16/04/2018 16:51 GMT+7

Sau ‘cây gậy’ tên lửa là ‘cà rốt’ giải pháp chính trị

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Dường như vẫn là một cung cách quen thuộc trên bàn cờ chính trị: sau khi đánh phủ đầu bằng sức mạnh quân sự, là đề nghị đàm phán tìm giải pháp mà đương nhiên lợi thế phải thuộc về kẻ mạnh hơn.

Sau ‘cây gậy’ tên lửa là ‘cà rốt’ giải pháp chính trị - Ảnh 1.

Người dân Mỹ phản đối ném bom xuống Syria biểu tình ở thành phố New York (Mỹ) vào ngày 15-4 - Ảnh: REUTERS

Ngay sau khi dự thảo nghị quyết do Nga đưa ra lên án "hành vi xâm lược Syria của Mỹ và các đồng minh" bị vùi dập tại Hội đồng Bảo an LHQ, Pháp đã lập tức thông tin sẽ trình dự thảo nghị quyết giúp thoát khỏi bế tắc chính trị hiện nay ở Syria.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Paris sẽ đệ trình các sáng kiến cho cuộc khủng hoảng Syria trong ngày hôm nay (16-4) tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) và Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Le Drian, cần phải lên kế hoạch hướng tới một giải pháp hòa bình ở Syria và Pháp sẽ phác thảo một lộ trình với "những người muốn đóng góp cho kế hoạch này".

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu HĐBA LHQ thực hiện các sáng kiến chính trị và nhân đạo một cách "thống nhất", không chỉ để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học tiếp diễn, mà còn để bảo vệ dân chúng và đảm bảo rằng đất nước này tìm lại hòa bình.

Theo ông, ưu tiên số một của phương Tây (sau vụ không khích Syria rạng sáng 14-4) là chuẩn bị cho một "giải pháp chính trị dài hạn, hướng tới chuyển giao trong khuôn khổ Hiến pháp". 

Như vậy có thể thấy rằng nhóm liên quân không muốn tấn công quân sự nữa mà dùng cuộc không kích chớp nhoáng vừa qua làm cây gậy răn đe để bảo vệ cho lộ trình chính trị của mình.

Sau ‘cây gậy’ tên lửa là ‘cà rốt’ giải pháp chính trị - Ảnh 2.

Nhóm cựu chiến binh Mỹ phản đối ném bom xuống Syria biểu tình ở thành phố New York (Mỹ) vào ngày 15-4 - Ảnh: REUTERS

Trong mắt Nga cùng các đồng minh của mình đó không phải là cách thức mới. Những ngày qua, không ít lần phía Nga cho rằng phương tây cảm thấy thất thế trên trận địa Syria khi quân đội của tổng thống Bashar al Assad nhanh chóng giành lại nhiều vị trí quan trọng nên đã tìm cớ (sử dụng vũ khí hóa học) để chen ngang vào mặt trận này.

Dù vậy phía Nga có vẻ cũng tỏ ra thiện chí cho một đề xuất từ bên đã tấn công bằng tên lửa.

Hôm nay (16-4), theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố muốn nghiên cứu bản dự thảo nghị quyết về vấn đề Syria do Pháp-Mỹ-Anh đề xuất.

Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời ông Pyotr Ilichev - Giám đốc Cục các tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Nga, khẳng định: "Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu dự thảo đó. Nó chỉ mới được trình lên, vẫn còn phải làm việc trên đó. Chúng tôi không nhất thiết phải bác bỏ nó, chúng tôi cần xem xét".

Động thái này cho thấy một phản ứng mềm hơn từ Nga, thay vì trả đũa thẳng cánh, sau khi dự thảo của Nga lên án hành động tấn công Syria không thông qua được tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ vài ngày trước.  

Ngay sau khi xảy ra cuộc không kích của liên quân Mỹ-Anh-Pháp, Nga đã mạnh mẽ lên tiếng tố cáo hành động xâm phạm một đất nước có chủ quyền, đòi hỏi họp khẩn tại HĐBA và đưa ra dự thảo nghị quyết lên án nhưng cũng nhanh chóng khẳng định duy trì các kênh đối thoại để tìm kiếm giải pháp ngoại giao.

Đối thoại với Nga phức tạp, nhưng đó chính là lý do tại sao điều đó quan trọng"

Ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Sau ‘cây gậy’ tên lửa là ‘cà rốt’ giải pháp chính trị - Ảnh 4.

Người dân Syria tản cư từ khu Đông Ghouta tạm trú tại trại Herjelleh ở vùng nông thôn Damascus ngày 15-4. Hàng triệu người dân Syria đã chịu nhiều mất mát từ cuộc nội chiến kéo dài đã 7 năm - Ảnh: REUTERS

Phương tây cũng tích cực tìm kiếm những tiếng nói đồng thuận hỗ trợ cho đề xuất mới của mình. Sau khi trao đổi với lãnh đạo Mỹ và Anh, tổng thống Pháp Macron cho biết sẽ nói chuyện thêm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để đảm bảo tiến trình thúc đẩy giải pháp chính được ổn thỏa.

Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia cũng ít nhiều dính líu vào cuộc chiến ở Syria với việc ngăn chặn lực lượng người Kurd - cũng khá rõ: ủng hộ cuộc không kích vừa qua.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May sau cuộc không kích, Tổng thống Erdogan tuy vậy cũng khẳng định cách duy nhất để có được hòa bình lâu dài ở Syria là một giải pháp chính trị, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tuyên bố Đức và Pháp sẽ mở ra một hình thức đàm phán mới nhằm giải quyết vấn đề Syria, trong đó có sự tham gia của các quốc gia có ảnh hưởng để đảm bảo giải quyết xung đột chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu với báo chí tại Berlin, ông Maas nói rằng Đức sẽ hợp tác với Pháp trong việc tạo ra "một định dạng quốc tế mới" để giải quyết vấn đề xung đột tại Syria. Theo ông Maas, các cuộc đàm phán ở Geneva (Thụy Sĩ), Astana (Kazakhstan) và Sochi (Nga) trước đây đã không thể đưa ra đáp án chính xác để giải quyết xung đột.

Ngoại trưởng Đức khẳng định các sáng kiến để giải quyết khủng hoảng Syria sẽ trở thành một trong những chủ đề quan trọng tại cuộc họp Hội đồng Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra vào ngày 16-4.

"Mục tiêu chung của EU là ngăn chặn tình trạng bạo lực leo thang có thể biến cuộc khủng hoảng Syria thành cuộc đối đầu khu vực với những hậu quả khôn lường đối với Trung Đông và thậm chí toàn thế giới", bà Federica Mogherini - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), khẳng định.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp