31/07/2020 19:18 GMT+7

Sau ca bệnh COVID-19 tử vong đầu tiên, lên phương án sẵn sàng ứng phó sự cố

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Yêu cầu tập trung lực lượng và nguồn lực khoanh vùng, dập ổ dịch Đà Nẵng, Ban chỉ đạo thống nhất trình Thủ tướng ban hành văn bản chỉ đạo để sẵn sàng trong trạng thái bình thường mới khi có sự cố như Đà Nẵng.

Sau ca bệnh COVID-19 tử vong đầu tiên, lên phương án sẵn sàng ứng phó sự cố - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp

Chiều 31-7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.

Báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết tính đến 10h ngày 31-7, Việt Nam ghi nhận 509 trường hợp mắc COVID-19 (đến 18h cùng ngày đã lên 546 ca - PV), 1 trường hợp tử vong (bệnh nhân 428) là bệnh nhân nam, 70 tuổi, thường trú tại Hội An, Quảng Nam.

Ca tử vong đầu tiên vẫn chưa tìm được nguồn lây

Về ca bệnh tử vong đầu tiên, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết rạng sáng 31-7 bệnh nhân xuất hiện ngừng tim, được cấp cứu tại chỗ nhưng đã tử vong lúc 5h30 ngày 31-7.

Ông Long nói đây là trường hợp bệnh nhân rất nặng, cao tuổi, nhiều bệnh lý nền nặng, đã được hội chẩn nhiều lần của tiểu ban điều trị và các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, tim mạch, truyền nhiễm; được Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, hồi sức tích cực, cấp cứu liên tục.

Thậm chí, bộ đã cử GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, chuyên gia đầu ngành tim mạch, vào trực tiếp điều trị nhưng vẫn không cứu được. 

Ngoài bệnh nhân 428, hiện Đà Nẵng còn một số trường hợp rất nặng.

Quyền bộ trưởng cũng đánh giá diễn biến dịch bệnh tại Đà Nẵng tương đối phức tạp vì đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây, trong khi các ca chủ yếu ở Bệnh viện Đà Nẵng và các cụm bệnh viện khác.

Ngay từ những ngày đầu, Bộ Y tế đã chỉ đạo rất sát sao, tập trung phương tiện, trang thiết bị, điều động những lực lượng tốt nhất vào Đà Nẵng. Hiện Bộ Y tế đã nâng công suất xét nghiệm tại Đà Nẵng lên 10.000 mẫu/ngày.

Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành truy vết, xác định số lượng người đến và đi từ Đà Nẵng và từ cụm bệnh viện để phát thông tin cảnh báo, gửi tin nhắn, rà soát, triển khai lấy mẫu để xét nghiệm diện rộng để truy vết trong cộng đồng.

Đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, nếu ra ngoài thì phải đeo khẩu trang nhất là ở nơi tập trung đông người, hay đi trên các phương tiện giao thông công cộng…

Có biện pháp cụ thể ứng phó sự cố như Đà Nẵng

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết diễn biến dịch bệnh nhanh chóng những ngày qua làm tâm lý người dân Đà Nẵng không khỏi lo lắng.

Chính quyền địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt, chỉ đạo nghiêm ngặt nhưng có thời điểm cũng lúng túng. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tập trung lực lượng để hỗ trợ dập dịch ở địa phương này.

Lãnh đạo các bộ cũng đề nghị Ban chỉ đạo tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị mới với những biện pháp cụ thể, quyết liệt để chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên cả nước trong thời gian tới.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ưu tiên cao nhất bây giờ là tiếp tục thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo, tập trung khoanh gọn, dập thật sớm ổ dịch ở Đà Nẵng.

Ông yêu cầu các địa phương phải tăng cường siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt các thành phố lớn, sẵn sàng chủ động trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, Ban chỉ đạo thống nhất trình Thủ tướng ban hành văn bản chỉ đạo để sẵn sàng trong trạng thái bình thường mới khi có sự cố như Đà Nẵng.

Bộ Y tế tăng cường lực lượng phòng, chống dịch cho Đà Nẵng, đồng thời phải chỉ đạo quyết liệt hệ thống bệnh viện thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đây về tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ, đúng với ý nghĩa y tế là tuyến đầu, luôn sẵn sàng cao độ, đặc biệt là những khoa điều trị bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền.

Địa phương theo dõi sát tình hình, có phương án sát ngày thi

Về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết theo kế hoạch kỳ thi diễn ra từ ngày 8 đến 10-8. Đến hôm nay, 63 địa phương đã nhận được đề thi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế có văn bản gửi các tỉnh thành hướng dẫn để tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn…

Bộ đã phân loại thí sinh theo 4 nhóm và có giải pháp phù hợp. Những ngày tới, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương, bám sát tình hình để báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời quyết định.

Đối với việc chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, mặc dù đã tính đến phương án một tỉnh hay một số tỉnh có dịch phải cách ly theo chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhưng Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục theo dõi chặt chẽ đến sát ngày thi để có phương án căn cứ đúng tình hình thực tế, báo cáo Thủ tướng.

Phương án thi phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh, tuân thủ quy định về phòng chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo cơ hội cho những học sinh có năng lực được vào học những trường ĐH theo nguyện vọng, năng lực của mình.

37 ca COVID-19 mới, trong đó 3 ca TP.HCM 37 ca COVID-19 mới, trong đó 3 ca TP.HCM

TTO - Bộ Y tế chiều tối 31-7 thông báo ghi nhận 37 ca COVID-19 mới, trong đó có 3 ca ở TP.HCM, 8 ca ở Quảng Nam, 26 ca còn lại là những ca nhập cảnh được cách ly ngay.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp