Thất thu thuế, công nghệ lạc hậu, hệ lụy môi trường..., liệu FDI có công bằng cho đất nước và nhân dân - đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại Quốc hội ngày 30-10 - Nguồn clip: VTV
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 31-10, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) thừa nhận các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng đi cùng với đó là hàng loạt nỗi lo.
"Chúng ta phải tịnh tâm suy xét trước khi quá muộn", đại biểu Nhân cảnh báo.
Năm 2017, 25 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài thu hút được, cùng với các dự án FDI tăng quy mô sản xuất, đã tạo ra "cơn địa chấn". FDI giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, nhưng hiệu quả mà nó mang lại cho nội tại nền kinh tế, cho đời sống người dân thì chưa đáng là bao.
"Tăng trưởng GDP quốc gia lên xuống dựa vào một vài doanh nghiệp FDI thì quả là rất đáng lo ngại", ông Nhân nói.
Đại biểu Bình Dương chỉ ra: Phải nhìn nhận FDI bổ sung nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển quốc gia. Năm 2016 FDI đã đóng góp 20% cho GDP và giải quyết khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu…
Thống kê giai đoạn 2007-2015 cho thấy có đến 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ. Tuy nhiên, điều ngược đời là càng báo lỗ thì doanh nghiệp FDI lại càng mở rộng sản xuất. Chưa hết, thống kê trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất năm 2015 thì khối doanh nghiệp FDI đóng góp rất nhỏ.
Theo thống kê của tổ chức Oxfam, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 170 tỉ USD vì nạn chuyển giá. FDI đóng góp 70% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng đã bị chuyển giá ra nước ngoài. Vì vậy, dẫu có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó thì cũng chẳng là bao, 80% còn lại dĩ nhiên sẽ được các doanh nghiệp FDI chuyển về chính quốc.
"Nền kinh tế Việt Nam VN đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình và sẽ còn bị giữ chặt trong một thời gian dài nữa", đại biểu Phạm Trọng Nhân cảnh báo.
Một trong những mục đích của thu hút đầu tư là nhận chuyển giao công nghệ, thế nhưng theo thống kê thì 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình thế giới, 14% sử dụng công nghệ thấp và lạc hậu, chỉ có 5-6% là công nghệ cao.
Trên bảng xếp hạng toàn cầu về chuyển giao công nghệ, Việt Nam rớt hạng, thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Campuchia.
"Trong khi doanh nghiệp FDI nhận nhiều ưu đãi, thì doanh nghiệp trong nước lại bị đối xử rất khắt khe. Câu chuyện Viettel vỡ mộng khi bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác xin ưu đãi thuế giống như Samsung Việt Nam, hay khoản đầu tư 500 tỉ để phát triển công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính… là những ví dụ", ông Phạm Trọng Nhân nói.
Thất thu thuế, nhận công nghệ lạc hậu, cạn kiệt tài nguyên, nhân công rẻ, thiếu công bằng trong ưu đãi đầu tư và cuối cùng là hệ luỵ ô nhiễm môi trường, là những vấn đề đặt ra với FDI, mà ông Nhân nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta phải tịnh tâm suy xét trước khi quá muộn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận