Một vườn dừa ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đang chết rụi vì sâu. Loại sâu đầu đen đang hoành hành cây dừa (ảnh nhỏ) - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Trước đó, dừa của một số nhà vườn tại các huyện Bình Đại, Mỏ Cày Nam... cũng giảm phân nửa năng suất hoặc chết dần chết mòn vì loại sâu này.
Ông Đặng Công Giảng ngụ ấp 1, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết toàn bộ 6 công dừa (6.000m2) đang cho trái đã bị chết rụi sau 3 tháng bị sâu hoành hành. Giáp tết, lá dừa khô cháy, lan rất nhanh cây này sang cây khác, vườn này sang vườn khác.
"Dù được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn phun xịt nhưng do cây quá cao nên phương pháp này không ăn thua. Chúng tôi mất cả vườn dừa", ông Giảng nói về vườn dừa đã đốn gần hết.
Dùng tay bóp theo một lá dừa để tìm sâu, ông Ba có vườn dừa tơ gần đó cho biết hàng trăm cây dừa tơ của nhà ông cũng cùng chung số phận. Còn may do cây còn nhỏ nên tiện theo dõi hơn.
Ông kể: "Ban đầu sâu ăn bề mặt và phần mặt dưới của lá dừa. Sau đó chúng sẽ làm các mạng tơ ở mặt dưới của lá, sâu nhỏ sẽ ẩn mình ở đây để ăn lá, lá bị hại nhìn như bị cháy sém. Sâu này thậm chí còn tấn công cả phần bề mặt màu xanh của trái dừa".
Bến Tre hiện có hơn 72.000ha đất trồng dừa, sản lượng trên 600 triệu trái/năm. Cây dừa là một trong những cây trồng chủ lực gắn với đời sống và thu nhập của người dân. Sâu đầu đen gây hại lan nhanh, nhiều hộ gia đình Bến Tre mất nguồn thu nhập hằng tháng.
Ngày 17-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Quang Đức, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, cho biết sở đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tìm biện pháp phòng trừ sâu này. Hiện sâu đã tấn công khoảng 50ha dừa trên toàn tỉnh.
"Qua đánh giá sơ bộ, đây là sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, từng gây hại cây dừa ở Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan... Chúng có thể tấn công nhiều bộ phận của cây dừa từ khi trồng cho đến khi có trái.
Từ khi phát hiện sâu này (giữa tháng 7-2020), ngành chức năng đã tiến hành phun xịt thuốc bằng phương tiện bay mini điều khiển từ xa. Tuy nhiên sau đó sâu vẫn tiếp tục xuất hiện tại một số vùng trồng dừa khác ở Châu Thành, Mỏ Cày Nam.
Chúng tôi đã hướng dẫn bà con dùng thuốc sinh học hiệu quả nhất. Tỉnh cũng phối hợp với Trường đại học Nông lâm và Chi cục Bảo vệ thực vật phía Nam nghiên cứu giải pháp tìm những loại ký sinh để kiểm soát sâu đầu đen này", ông Đức cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận