toán. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội mong muốn có cơ chế chính sách để sử dụng, khai thác tốt hơn các di tích này.
Ông Hồng cho biết số tiền ngân sách cho Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023 không nhiều, mà do một số doanh nghiệp tài trợ, và đặc biệt là sự đóng góp nhiệt tình của hơn 200 kiến trúc sư, nghệ sĩ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận