Chấm dứt hiệu lực nhiều văn bản
Ngày 23-5, ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã ký quyết định mới về việc tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn. Theo đó, việc cấm tách thửa bị bãi bỏ sau gần 20 tháng áp dụng với nhiều văn bản khác nhau, nối tiếp.
Quyết định mới ban hành chấm dứt hiệu lực toàn bộ các văn bản của UBND tỉnh số 4911/UBND-ĐC ngày 5-7-2022 về tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh; văn bản số 1952/UBND-ĐC1 ngày 16-3-2023 về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố.
Việc chấm dứt hiệu lực các văn bản này đồng nghĩa với việc tỉnh Lâm Đồng không còn cấm tách thửa.
Trước đó, Tuổi Trẻ đã có bài viết phản ánh việc tỉnh Lâm Đồng cấm tách thửa không thời hạn gây khó khăn cho người dân. Các quyết định của tỉnh Lâm Đồng liên quan đến tách thửa từ tháng 11-2021 đến tháng 3-2023 không đúng với luật hiện hành.
Sau phản ánh của Tuổi Trẻ, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có ý kiến và làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều tháng, nhiều văn bản cấm
Cụ thể, sau nhiều năm để các đơn vị kinh doanh bất động sản phân lô xẻ nền đất nông nghiệp bán trái phép, núp bóng dự án khiến dư luận bức xúc, khoảng tháng 10-2021, tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu dừng toàn bộ các hoạt động tách thửa để hoàn thiện cơ sở pháp lý.
Tháng 11-2021, tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản hướng dẫn người dân tách thửa (quyết định số 40/2021): Đối với đất ở, vẫn theo luật hiện hành. Riêng với đất nông nghiệp, văn bản này quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp là 500m2 tại khu vực đô thị, 1.000m2 tại khu vực nông thôn.
Giữa tháng 1-2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất nông nghiệp.
Ngày 5-7-2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản mới (văn bản 4911). Theo văn bản này, đa phần cá nhân vẫn không thể tách thửa đất nông nghiệp của mình.
Nếu muốn, phải lập hợp tác xã, công ty và thửa đất muốn tách phải lập dự án, lập quy hoạch để trình phê duyệt.
Chỉ có ngoại lệ trong trường hợp thừa kế hoặc tặng cho (giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột theo quy định), mỗi người nhận - tặng cho được nhận 1 thửa đất sau khi tách thửa.
Đến tháng 3-2023, UBND tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh cho phép tách thửa đất nông nghiệp trở lại. Diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp là 500m2 tại khu vực đô thị; 1.000m2 tại khu vực nông thôn.
Ngoài ra, các khu vực tách thửa phải tiếp giáp mặt đường (bề rộng tiếp giáp tối thiểu 10m). Điều đáng nói, ở văn bản điều chỉnh lần này, có ràng buộc hai điều kiện “tách thửa đất nhỏ lẻ” và “không kinh doanh bất động sản”.
Văn bản này được xác định không giải quyết được các vướng mắc ở văn bản cũ (4911). Cán bộ đăng ký đất đai khó chứng minh được thế nào là tách thửa nhỏ lẻ.
Hơn nữa, cũng khó chứng minh động cơ tách thửa để sang nhượng theo diện nào, người tách thửa có kinh doanh không. Cơ quan nào xác định trường hợp nào là kinh doanh bất động sản, cơ quan nào là cơ quan yêu cầu người tách thửa phải thành lập doanh nghiệp.
Do đó, cấp trên cần xem lại để có hướng điều chỉnh cho phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận