15/05/2019 08:53 GMT+7

Sau gian lận thi cử, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang hứa năm nay thi nghiêm túc

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình - ba điểm nóng gian lận thi cử vừa qua, được đề cập nhiều tại hội nghị thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức với 63 điểm cầu trên cả nước ngày 14-5.

Sau gian lận thi cử, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang hứa năm nay thi nghiêm túc - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12A14 Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11, TP.HCM ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ 2 và THPT quốc gia 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đại diện các tỉnh thành, đặc biệt là ba tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, phải báo cáo sớm về công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay.

"Công tác coi thi là một trong những khâu quan trọng của kỳ thi, các địa phương cần chọn ra những thầy cô có đầy đủ phẩm chất để thực hiện công tác này. Ngoài công nghệ, camera thì các đơn vị cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, tuyệt đối không được chủ quan dù khâu nhỏ nhất" - ông Nhạ nhấn mạnh.

"Hứa không để như năm 2018"

"Sơn La năm nay hứa sẽ thực hiện nghiêm túc quy chế kỳ " - từ điểm cầu Sơn La, ông Phạm Văn Thủy, phó chủ tịch tỉnh, khẳng định.

Theo ông Thủy, Ban chỉ đạo thi Sơn La đã chuẩn bị nghiêm túc cho kỳ thi THPT quốc gia với hơn 17.000 thí sinh dự thi.

Ông Thủy đề nghị bộ ấn định số lượng cán bộ coi thi đến từ các đại học, thay vì tỉnh đề xuất, đồng thời bộ làm rõ trách nhiệm của thanh tra bộ, thanh tra các trường trong công tác tổ chức thi. Đề nghị này nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch về quy trình, trách nhiệm.

Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - cho biết sở GD-ĐT có hai cán bộ thanh tra thì một người dính vào việc có con nâng điểm thi năm 2018 nên không được điều động tham gia kỳ thi năm nay.

Tại điểm cầu Hà Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý cũng cho biết ban chỉ đạo thi đã rà soát nhân sự tham gia công tác thi. Những ai liên quan đến sự việc tiêu cực từ năm 2018 sẽ không được điều động. Giáo viên coi thi đảm bảo năng lực, đạo đức nghề nghiệp.

"Hà Giang đã rà soát để tổ chức kỳ thi hiệu quả, không để những trường hợp như 2018 xảy ra" - ông Quý khẳng định.

Ở Hòa Bình, giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Trọng Đắc cho biết tỉnh có gần 9.000 thí sinh dự thi tại 33 điểm thi, công tác chuẩn bị theo quy trình chung cả nước. Tỉnh đã họp ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia, thống nhất thực hiện nghiêm túc.

Như vậy ba địa phương là điểm nóng gian lận thi năm 2018 đều đã có lời hứa về việc "sẽ nghiêm túc".

Theo phân công của Bộ GD-ĐT, tỉnh Sơn La có 6 học viện, trường ĐH sẽ tham gia phối hợp. Trong đó Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chủ trì chấm thi trắc nghiệm.

Tỉnh Hà Giang có 2 trường ĐH được điều động từ các địa phương khác đến phối hợp và Học viện Kỹ thuật quân sự chủ trì chấm trắc nghiệm.

Tại Hòa Bình có 4 học viện, trường ĐH được điều động đến, trong đó Trường ĐH Hà Nội chủ trì chấm trắc nghiệm.

Huy động 4.000 thanh tra

Thông tin này được ông Nguyễn Huy Bằng công bố khi trao đổi bên lề với báo chí.

"Cán bộ trường ĐH huy động về các địa phương nhằm đảm bảo khách quan. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn đánh giá cao thanh tra của các sở GD-ĐT về nghiệp vụ thanh tra nên sẽ huy động đội ngũ này tham gia các khâu thanh tra thi.

Nhưng để khách quan sẽ đổi chéo thanh tra sở trong khâu chấm trắc nghiệm. Ví dụ thanh tra sở của tỉnh A sẽ tham gia thanh tra chấm thi ở tỉnh B, cùng với đội ngũ thanh tra từ các trường ĐH" - ông Bằng giải thích. Quy định này năm nay mới áp dụng.

Ông Bằng cũng cho biết một điểm mới khác của công tác thanh tra thi năm nay là ở khâu chuẩn bị thi, sẽ thực hiện linh hoạt có thể thanh tra hoặc kiểm tra để trong những tình huống cần thiết sẽ yêu cầu cơ sở điều chỉnh ngay, tránh tình trạng như năm 2018, có điểm thi chia ra hai cơ sở cách nhau vài trăm mét, sai quy định nhưng sát ngày thi nên không điều chỉnh kịp, chỉ giải quyết bằng cách tăng cường giám sát.

Kỳ thi năm nay cũng sẽ huy động trên 4.000 thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Các sở GD-ĐT ngoài lực lượng thanh tra cắm chốt phải thành lập tổ trực đường dây nóng, tổ thanh tra lưu động để giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh. Bộ GD-ĐT trực tiếp có các đoàn thanh tra không báo trước.

"Bộ GD-ĐT không xác định nơi nào là điểm nóng, tuy nhiên những địa phương từng xảy ra gian lận, bộ sẽ có đoàn kiểm tra. Tôi sẽ trực tiếp tham gia đoàn đến các tỉnh này" - ông Bằng nói.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - đề nghị các trường ĐH cử đủ cán bộ đáp ứng yêu cầu, trường nào không bố trí đủ thì các tỉnh báo cáo về ban chỉ đạo quốc gia.

"Tránh tình trạng như năm ngoái, nhiều nơi không bố trí đủ cán bộ coi thi, chấm thi. Cá biệt có trưởng ban chỉ đạo đi công tác trong thời gian này" - bà Phụng nói.

TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, lưu ý công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi.

"Việc in sao phải theo 3 vòng độc lập; công tác coi thi và vai trò cán bộ coi thi rất quan trọng. Việc chấm thi phải có camera theo dõi. Các trường CĐ, ĐH không đủ nguồn lực chấm trắc nghiệm thì giao cho các trường ĐH khác" - ông Trinh nói.

Chỉ tiêu sư phạm tăng 10.000, thí sinh đăng ký giảm

TTO - Năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm thấp hơn dù chỉ tiêu tăng hơn 10.000 em so với năm ngoái.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp