29/06/2022 16:07 GMT+7

Sau chuyến xe 'không tiền mặt', Nha Trang sẽ có khu chợ, khu phố 'không tiền mặt'

MINH CHIẾN
MINH CHIẾN

TTO - TP Nha Trang (Khánh Hòa) đang hướng đến đô thị du lịch quốc tế khi hoạt động thương mại - du lịch ngày càng phát triển. Cùng với đó, nhu cầu thanh toán không tiền mặt đang dần trở nên phổ biến.

Sau chuyến xe không tiền mặt, Nha Trang sẽ có khu chợ, khu phố không tiền mặt - Ảnh 1.

Chuyến xe "không tiền mặt" đã đến thành phố Nha Trang sáng 29-6 - Ảnh: LÂM THIÊN

Ngày 29-6, chuyến xe "không tiền mặt" đã đến thành phố Nha Trang, mang theo những thông điệp và tiện ích về việc thanh toán không sử dụng tiền mặt đến với người dân và du khách thành phố biển. 

Rất tiện ích cho thành phố du lịch

Với hành trình vòng quanh thành phố, chuyến xe "không tiền mặt" đã chọn chợ Đầm (phường Vạn Thạnh) làm điểm dừng chân. Đây là khu chợ có lịch sử lâu đời và được rất nhiều du khách, người dân tham quan, mua sắm.

Được tình nguyện viên hướng dẫn hình thức thanh toán qua app VNPT Money, bà Lê Thu Trang - người dân phường Lộc Thọ - chia sẻ những năm gần đây, bà chỉ sử dụng tiền mặt khi đi chợ, còn khi đến các siêu thị, bà đều thanh toán bằng thẻ ATM hoặc chuyển khoản.

"Tôi chuyển sang thanh toán điện tử từ sau dịch COVID-19, lúc đó dịch bùng phát mà tiền mặt lại là vật tiếp xúc chuyền tay qua lại giữa nhiều người nên để an toàn, tôi dùng thẻ. Chỉ với 1 chiếc thẻ hay điện thoại tôi có thể thanh toán mọi lúc, tôi còn có thể dùng mã QR để rút tiền tại các cây ATM rất tiện. Ứng dụng thanh toán này khá hay, tôi sẽ tải về và tập dùng thử", bà Trang nói.

Tuy nhiên, theo bà Trang, để việc thanh toán điện tử phổ biến thì ngoài người dùng, tại các cây xăng, cửa hàng nhỏ cũng nên bắt đầu bố trí mã thanh toán. Chưa kể với những người lớn tuổi, vùng xa cần có sự hướng dẫn hoặc thiết kế tiện ích thanh toán điện tử đơn giản nhưng phải có tính bảo mật cao.

Sau chuyến xe không tiền mặt, Nha Trang sẽ có khu chợ, khu phố không tiền mặt - Ảnh 2.

Chuyến xe "không tiền mặt" đến chợ Đầm, TP Nha Trang

Ông Võ Thành An - tiểu thương chợ Đầm - cho hay từ trước đến nay, ông chỉ dùng ứng dụng chuyển khoản khi nhập hàng với số lượng lớn, khá ít khi dùng hình thức này để giao dịch hằng ngày.

"Dùng ứng dụng chuyển tiền vừa nhanh vừa tiện, nhưng chủ yếu khách mua hàng họ vẫn dùng tiền mặt. Trước đây, nhiều nhóm khách Trung Quốc, Hàn Quốc có hỏi rằng tôi có mã thanh toán, hay tài khoản gì không để họ chuyển tiền, lúc đó tôi không biết đến các ứng dụng này nên đã bỏ lỡ nhiều đơn hàng. Chắc chắn sau lần này tôi sẽ tải app về dùng, chỗ nào chưa hiểu thì nhờ con hay xem tờ rơi hướng dẫn", ông An nói.

Ông An cũng mong muốn chợ sẽ bố trí các mã thanh toán, liên kết các ứng dụng thanh toán cho các tiểu thương để phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Hiện nay thói quen của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Ví điện tử MoMo, Internet Banking, ATM... từ mua sắm tại siêu thị, cửa hàng thời trang đến chi trả dịch vụ tại nhà hàng, khách sạn…

Ông Võ Đình Dũng - giám đốc siêu thị Co.opmart Nha Trang - cho biết tỉ lệ khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. 

Các ngân hàng thường xuyên có chương trình khuyến mãi như: tích điểm, tặng quà, hoàn tiền khi mua sắm nên khách hàng có xu hướng thanh toán qua thẻ nhiều hơn. Hiện nay, siêu thị đã liên kết với 3 ngân hàng để đặt máy POS và thanh toán khoản phí hằng tháng cho các ngân hàng.

"Từ sau dịch COVID-19, tâm lý mua sắm, thanh toán của người dùng đã thay đổi. Họ thích ở nhà đặt hàng trên web hoặc app và thanh toán trước vì họ hạn chế đến nơi đông người, chưa kể khi thanh toán xong nhân viên sẽ giao hàng đến tận nhà nên họ rất thích", ông Dũng nói

Đại diện Alma Resort (Bãi Dài, TP Cam Ranh) cho biết việc thanh toán điện tử đã được mọi người biết từ trước và rộ nhất là giai đoạn trước dịch, khi khách Trung và Hàn Quốc thường xuyên dùng mã thanh toán. Hiện nay du khách khi booking phòng đặt vé máy bay cũng đang dần chuyển sang thanh toán điện tử.

Sau chuyến xe không tiền mặt, Nha Trang sẽ có khu chợ, khu phố không tiền mặt - Ảnh 3.

Tiểu thương tại chợ Đầm được hướng dẫn dùng các app thanh toán

Tiến tới khu chợ và khu phố "không tiền mặt"

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa, 5 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt hơn 2,33 triệu món với doanh số thanh toán 49.265 tỉ đồng, tăng khoảng 49% so với cùng kỳ năm trước. 

Giao dịch thanh toán qua điện thoại di động ước đạt 13,47 triệu món, tăng 176,7%. Doanh số thanh toán 146.484 tỉ đồng, tăng 252,3%; giao dịch qua ATM tăng nhanh về số giao dịch và giá trị giao dịch; giao dịch qua thiết bị POS ước đạt 1,3 triệu giao dịch, tăng 151,4%.

Để thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, tại Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ngân hàng bằng nhiều giải pháp như thanh toán qua QR code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử, chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, phát triển, gia tăng chức năng tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ...

Theo bà Phan Thị Thu Cúc - phó giám đốc Sở Công thương Khánh Hòa, để người dân hạn chế sử dụng tiền mặt và chuyển sang dùng các ứng dụng tài chính, cần có một lộ trình vì giao dịch điện tử chỉ tập trung ở nhóm người trẻ, khu vực thành thị.

Trước đó. trong các hội nghị xúc tiến thương mại điện tử, Sở Công thương đã phối hợp với các công ty bán hàng khuyến khích người dân thanh toán điện tử. Việc chuyến xe "không tiền mặt" đến Nha Trang cũng là một hình thức tuyên truyền giúp người dân có thêm trải nghiệm thanh toán không tiền mặt thuận tiện hơn.

"Sắp tới Sở Công thương sẽ triển khai phương án không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống. Đây là đề án nằm trong kế hoạch chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử. Chúng tôi hướng đến năm 2022 các chợ trên địa bàn tỉnh sẽ thanh toán, mua bán không dùng tiền mặt. Hiện sở đã chuyển đề án sang Sở Thông tin và truyền thông để tổng hợp, sau đó trình lên tỉnh xin kinh phí, rồi mới triển khai", bà Cúc nói.

Cũng theo bà Cúc, dự định trong năm 2023, Nha Trang sẽ thí điểm làm tuyến phố "không tiền mặt" và sẽ chọn các tuyến phố Tây thực hiện trước, sau đó nhân rộng ra toàn thành phố. Nguyên tuyến phố đó người dân và du khách sẽ thanh toán qua các ứng dụng, mã QR, đồng thời lắp đặt các máy POS để tạo nhiều kênh thanh toán hơn.

Chuyến xe "không tiền mặt" sau khi rời TP Nha Trang sẽ có mặt tại TP.HCM vào ngày 2-7. Hoạt động mở đầu tại thành phố là buổi Roadshow từ ngày 2 đến sáng 3-7 qua các cung đường như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, hồ Con Rùa, nhà thờ Đức Bà… Sau đó là sự kiện Activation vào ngày 3-7 tại công viên Văn Lang (quận 5) với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Chương trình mang chủ đề "Tiện ích trong tầm tay" chào đón chuyến xe "không tiền mặt" - hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2022 do báo Tuổi Trẻ, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức cùng sự phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas).

Chuyến xe không tiền mặt đến phố biển Nha Trang, nhiều tiểu thương thích thú Chuyến xe không tiền mặt đến phố biển Nha Trang, nhiều tiểu thương thích thú

TTO - Sáng 29-6 chuyến xe 'Không tiền mặt' đã đến TP Nha Trang (Khánh Hòa), thu hút nhiều người dân và du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm những ứng dụng thanh toán không tiền mặt.

MINH CHIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp