Trước đó, dư luận xôn xao thông tin 16 ứng viên GS, PGS ngành y, ngành dược bị tố là có hồ sơ không đủ tiêu chuẩn nhưng được hội đồng GS ngành và liên ngành thông qua.
"Gian dối hồ sơ"
GS Nguyễn Ngọc Châu từng có ba nhiệm kỳ là thành viên Hội đồng GS ngành khoa học sự sống, Hội đồng GS liên ngành sinh học - nông nghiệp. Ông có kinh nghiệm thẩm định các công bố trong lĩnh vực khoa học sự sống.
Ông đã xem hồ sơ của 21 ứng viên và quyết định gửi cho Hội đồng GS nhà nước vì không có thời gian để thẩm định. Năm nay, ông Châu không còn làm việc trong hội đồng ngành và liên ngành nhưng khi nhận được đơn tố cáo, ông vẫn quyết định thẩm định độc lập giúp Hội đồng GS nhà nước.
Trước đó, GS Nguyễn Ngọc Châu đã công bố kết quả thẩm định hồ sơ của 16 ứng viên GS, PGS ngành y học và dược học. Người tố cáo cho biết 16 ứng viên này không đủ tiêu chuẩn, gian dối trong khai báo hồ sơ.
Sau khi thẩm định, GS Nguyễn Ngọc Châu cho biết có một ứng viên đã bị Hội đồng GS ngành dược loại vì không đủ tiêu chuẩn. 12/16 ứng viên bị tố không đạt yêu cầu do không đủ bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín nhưng hội đồng GS ngành vẫn cho qua.
GS Nguyễn Ngọc Châu cho biết hầu hết bài của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí chất lượng thấp, hoặc các tạp chí trả tiền thì được đăng bài.
"Năm nay là năm thứ hai yêu cầu các ứng viên PGS phải có ba bài báo khoa học, ứng viên GS phải có năm bài báo khoa học, được đăng trên các tạp chí nằm trong danh mục của ISI và Scopus. Tức là tiêu chuẩn cao hơn hẳn trước kia, dẫn đến các ứng viên sẽ phải tìm cách đạt được yêu cầu.
Khi thẩm định tôi thấy có ứng viên nữ có tới 11 bài báo khoa học. Trong đó chỉ có 4 bài đạt yêu cầu, còn 7 bài không nằm trong danh mục của ISI hay Scopus" - GS Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ.
Hội đồng sẽ xem xét lại
Chủ tịch Hội đồng GS ngành y học của năm 2020, GS.TS Đặng Vạn Phước ý kiến: "Hạng của các tạp chí khoa học cũng thăng giáng liên tục. Giai đoạn COVID-19 vừa qua, ngay cả những tạp chí nổi tiếng bên Mỹ cũng tùm lum hết.
Năm ngoái có ứng viên đăng ký chức danh PGS gửi bài cho tạp chí nước ngoài từ năm 2018, đến năm 2019 tạp chí mới đăng. Nhưng cũng trong năm 2019 tạp chí này bị loại ra khỏi danh sách của ISI và Scopus, mà ứng viên không hề hay biết".
GS.TS Đặng Vạn Phước chia sẻ thêm việc yêu cầu các ứng viên PGS, GS phải có bài báo đăng trên các tạp chí nước ngoài là tốt vì góp phần nâng chuẩn lên. Nhưng có cung thì ắt có cầu. Sẽ có ứng viên tìm cách trả tiền để được đăng bài ở các tạp chí nước ngoài.
Ngoài ra còn có xu hướng coi nhẹ các tạp chí khoa học trong nước đã có truyền thống 40 - 50 năm.
"Có lẽ sắp tới chúng tôi đề xuất cần tính thêm cả bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trong nước" - GS.TS Đặng Vạn Phước nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về 21 ứng viên PGS, GS bị tố không đủ tiêu chuẩn đã được Hội đồng GS ngành y học thông qua, GS.TS Đặng Vạn Phước cho hay: "Chúng tôi sẵn sàng tiếp thu các ý kiến phản biện ở bên ngoài.
Hội đồng sẽ xem xét lại các trường hợp bị cho không đủ tiêu chuẩn. Còn hội đồng đã bầu xong rồi, sẽ không bầu lại nữa đâu. Chúng tôi sẽ báo cáo Hội đồng GS nhà nước để hội đồng quyết định".
Chủ yếu liên quan bài báo khoa học quốc tế
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-10, một thành viên Hội đồng GS ngành y học 2020 cho biết các ứng viên GS, PGS đang bị tố có vấn đề chủ yếu ở yếu tố bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Trong quá trình xem xét, hội đồng đã cân nhắc rất kỹ từng hồ sơ và từng bài báo đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế của các ứng viên.
"Trong đơn thư tố cáo cho rằng các tạp chí mở là giá trị khoa học không cao, điều đó không hẳn đúng. Có những tạp chí mở - tức là mọi người có thể vào xem không phải trả tiền - vẫn được xếp vào nhóm có giá trị khoa học tốt. Chúng tôi cũng đã xem xét kỹ về tính uy tín của bài báo, giá trị khoa học..." - thành viên hội đồng cho biết.
Một PGS cầm trên tay chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo vị này, thực tế đúng là có những tạp chí khoa học quốc tế đăng bài báo khoa học để... thu tiền. Trong khi quy định hiện hành bắt buộc ứng viên GS phải có 5 bài báo tiếng Anh, ứng viên PGS cần 3 bài.
Trong khi các tạp chí khoa học của Việt Nam vô hình trung bị "tự hạ thấp". Tuy nhiên trong quá trình xem xét từng ứng viên, hội đồng đã xem xét trên các cơ sở tính khoa học, tính nhân văn...
"Hội đồng có đầy đủ hồ sơ trong tay và hồ sơ của từng ứng viên, xem xét trên cơ sở tổng thể và bỏ phiếu kín. Hiện danh sách ứng viên được thông qua Hội đồng GS y học đã được trình lên Hội đồng GS nhà nước để duyệt lại, trước khi công bố chính thức" - vị GS thành viên hội đồng cho biết.
L.ANH
Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ lập tổ công tác
Ông Nguyễn Đức Cường - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - cho biết thanh tra bộ đã nhận được đơn tố cáo các ứng viên PGS, GS thông qua email. Thanh tra sẽ lập tổ công tác để thẩm định hồ sơ của các ứng viên.
"Chúng tôi vẫn phải chờ quyết định của Hội đồng GS nhà nước" - ông Nguyễn Đức Cường cho biết.
Phóng viên Tuổi Trẻ cũng đã liên hệ với ba người trong nhóm ứng viên PGS, GS bị tố có hồ sơ không hợp lệ. Một người tắt máy, một người từ chối trả lời, một người nói nội dung tố cáo không đúng. Hai ứng viên bắt máy phóng viên đều không muốn giải thích gì về việc bị tố cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận