PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, phát biểu tại hội nghị ở điểm cầu TP.HCM - Ảnh: Trần Huỳnh |
Đó là sáu điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Sau báo cáo mở đầu hội nghị của Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết các đại biểu sẽ tập trung thảo luận trực tiếp tại các điểm cầu. Sau thời gian thảo luận tại điểm cầu dự kiến kéo dài đến 11 giờ, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp ý kiến và đưa ra kết luận chung.
Thi THPT quốc gia: Thí sinh vùng giáp ranh được tự lựa chọn cụm thi
Trong báo cáo mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho biết tính đến ngày 15-9, báo cáo của 443 trường ĐH, CĐ cho biết đã tuyển được 554.953 sinh viên, đạt 85,74% chỉ tiêu (hệ ĐH tuyển được 415.870 đạt 97,6% chỉ tiêu; hệ CĐ tuyển được 139.083 đạt 63,21% chỉ tiêu), cao hơn số tuyển được của cả năm 2014.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 còn một số bất cập bộc lộ qua đợt xét tuyển đầu tiên gây ra hình ảnh không tốt trong dư luận. Bất cập này đã được khắc phục kịp thời trong các đợt ĐKXT sau. Những bất cập này cũng để lại những bài học kinh nghiệm quý trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2016.
Theo đó, năm 2016 Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu và quyết định sẽ tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Theo quy định chung, trừ thí sinh tự do được lựa chọn cụm thi phù hợp, học sinh đang học THPT sẽ được phân bổ thi tại cụm thi phù hợp.
Tuy nhiên, riêng thí sinh các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện, các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem kỳ thi năm 2016 dự kiến tổ chức trong ba ngày từ 13 đến 15-6.
Theo ông Ga, đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi.
Bộ GD-ĐT cũng cam kết sẽ bổ sung, nâng cấp để hoàn thiện hệ thống phần mềm trên nguyên tắc tăng cường ứng dụng CNTT vào các khâu của kỳ thi, nhất là ở các khâu ĐKDT, ĐKXT, sẵn sàng đáp ứng cho kỳ thi THPTQG năm 2016 và những năm tiếp theo.
Sau khi hoàn thành việc chấm thi và lên điểm, các cụm thi cập nhật dữ liệu điểm thi vào hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT. Bộ cũng sẽ tăng thêm các cổng công bố kết quả thi để tạo thuận lợi cho thí sinh, khắc phục tình trạng nghẽn mạng như vừa qua.
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016: điều chỉnh chế độ ưu tiên
Với tuyển sinh ĐH, CĐ, bộ xác định sẽ triển khai ba điểm mới quan trọng như sau.
Thứ nhất, điều chỉnh chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn.
Thứ hai, các trường thực hiện phương án tuyển sinh riêng tiếp tục xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Thứ ba, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ dựa trên kết quả thi THPT quốc gia có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh năm 2015 theo hướng tăng quyền chủ động cho các nhà trường. Theo đó, dự kiến sau khi có kết quả thi, các trường ĐH, CĐ tự chủ tổ chức tuyển sinh. Bộ GD-ĐT quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
Bộ có thể quy định các đợt xét tuyển trên cơ sở các mức điểm khác nhau của thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp để giảm rủi ro cho thí sinh và giảm thí sinh ảo cho các trường, mỗi đợt từ 5-7 ngày.
Các trường có thể quy định hình thức, điều kiện, thời gian ĐKXT của thí sinh; các nhóm trường (đặc biệt là nhóm khoảng 30 trường ĐH có sức hút thí sinh mạnh mẽ nhất năm 2015) có thể tự nguyện phối hợp với nhau thực hiện tuyển sinh bằng phần mềm xét tuyển và cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký chung vào nhóm trường này để giảm ảo, tạo thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường.
Thí sinh căn cứ kết quả thi của mình và quy định của cơ sở đào tạo để ĐKXT trực tuyến qua mạng, qua bưu điện, tại trường THPT của sở GDĐT hoặc tại trường.
Năm học 2014-2015: 60 ngành không được cấp phép đào tạo Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2014-2015 có 177 CSĐT, gồm 8 viện, 128 trường đại học và 41 trường CĐ đăng ký mở 447 ngành đào tạo, trong đó có 60 ngành không được cấp phép đào tạo do chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện mở ngành theo quy định hoặc thuộc các ngành đã được cảnh báo dư thừa nguồn nhân lực. Phần lớn các ngành đề nghị cho phép đào tạo thuộc nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật (31%), nhóm ngành kinh tế-quản trị (19%), khoa học sức khỏe (10%), nông - lâm nghiệp và thủy sản (8,3%), khoa học xã hội - hành vi (4,5%), khoa học sự sống (2,3%), an ninh - quốc phòng (1,2%), còn lại là các nhóm ngành khác. Tạm dừng mở nhóm ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng tại Hà Nội, TP.HCM Bộ GD-ĐT cũng cho biết đã tạm dừng mở một số ngành đã có nguy cơ dư thừa và thực hiện cảnh báo xã hội để giảm quy mô đào tạo các ngành này, tạm dừng mở một số ngành cần nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, dừng mở nhóm ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng trình độ đại học ở khu vực Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng có công văn tạm dừng mở ngành y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt, dược tại các trường đa ngành, không đào tạo chuyên về ngành y dược, đồng thời xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành đối với các ngành này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận